Nhiều bệnh nhân Ấn Độ chết trước cửa bệnh viện

 

Anh là một trong những trường hợp tử vong mới nhất trong làn sóng Covid-19 thứ hai quét qua đất nước hơn 1,3 tỷ dân. Narayan được anh em trai đưa đến bệnh viện lần đầu lúc 6h sáng ngày 23/4. Đến nơi, nhân viên y tế nói anh đủ khoẻ để trở về nhà. 10 tiếng sau, tình trạng của anh xấu đi, họ quay lại viện. Song đã quá muộn. Narayan chết trên chiếc cáng cứu thương ngay trước cổng bệnh viện mà không được ai giúp đỡ.

“Hệ thống y tế sụp đổ rồi”, em trai anh, Raj Narayan, nói.

Shayam Narayan tử vong mà không được nhập viện hay đưa đến nhà xác. Như vậy, cái chết của anh khó có thể xuất hiện trong dữ liệu chính thức của thành phố.

Covid-19 tại Ấn Độ ngày một nghiêm trọng. Hai ngày liên tiếp, tổng số ca nhiễm mới của quốc gia cao hơn bất cứ nước nào trên thế giới kể từ khi đại dịch bùng phát. Ngày 23/4, khoảng 2.000 người chết, hơn 300 người trong đó sinh sống ở Delhi.

Bệnh viện Guru Teg Bahadur (GTB) là một trong những cơ sở phải vật lộn với tình trạng thiếu oxy y tế, thiếu giường bệnh. Nhiều người chết bên ngoài cáng, xe đẩy, giống như Narayan.

Một phát ngôn viên của chính quyền Delhi cho biết: “Do các ca nhiễm nCoV gia tăng theo cấp số nhân, tất cả các bệnh viện đều quá tải. Tại bệnh viện GTB, xe cấp cứu ra vào liên tục dù không có sẵn giường nằm. Dù vậy, chính phủ đang cố gắng hết sức đề tất cả bệnh nhân đều được điều trị”.

Một người chết trên cáng bên ngoài bệnh viện Guru Teg Bahadur, New Delhi, Ấn Độ, ngày 23/4. Ảnh: Reuters

Một người chết trên cáng bên ngoài bệnh viện Guru Teg Bahadur, New Delhi, Ấn Độ, ngày 23/4. Ảnh: Reuters

400 giường hồi sức tích cực (ICU) dành cho người mắc Covid-19 của chính phủ đã được sử dụng hết. Song bệnh nhân vẫn được chuyển đến bằng xe cứu thương và cáng tự động, hổn hển vì không thở được.

Hàng chục người chờ đợi trên xe đẩy. Những người khác, như Narayan, chết trước khi được nhập viện.

“Nhân viên y tế làm việc hết sức mình nhưng không có đủ oxy”, Tushar Maurya, người dân tại Delhi, cho biết. Mẹ của cô đang được điều trị Covid-19.

Tại một bệnh viện, sau khi bị khu hồi sức tích cực từ chối, một người đàn ông loạng choạng khi cố gắng quay trở lại xe đẩy. Vài phút sau, anh bất tỉnh, được đưa lên một chiếc cáng, cánh tay đập mạnh vào cửa khu ICU khi bị nhân viên bảo vệ kéo đi. Người đàn ông khác đau đớn, quằn quại, nằm một mình trên chiếc xe cấp cứu đang lao nhanh với cửa sau mở toang. Trong một cơ sở y tế khác, bệnh nhân nằm phơi nắng ngoài trời, bình oxy y tế sắp hết, gia đình vội vàng đi thay.

Tại nhiều bệnh viện, hai bệnh nhân ngồi chung một giường. Gia đình và người thân họ đứng kín trong phòng.

“Họ giống như những con gia súc bị nhồi nhét ở đó”, một người nói sau khi đi ra ngoài.

Dù thiếu giường, điều kiện hạn chế, nhiều người không có lựa chọn nào khác. Họ nhiều lần trở lại sau khi đã bị bệnh viện từ chối vì quá tải, cầu xin nhân viên tiếp nhận người thân của mình. Đến nay, chỉ Delhi còn 22 giường trống trong tổng số 4.500 chiếc được nhà nước phân bổ.

“Chúng tôi đã đi lang thang ba ngày để tìm giường”, một người đàn ông tên Irfan cho biết. Bên cạnh, vợ ông tuyệt vọng ngồi bất động trên vỉa hè.

Thục Linh (Theo Reuters)

 

Related Posts

Kinh Bắc News

Kinh Bắc Web Blog’s chuyên cập nhật chia sẻ thông tin kiến thức kinh nghiệm thiết kế và nhiều nội dung hấp dẫn. Theo dõi chúng tôi để cập nhật thêm nhiều kiến thức thông tin thú vị nhé. Website: kinhbacweb.com | tinhocbacninh.biz.vn | tinhdautamngoc.com

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *