Kinh Bắc được biết đến với truyền thống văn hóa ẩm thực lâu đời, độc đáo và đa dạng, vì thế mà người xưa có câu: “Ăn Bắc, mặc Kinh”. Ẩm thực Bắc Ninh để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng du khách bằng các món ăn dân dã, thôn quê được tạo từ đôi bàn tay khéo léo và óc sáng tạo của người dân địa phương mang đậm nét văn hóa truyền thống là một phần hồn cốt của du lịch Bắc Ninh . Trong số đó món bánh tẻ làng Chờ làm bao thực khách say mê.
Ai ơi bánh tẻ làng Chờ
Dòn , giai, thơm, dẻo nức tình làng quê
Nghề làm bánh tẻ xuất hiện khá lâu đời ở thị trấn Chờ, trong đó, thôn Nghiêm Xá, Trung Bạn, Phú Mẫn là cái nôi của nghề làm bánh truyền thống này. Thị trấn Chờ có hơn 10 hộ gia đình chuyên làm nghề gói bánh tẻ. Ngày xưa, bánh tẻ thường được làm vào dịp tết. Thứ bánh quê dân dã này từ lâu đã trở thành món quà quý mà bao du khách đặt chân đến đây đều muốn mua về tặng bạn bè, người thân. Từ xưa, mỗi độ Tết đến xuân về, nhà có việc đại sự hay hội làng truyền thống, người dân làng Chờ đem gạo quê có sẵn, lá dong ngoài vườn làm ít bánh tẻ, trước là cúng tổ tiên, sau là thưởng thức rồi dành một ít làm quà biếu. Ngày nay, cuộc sống đã khấm khá hơn, bánh tẻ không chỉ là món ăn không thể thiếu của mỗi gia đình mà còn nức tiếng xa gần. Ấy vậy mà khi nhắc đến bánh tẻ làng Chờ, người dân Yên Phong lại giấy lên niềm tự hào bởi món ăn đặc biệt này. Xung quanh chiếc bánh tẻ là những câu chuyện thú vị vô cùng. Người dân nơi đây coi những chiếc bánh tẻ thơm ngon, đầy đặn trên bàn cúng như lời cảm ơn tới ông bà tổ tiên vì một cuộc sống ấm no, hạnh phúc và những vụ mùa bội thu.
Mặc dù bánh tẻ là món ăn phổ biến ở nhiều vùng quê trên một đất nước vốn có truyền thống về nông nghiệp nhưng không phải nơi nào cũng làm ra được những chiếc bánh có hương vị thơm ngon đặc biệt như ở mảnh đất Kinh Bắc này. Từng chiếc bánh nhỏ như chứa đựng cái hồn riêng, đặc trưng của con người, của cảnh vật nơi đây.
Để làm ra những chiếc bánh đúng nghĩa bánh tẻ làng Chờ, phải trải qua một quy trình phức tạp, tỉ mỉ. Đúng là chỉ khi bắt tay trực tiếp làm cùng mọi người mới biết rằng để tạo ra một chiếc bánh tưởng chừng đơn giản như thế không hề dễ dàng. Quá trình làm phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp, từ khâu chọn gạo, lọc bột, ráo bột, làm nhân,…
Nguyên liệu đầu tiên để làm bánh là gạo tẻ, tiếp đến là thịt lợn, hành khô, mộc nhĩ cùng các loại gia vị mắm, muôi, hạt tiêu, bột canh, lá dong. Bánh tẻ ở một số nơi có thể dùng tất cả các loại gạo tẻ, nhưng riêng bánh tẻ làng Chờ chỉ sử dụng được gạo tẻ CR203. Gạo làm bánh phải ngâm trước khi xay. Sau khi xay phải ngâm ít nhất 2 ngày và chắt nước liên tục để bột không bị chua và có độ dẻo, giòn. Trước khi làm bánh phải chắt hết phần nước trong còn lại trong chậu bột đi, cho bột vào xoong rồi đun nhỏ lửa liên tục khuấy đều gọi là “ráo bột”. Khi nào bột sền sệt, dở sống dở chín rồi bắc xuống gói bánh. Chính điều này tạo nên đặc trưng và hương vị riêng của bánh tẻ Chờ.
Nhân bánh được xem là thứ gia vị không thể thiếu làm nên hồn cốt của món bánh này, là khâu quyết định nên hương vị của bánh tẻ Chờ. Để nhân được ngon, thịt được chọn phải là loại thịt vai, được thái nhỏ hoặc xay nhuyễn. Mộc nhĩ ngâm rửa sạch, thái sợi nhỏ cùng với hành khô hoặc hành tươi. Sau khi thịt, mộc nhĩ, hành sơ chế thì đặt lên bếp, đun lửa to và phi hành thơm lên cùng với hỗ hợp thịt mộc nhĩ và nêm gia vị cho vừa.
Bánh tẻ ăn lúc còn nóng mới ngon. Đặc trưng của bánh tẻ làng Chờ là dẻo chứ không nhão, nát như thứ bánh giò thường thấy, vừa có độ giòn, vừa có vị đậm, vị béo của nhân, thơm mùi lá dong, không thể lẫn vào bất kỳ thứ bánh tẻ nào khác.
Với cách làm bánh gia truyền thơm, ngon, độc đáo mà những nơi khác không có được, khoảng chục năm trở lại đây, nghề làm bánh tẻ không chỉ phục vụ cho người dân trong địa phương mà còn đáp ứng nhu cầu của thực khách mọi miền. Bánh tẻ được thương mại hóa và trở thành món ăn không thể thiếu trên những mâm cỗ tại nhiều nhà hàng, khách sạn, đám cưới hỏi, giỗ, bữa cơm gia đình ngày Tết. Trung bình mỗi ngày, có đến hàng chục ngàn chiếc bánh xuất ra thị trường mang lại thu nhập không nhỏ cho người dân nơi đây.
Nhìn những chiếc bánh tẻ thơm ngon, chúng ta chợt nhớ tới câu ca xưa:
“Ba làng Mịn, chín làng Chờ
Một làng Ô Cách chơ vơ giữa đồng…”.
Bánh tẻ làng Chờ ngày nay được xem là món “khoái khẩu” của mọi người, mọi nhà – món quà quê mộc mạc, gần gũi của vùng Kinh Bắc – Bắc Ninh, gói bánh tẻ như một nét đẹp truyền thống. Theo kinh nghiệm du lịch Bắc Ninh, mỗi chiếc bánh bình dị, mộc mạc phô nét đảm đang của người con gái Kinh Bắc. Đặc biệt, trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, bánh tẻ làng Chờ là một món ăn ngon, hấp dẫn, góp phần hình thành nét văn hóa ẩm thực phong phú của quê hương Bắc Ninh trong thời kỳ xây dựng và phát triển quê hương theo hướng hiện đại. Chỉ cần nhắc đến làng Chờ, ắt hẳn ai cũng nhớ ngay đến món bánh tẻ đã trở thành thương hiệu của làng.