Huyền thoại Gióng trong không gian văn hóa Kinh Bắc

Tượng Thánh Gióng. Ảnh: Lê Bích

Mỹ danh “Kinh Bắc” xuất hiện lần đầu tiên trong lịch sử địa danh hành chính Việt Nam, theo sử chép là từ đời Trần, khi đó, lộ Bắc Giang vốn có từ trước thời Lý (thế kỷ XI) được đổi thành lộ Kinh Bắc. Đến đầu thời Hậu Lê, không gian địa – văn hóa Kinh Bắc lại được “vạch” ra rõ hơn trong sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi, một công trình nghiên cứu về địa lý học lịch sử và không gian văn hóa vào loại cổ nhất mà đời sau còn biết được.

1. “Dư địa chí” (viết năm Thiệu Bình thứ 2-1435, triều Lê Thái Tôn 1434-1442) ghi: “Thiên Đức, Vệ Linh ở về Kinh Bắc… Thiên Đức là tên sông, xưa là Bắc Giang, đời Lý nhấc lên làm phủ. Vệ Linh là tên khác của núi Vũ Sơn, Đổng Thiên Vương bay lên trời là ở nơi ấy. Kinh Bắc xưa là bộ Vũ Ninh, Tây và Nam giáp Thượng Kinh, Sơn Sam, Đông và Bắc giáp Thái Nguyên, Hải Dương. Đấy là trấn thứ tư trong 4 kinh trấn và là đứng đầu phên dậu phía Bắc. Có 4 lộ phủ, 21 huyện, 1147 làng xã…”(1). Đến thời Lê Thánh Tôn (1460-1497), năm Quang Thuận thứ 10 (1469), khi vua cho ban Đạo dụ, xác nhận tổ chức chia vương quốc từ năm 1466 (Quang Thuận thứ 7) thành 13 đạo và thay đổi một số chi tiết cùng việc ấn định bản đồ địa lý cả nước, trong đó vùng Bắc Giang đổi thành đạo Kinh Bắc, bao gồm 4 phủ và 19 huyện. Năm Hồng Đức thứ 21 (1490), Thánh Tôn tổ chức lại đất nước thành 13 xứ. Sang thời Gia Long (1802-1819), Kinh Bắc xứ đổi thành Kinh Bắc trấn. Dưới triều Minh Mệnh (1820-1840), trấn Kinh Bắc đổi thành Bắc Ninh trấn (1822) và Bắc Ninh tỉnh (1831) (2). Đến cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp tách đôi Kinh Bắc – Bắc Ninh tỉnh thành 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Năm 1963, hai tỉnh hợp nhất thành tỉnh Hà Bắc. Và, đến năm 1997, hai tỉnh bắc Giang, Bắc Ninh lại được tái lập cho đến nay.

2. Về cơ bản, cách đây ngót thiên niên kỷ, vùng đất mang danh Kinh Bắc/Bắc Ninh này đã cấu thành nên 4 phủ, tồn tại trong hạng mục phân chia hành chính qua nhiều trăm năm dưới các triều đại phong kiến sau này. Đó là Phủ Từ Sơn, bao gồm các huyện Đông Ngàn, Yên Phong, Tiên Du, Quế Dương và Võ Giàng; Phủ Thuận An, bao gồm các huyện Gia Lâm, Siêu Loại (Thuận Thành), Văn Giang, Gia Bình, Lương Tài; Phủ Bắc Hà, bao gồm các huyện Kim Hoa (Mê Linh – Đông Anh- Sóc Sơn), Hiệp Hòa, Việt Yên, Tân Phúc (đất của Sóc Sơn); và Phủ Lạng Giang, bao gồm các huyện Phượng Nhãn (Lạng Giang), Yên Dũng, Bảo Lộc, Yên Thế, Lục Ngạn (Bắc Giang) và Hữu Lũng (Lạng Sơn).

Như vậy là, không gian địa lý-hành chính của đất Kinh Bắc trong lịch sử về cơ bản đã ôm trọn đất đai của hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang cùng một phần đất của tỉnh Hưng Yên, thành phố Hà Nội và Vĩnh Phúc sau này. Đến thế kỷ XVIII, khi biên khảo về vùng đất Kinh Bắc trong “Lịch triều hiến chương loại chí” – bộ sách được coi là Bách khoa toàn thư đầu tiên của Việt Nam, sử gia Phan Huy Chú (1782-1840) đã kết bút: “Xưa là quận Vũ Ninh… Kinh Bắc phía Nam giáp trấn Sơn Nam, trấn Hải Dương, phía Bắc giáp trấn Thái Nguyên; phía Tây liền với Sơn Tây; phía Đông tiếp giáp Lạng Sơn. Kinh Bắc có mạch núi cao vót, nhiều sông quanh vòng, là mạn trên của nước ta. Phong cảnh thì phủ Bắc Hà, phủ Lạng Giang đẹp hơn. Mạch đất tốt tụ vào đấy, nên càng nhiều chỗ có dấu tích đẹp, tinh hoa họp vào đấy, nên sinh ra nhiều danh thần. Vì là khí hồn trọng ở phương Bắc phát ra nên khác với mọi nơi…” (3).3. Đã từ trên dưới một thế kỷ qua, các kết quả nghiên cứu lịch sử, dân tộc học, văn hóa và đặc biệt là nghiên cứu khảo cổ học của các nhà khoa học trong, ngoài nước ở Kinh Bắc xưa (trên các địa bàn Bắc Giang, Bắc Ninh và ngoại thành Hà Nội) đã cho thấy, đây là địa bàn cư trú chủ yếu của người Việt cổ, và không gian địa – văn hóa này đồng thời cũng là bộ phận cốt lõi của quốc gia Văn Lang – Âu Lạc thời các vua Hùng. Các chứng tích khảo cổ được đào lên từ lòng đất đã làm lộ rõ bóng dáng xã hội cách ngày nay nhiều nghìn năm, ven các con sông lớn, như sông Cầu, sông Đuống, sông Dâu, sông Tiêu Tương, sông Ngũ Huyện Khê… Dọc ngang các triền sông đó là làng xóm của người Việt cổ, tụ cư và sinh sống chủ yếu bằng canh tác nông nghiệp, đánh cá, trồng dâu nuôi tằm, làm nghề thủ công các loại. Tất cả những điều kiện tự nhiên và xã hội trên vùng đất Kinh Bắc, chủ yếu là đất Bắc Ninh và ngoại thành Hà Nội hiện nay, đã có đủ sức mạnh nội lực hình thành nền tảng cho nền văn hóa, văn minh Việt Nam, được tôn tạo, bồi đắp ngày một cường thịnh, mang đậm bản sắc cư dân trồng lúa nước trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

Nảy sinh từ nền văn minh nông nghiệp lúa nước, với “cơ tầng” văn hóa xóm làng, ý thức cội nguồn và sức mạnh cộng đồng của người dân Kinh Bắc đã được hình thành sớm, tạo nền tảng vững chắc cho sức mạnh cộng đồng dân tộc, ý thức độc lập tự chủ xây dựng quốc gia và tinh thần bất diệt trong công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước, hình thành nên các giá trị tư tưởng, tinh thần, được phản ánh qua hàng loạt các huyền thoại cùng phong tục, tín ngưỡng về ông Đùng bà Đà, Lạc Long Quân – Âu Cơ, về Thánh Gióng, An Dương Vương, Cao Lỗ,… Và điều đặc biệt là, những huyền thoại, tín ngưỡng cao đẹp đó đã luôn luôn gắn với hàng loạt hệ thống di tích, rải đều và đậm đặc khắp các làng quê Kinh Bắc, cùng với hàng trăm lễ hội dân gian, góp phần phản ánh một cách đa dạng, phong phú và độc đáo cho nền văn hóa cộng đồng làng xã người Việt cổ xưa cùng bản sắc vùng quê xứ Bắc, trở thành nền tảng văn hóa bền vững của cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam.

Chính vì thế, trải qua lịch sử nhiều nghìn năm dựng nước và giữ nước, ứng xử linh hoạt với mọi thứ thiên tai, địch họa, không gian địa – văn hóa Kinh Bắc đã trở thành trung tâm của sự nghiệp chống xâm lược và chống đồng hóa của kẻ thù phương Bắc, tập trung sức mạnh nội lực để luôn luôn giữ gìn, bảo vệ và phát triển nền văn hóa dân tộc qua các triều đại trong lịch sử. Hàng loạt các hệ thống di tích cùng các lễ hội ở hàng trăm làng quê kinh Bắc, đặc biệt là trên phạm vi tỉnh Bắc Ninh sau này, có gắn với các cuộc khởi nghĩa của Hai Bà trưng cùng các tướng lĩnh, gắn với Thánh Gióng – Phù Đổng Thiên Vương, gắn với các danh tướng Trương Hống, Trương Hát… đã trở thành những biểu tượng và nguồn “sử liệu” sống động về công cuộc chống ngoại xâm và chống ách đồng hóa của các thế lực phương Bắc trong lịch sử.

4. Cũng từ nhiều nghìn năm qua, vùng đất Kinh Bắc không chỉ là không gian của những trung tâm chống xâm lược và đồng hóa, mà nơi đây còn là xứ sở thuận lợi (về giao thông, nhân tài, vật lực,…) cho các quá trình giao lưu, tiếp xúc và hội nhập về kinh tế, văn hóa trong và ngoài nước. Thủ phủ Luy Lâu – Long Biên của quận Giao Chỉ – Châu Giao xưa đã vừa là trung tâm chính trị, vừa là trung tâm kinh tế, thương mại và đặc biệt là trung tâm của tôn giáo – tín ngưỡng văn hóa sôi động và sầm uất. Các chứng tích khảo cổ học và tài liệu khoa học về lịch sử, văn hóa ở Luy Lâu đã minh chứng cho một không gian văn hóa “trong suốt thời kỳ dài từ cuối thế kỷ II tới thế kỷ IX-X, Luy Lâu không nhường vai trò một đô thị lớn nhất cho bất cứ nơi nào” (4). Và, nhìn theo trục lịch sử, “Xứ Kinh Bắc được coi như là cái ổ để từ đó người Việt Nam tràn ra chiếm lĩnh vùng trung châu và trung tâm Luy Lâu có thể được hình thành do sự viếng thăm của thương nhân và tăng sĩ Ấn Độ theo thuyền mà tới bằng đường biển và đường sông” (5). Hoặc, nhìn bao quát không gian văn hóa lễ hội Kinh Bắc, giáo sư Trần Quốc Vượng đương thời đã nhận xét khái quát, rằng: Kinh Bắc – trong đó chủ yếu là không gian văn hóa các làng thuộc Bắc Ninh hiện nay – đã “là cái nôi sinh thành người Việt, do sức mạnh nội sinh từ ngàn xưa, từ Tiền Đông Sơn đến Đông Sơn trước Công nguyên, giao thoa, tiếp xúc, biến diễn, tác động qua lại với những “cú hích ngoại sinh”, từ Hoa, Ấn, cả ngàn năm sau; đến Lý – gốc văn hiến xứ Bắc đã nở cành xanh ngọn, đơm hoa kết trái thành văn hóa – văn hiến – văn minh – văn vật Đại Việt Việt Nam mang đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó có cả một nền văn hóa lễ hội của làng, của liên làng và của cả siêu làng vùng miền Kinh Bắc, của quốc gia – dân tộc” (6). Cũng theo nhìn nhận của giáo sư Trần, cho đến khoảng trước/ sau Công nguyên, “khi nhà Hán đã đặt được ách thống trị trên đất nước ta thì Long Biên và Luy Lâu – hai bộ phận hợp thành chủ yếu của Xứ Bắc đã trở thành trung tâm của quận Giao Chỉ, của Giao Châu nghĩa là của cả miền Bắc Việt Nam, của cả nước. Và Xứ Bắc còn giữ địa vị đó đến cuối thế kỷ VI đầu thế kỷ VII trước khi nhường vai trò trung tâm cho vùng non sông Hà Nội” (7).

5. Xuất phát từ cách tiếp cận địa – văn hóa đối với không gian văn hóa Kinh Bắc/Xứ Bắc, giáo sư Trần Quốc Vượng gần như là người đầu tiên phác lộ ra một phần không gian văn hóa của huyền thoại và tín ngưỡng – lễ hội Thánh Gióng nằm trong lòng môi sinh văn hóa Kinh Bắc – Bắc Ninh. Theo ông, “Thánh Gióng – Phù Đổng Thiên Vương – không phải là người anh hùng thần thoại của bộ lạc Vũ Ninh như một số tác giả đã hiểu sai. Phù Đổng thuộc Tiên Du cũ là đất đai của bộ lạc Tây Vu, giầu khoáng sản. Đó là thần thoại về Sắt, thần thoại của những người Thợ Rào; và hội Gióng thoạt kỳ thuỷ là tiết mưa dông đầu mùa làm ăn tháng Tư của bộ lạc nông nghiệp vùng Xứ Bắc ngày xưa… Thánh Gióng ở Tiên Du đánh giặc ở Vũ Ninh là biểu tượng của cuộc xung đột, lấn chiếm, của bộ lạc Rùa – bộ tộc Tây Vu – đối với bộ lạc Rồng (khi Vũ Ninh nhập vào Long Biên – BQT)… Cũng theo giáo sư Trần, vào nửa đầu thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên (sơ kỳ thời đại sắt Việt Nam), bộ lạc Tây Vu (biểu tượng Gióng) liên hiệp với Mê Linh (các vua Hùng) để giải quyết xung đột với bộ lạc Vũ Ninh (thiên tướng nhà Ân!) – tức vùng Châu Cầu Thất Gian của huyện Quế Võ (8). Và như vậy, những dấu tích liên quan đến sự nghiệp của Thánh Gióng cũng theo bờ bắc sông Đuống mà lan tỏa dần về phía Đông Anh, Kim Anh, và lan sang cả phía Nam qua Từ Liêm, dần theo thềm sông Hồng mà tỏa xuống Thường Tín (Hà Nội) cùng rải rác các làng thuộc các huyện của Hà Nam, Thái Bình; để rồi theo sự vận động của vòng xoáy văn hóa – tín ngưỡng, kết tụ lại trên đỉnh núi Sóc, hóa thành bất tử (8). Bám vào các di tích vật thể trải rộng – dài theo không gian này, hệ thống truyền thuyết liên quan đến thân thế và sự nghiệp của Thánh Gióng đã “phản ánh quá trình định cư của người Việt từ Tam Đảo xuống dọc hai bên sông Cầu cho đến Phả Lại. Trong quá trình đó, người Việt đã phải đương đầu với nhiều địch thủ từ phương Bắc tới giành giật đất Vũ Ninh… Với kết cấu mới: Phù Đổng – Vũ Ninh – Hồ Tây – Sóc Sơn, anh hùng ca này khẳng định khối đoàn kết và quyền lực mới của các bộ lạc Việt đang tập hợp thành quốc gia trên vùng trung châu rộng lớn, đủ sức chống chọi với mọi lực lượng xâm lược từ bên ngoài vào” (9).

Như vậy là, nhìn theo trục lịch sử văn hóa, nếu như huyền thoại/truyền thuyết về Thánh Gióng cùng những tín ngưỡng phụng thờ Thánh Gióng được sáng tạo ra từ cuối thời đại các vua Hùng và bồi đắp, bổ sung qua những trăm năm sau này, thì không gian văn hóa lễ hội Thánh Gióng nằm trọn trong không gian văn hóa Kinh Bắc. Và trên bước đường biến thiên tiếp đó, từ nửa cuối thế kỷ XI cho đến sau này, kể từ khi vua Lý Thái Tổ định hình xong việc dời/định đô ở Thăng Long, ban sắc lệnh cho phép dân làng Phù Đổng nâng cấp tổ chức Lễ hội Thánh Gióng vào hàng Quốc lễ, thì không gian văn hóa hội Gióng đã được mở rộng, lan tỏa, trở thành điểm sáng văn hóa trong mối giao thoa chặt chẽ giữa không gian văn hóa Kinh Bắc với không gian văn hóa Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội.

  • (1) Nguyễn Trãi toàn tập; Nxb KHXH, H.,1976, trang 223. Ngoài việc Nguyễn Trãi chép Kinh Bắc xưa thuộc bộ Vũ Ninh, khá nhiều sử sách kế sau đó cho đến nhiều đời sau cũng ghi lại như vậy. Nhưng theo giáo sư Trần Quốc Vượng, điều đó không hoàn toàn đúng, vì trên đất đai Xứ Bắc xưa, vào thời dựng nước, có nhiều bộ lạc hơn. Vũ Ninh là một địa danh do nhà Ngô lập ra (thế kỷ III). Nhà Lý, nhà Trần gọi là châu Vũ Ninh. Nhà Lê đổi thành huyện Vũ Ninh, sau vì kỵ huý chữ “Ninh”, đổi thành Vũ Giang, quen đọc là Vũ Giàng, tứ là đất huyện Quế Võ ngày nay. Xem bài viết: Xứ Bắc ngày xưa, in trong Hà Bắc ngàn năm văn hiến, tập 3; Ty Văn hóa Hà Bắc xuất bản, 1974, trang 41-43.
  • (2) Toàn thư, q.12 tờ 51a. Cương mục, q.21, tờ 6a và Cương mục,q.24, tờ 10-11. Dẫn theo: Nguyễn Văn Huyên – Địa lý hành chính Kinh Bắc; Hội Khoa học Lịch sử VN và Sở VHTT Bắc Giang xuất bản năm 1997, trang 12.
  • (3) Phan Huy Chú – Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Nxb Sử học, H.,1960, trang 86.
  • (4) Xem thêm: Văn hiến Kinh Bắc, Trần Đình Luyện chủ biên, Sở VHTT Bắc Ninh xuất bản, năm 2002.
  • (5) Đào Duy Anh – Cổ sử Việt Nam.
  • (6) Lời giới thiệu của giáo sư Trần Quốc Vượng trong sách Văn hiến Kinh Bắc, Trần Đình Luyện chủ biên, Sở VHTT Bắc Ninh xuất bản, năm 2002, trang 9.
  • (7) Trần Quốc Vượng – Xứ Bắc ngày xưa, in trong Hà Bắc ngàn năm văn hiến, tập 3; Ty Văn hóa Hà Bắc xuất bản, 1974, trang 45.
  • (8) Trần Quốc Vượng – Xứ Bắc ngày xưa; tài liệu đã dẫn, trang 44.
  • (9) Cao Huy Đỉnh – Người anh hùng làng Dóng trong lòng nhân dân; Tạp chí Văn học, số tháng 7-1967.

GS.TS BÙI QUANG THANH – Chia sẻ từ báo Ladong.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *