Bán ‘chui’ cổ phiếu – chủ tịch FLC có thể bị xử lý theo luật như thế nào?

Hôm 10/1 vừa qua, ông Trịnh Văn Quyết đã có động thái bán ‘chui’ cổ phiếu khiến cho nhà đầu tư, dân chơi chứng khoán trên khắp mọi miền lãnh thổ Việt Nam không khỏi bất ngờ, bàng hoàng vì động thái này. Chắc chắn hành vi của ông Quyết là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây là theo luật thì vị chủ tịch FLC này có thể bị xử lý như thế nào?

Ngay sau khi ông Quyết thực hiện hành vi bán ‘chui’ cổ phiếu, vào sáng 11/1, Uỷ ban Chứng khoán đã ra thông báo xem xét xử lý việc ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC) bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC hôm 10/1 mà không công bố thông tin trước giao dịch.

Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) cho biết họ đang phối hợp với các cơ quan liên quan để xem xét xử lý vi phạm của ông Trịnh Văn Quyết theo quy định.

Xử lý vi phạm hành vi bán ‘chui’ cổ phiếu

Được biết, việc bán ‘chui’ cổ phiếu này không phải lần đầu ông Quyết áp dụng trên thị trường chứng khoán. Vào tháng 11/2017, ông Quyết đã từng bị Ủy ban chứng khoán Nhà nước phạt 65 triệu đồng vì bán 57 triệu cổ phiếu trong tháng 10 mà không báo cáo thông tin với cơ quan này và Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM.

Tuy nhiên, con số phạt 65 triệu đồng khiến nhiều người cảm thấy bất bình bởi lẽ nhiều chuyên gia đã tính ra, vào thời điểm đó, số tiền ông Quyết thu về ước tính hàng trăm tỷ đồng. Điều này khiến con số 65 triệu đồng không khác gì một hình phạt chỉ mang tính ‘hình thức’.

Còn với giao dịch bán gần 75 triệu cổ phiếu vào vừa qua, tạm tính theo mức giá đóng cửa 21.150 đồng/cổ phiếu của FLC, ông Trịnh Văn Quyết thu khoảng gần 1.600 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ta có thể chắc chắn một điều rằng hành vi vi phạm này của ông Quyết sẽ không chỉ bị cảnh báo ‘suông’ nữa.

Chủ tịch Trịnh Văn Quyết từng "bán chui" 57 triệu cổ phiếu FLC nhưng chỉ bị phạt 65 triệu đồng

Bán ‘chui’ cổ phiếu – chủ tịch FLC có thể bị xử lý như thế nào?

Theo quy định Điều 33 trong Nghị định 156/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, ông Quyết đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khi không công bố thông tin dự kiến giao dịch trong khi ông là chủ tịch HĐQT lẫn cổ đông lớn của FLC.

Dưới góc độ pháp lý, trường hợp vi phạm của ông Quyết có thể bị xử phạt theo 3 hình thức gồm xử phạt hành chính, phạt bổ sung và khắc phục hậu quả.

Xử phạt hành chính

Về việc xử phạt vi phạm hành chính, quy định hiện hành phân chia ra nhiều mức độ xử phạt tùy thuộc theo giá trị cổ phiếu giao dịch không tuân thủ việc công bố thông tin.

Riêng đối với trường hợp bán ‘chui’ 75 triệu cổ phiếu FLC của ông Quyết, hình phạt theo luật định cho hành vi này sẽ nằm trong khung phạt cao nhất là 3% đến 5% giá trị chứng khoán giao dịch thực tế nếu giao dịch có giá trị từ 10 tỷ đồng trở lên.

Dẫu vậy, cũng theo luật định, mức phạt tiền tối đa với tổ chức có vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán sẽ là 3 tỷ đồng và đối với cá nhân sẽ là 1,5 tỷ đồng.

Với lượng đăng ký bán 175 triệu cổ phiếu FLC của ông Quyết, giá trị giao dịch tính theo mệnh giá là 1,750 tỷ đồng, còn theo giá thị trường là hơn 3,700 tỷ đồng (tính giá chốt phiên 10/01). Như vậy, nếu bị UBCKNN xử phạt, khoản tiền tối đa ông Quyết bị phạt trong hành vi này là 1.5 tỷ đồng.

Xử phạt bổ sung

Ngoài việc xử phạt hành chính, ông Quyết cũng sẽ có thể phải đối mặt với các hình thức phạt bổ sung như:

  • Đình chỉ hoạt động chào mua công khai, hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán, hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán, hoạt động văn phòng đại diện;
  • Đình chỉ hoạt động lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán, giao dịch chứng khoán hoặc các hoạt động khác được ghi trong quyết định xử phạt trong thời hạn từ 1 đến 12 tháng.

Xử phạt khắc phục hậu quả

Khác so với lần bán ‘chui’ cổ phiếu của ông Quyết vào năm 2017, hiện nay, pháp luật Việt Nam đã có các quy định chặt chẽ hơn đối với việc xử lý khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán.

Nghị định 156/2020 quy định, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có thể bị buộc thu hồi chứng khoán đã chào bán, phát hành, hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất ghi trên trái phiếu hoặc lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà tổ chức, cá nhân vi phạm mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán.

Không chỉ vậy, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp hoặc khoản thu trái pháp luật có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Qua đó, Chủ tịch tập đoàn FLC có thể phải thu hồi gần 75 triệu cổ phiếu đã bán ra và hoàn trả tiền cho những nhà đầu tư đã mua cổ phiếu của mình cùng với lãi suất không kỳ hạn. Ngoài ra, ông Quyết còn có thể bị buộc nộp lại số tiền thu lãi do hành vi vi phạm trên.

3 hình thức xử phạt trên là đối với hành vi vi phạm bán ‘chui’ cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết, còn đối với hành vi bán ‘chui’ cổ phiếu có dấu hiệu nhằm thao túng chứng khoán hay không còn phải xem xét và sẽ có những hình thức xử phạt riêng theo luật định.

Mục nhập này đã được đăng trong News. Đánh dấu trang permalink.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *