Trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, nhiều bạn trẻ đã dành thời gian cải tạo không gian trong nhà thành nơi làm việc đẹp mắt và sáng tạo hơn.
Góc làm việc thơ mộng trong căn phòng 15m2
Căn phòng của anh Lê Việt (Trích Sài, Tây Hồ, Hà Nội) chỉ vỏn vẹn 15m2 nhưng có “điểm cộng” là hướng nhìn rất đẹp ra phía hồ Tây. Khi anh Việt đến thuê, căn phòng chỉ có 1 chiếc giường, đèn trần và ban công trống không. Tranh thủ thời gian rảnh, anh Việt thiết kế một góc làm việc sát cửa sổ, có giá sách tiện lợi và gọn gàng
Góc làm việc nhỏ nhưng được anh Việt sắp xếp rất gọn gàng, chọn hướng nhìn thẳng ra phía hồ Tây. “Bên ngoài là màu xanh của bầu trời, mặt hồ, bên trong thêm chút màu xanh của cây cối làm căn phòng như rộng và thoáng hơn rất nhiều”, anh Việt chia sẻ.
Anh Việt tìm mua thêm chiếc ghế mây để có thể thay đổi góc làm việc khi cần, tạo cảm hứng mới mẻ cho bản thân.
Ngoài ban công nhỏ, anh đặt một bộ bàn ghế gỗ. Khi trời đẹp, đây có thể trở thành góc làm việc ngoài trời hoặc nơi nấu ăn, thưởng trà của chàng trai trẻ.
Dù diện tích ban công và căn phòng có hạn nhưng anh Việt rất chịu khó tìm, sưu tầm các loại cây xanh phù hợp để tạo mảng xanh cho không gian sống như cây cảnh, bàng, lộc vừng,…
“Công việc của mình là tư vấn giải pháp sức khỏe và vẻ đẹp hình thể cho khách hàng nên bản thân luôn cần một tinh thần tích cực, tràn đầy năng lượng. Mình cố gắng thay đổi không gian làm việc để tạo cảm hứng mới trong những ngày ở nhà giãn cách”, anh Việt chia sẻ. Anh cũng cho biết thêm, khi làm việc tại nhà, ngoài cảm hứng cần đảm bảo làm việc có giờ giấc, kỷ luật cho bản thân. Góc làm việc gọn gàng, đẹp mắt có thể góp phần tạo hiệu quả tốt hơn.
Cải tạo ban công 5m2 thành góc thư giãn – làm việc xanh mướt
Tận dụng những đồ vật cũ, cô gái Nguyễn Thị Út Quyền (sinh năm 2000) đã biến ban công phòng trọ thành không gian xanh có thể đọc sách, học bài, chụp ảnh sống ảo, thư giãn trong mùa dịch. Ban công phòng trọ của Quyền rộng khoảng 5m2, trước đây, khu vực này là nơi để giày dép và các vật dụng linh tinh trong nhà.
“Mình là sinh viên, nên việc bỏ ra chi phí để thuê người làm rất tốn kém. Thật tình cờ, một hôm đi tập thể dục thấy khách sạn gần nhà bỏ đi một số vật dụng, nên mình nảy ra ý định tái sử dụng chúng để trang trí cho ban công”, Út Quyền chia sẻ.
Ý tưởng tái sử dụng đồ cũ để trang trí ban công của Quyền vừa tiết kiệm chi phí, lại thân thiện với môi trường. Cô bắt đầu tham khảo trên các web thiết kế và video hướng dẫn trang trí rồi bắt tay vào thực hiện.
Nhờ có sự giúp đỡ của bạn bè, quá trình cải tạo chỉ mất khoảng 2 ngày và cô chỉ tốn một ít tiền mua đinh, ốc.
Các loại cây chủ yếu trong khu vườn nhỏ của cô nữ sinh thường là những cây chậm lớn và ưa sáng như: Cây lưỡi hổ, cây trầu bà, cây mẫu tử,… Quyền tự làm phân bón hữu cơ cho cây từ rác thải sinh hoạt hàng ngày.
Thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, góc ban công trở thành nơi học tập, làm việc, thư giãn lý tưởng của cô gái sinh năm 2000.
Góc ban công ấn tượng của cô gái Hà Nội
Hồng chọn gỗ pallet làm nguyên liệu chủ đạo vì giá thành thấp mà vẫn mang lại được hiệu quả trang trí như mình mong đợi. Ngoài ra, cô nàng còn tận dụng được chiếc ghế lười không sử dụng tới làm đệm vừa hợp lý lại tiết kiệm được chi phí.
“Sau khi cải tạo xong không gian ban công, mình cảm thấy vô cùng hài lòng. Ban công trở thành nơi ngồi thư giãn, ngắm hoa lá, hít hà khí trời, đồ ăn thức uống gì cũng mang ra ngồi chill, cảm giác tuyệt vời khó diễn tả”, chị Nguyễn Hồng cho biết.
Hồng cũng thường ra ban công làm việc hoặc làm việc ngay tại phòng khách, nơi có thể nhìn thẳng ra không gian ban công. Không gian làm việc đẹp mắt khiến cô nàng làm việc tại nhà mà vẫn hiệu quả, nhiều cảm hứng.
Hương Thảo