Trong các loại cá phổ biến mà dân ta hay dùng để chế biến món ăn thì cá mè luôn nằm ở vị trí đầu trong danh sách “tanh” nhất. Tuy tanh là thế, nhưng đối với những người dân của đất Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang thì nó lại là một món ăn mê li và đặc biệt không phải lúc nào cũng có điều kiện để ăn nó. Hôm nay Emvaobep.Com sẽ hướng dẫn đến các bạn nội trợ cách làm gỏi cá mè đặc sản của vùng đất Hiệp Hòa – Bắc Giang nhé.
Cách làm gỏi cá mè Hiệp Hòa, Bắc Giang chuẩn vị
Món gỏi cá Mè không phải là món ăn hàng ngày và cũng không thường xuyên ăn được chính vì sự cầu kì và phức tạp trong các công đoạn chế biến của nó. Đặc biệt để thưởng thức món ăn này thì cần ít nhất cũng dăm, bảy người trở nên cùng ăn mới đông vui và ngon miệng, có thể nói là ngon từ trong bụng đến trong “tâm”. Món gỏi cá mè Bắc Giang này chỉ dành cho những người sành ăn, có đam mê về văn hóa ẩm thực và chỉ dùng cho những dịp đặc biệt.
Để có món gỏi cá mè cần phải trải qua nhiều công đoạn từ lựa chọn cá làm nguyên liệu; lọc bỏ xương, da để cá bớt tanh. Tiếp đến ủ thịt cá trong gạo hoặc dùng giấy cuốn lại để cá khô và sạch.
Tiếp đến kỹ thuật thái gỏi cũng là một yếu tố quan trọng và vô cùng tỉ mỉ. Từng lớp cá mỏng và to bản được khéo léo lướt nhẹ nhàng dưới lưỡi dao sắc bén.
Công đoạn tiếp theo đó là tập hợp, sưu tầm tới hơn 10 loại lá các loại chủ yếu là những lá có vị chát, ngoài ra còn có rau thơm, gia vị,… hết sức công phu.
Bạn thấy đấycách làm gỏi cá mè Hiệp Hòa Bắc Giangthì ngoài việc chủ động chuẩn bị lựa chọn những con cá tươi sống còn phải tìm rất nhiều loại gia vị như: Riềng, mẻ, bánh đa nem, chuối xanh, khế chua, thịt ba chỉ, lạc, vừng, đỗ tương, nước mắm, mì chính, lá thơm. Riêng lá thơm phải chuẩn bị trên dưới 10 loại lá gồm: Lá đinh lăng, lá sương sông, lá lốt, lá sung, quả sung, lá mơ lông, lá nhội, lá lộc vừng, lá vọng cách, lá đài bi, lá diếp cá, tía tô, kinh giới, mùi tàu, lá ổi,… Các loại lá có thể thái nhỏ, trộn đều, cũng có thể để nguyên để người ăn có thể chọn loại lá hợp sở thích rồi cuộn kèm trong khi ăn gỏi, chú ý lá phải rửa sạch và để khô.
Để làm nên thành công cho món gỏi cá không chỉ ở cách chế biến mà còn ở khâu pha chế nước chấm (hay còn gọi là hạt). Hạt được chế biến rất công phu với nguyên liệu chủ yếu là đầu và gan cá, thịt ba chỉ, trứng và các gia vị như hành, tỏi khô, mẻ, mắm, muối, mì chính, đường, tiêu, ớt…
Đầu và gan cá được băm nhỏ cùng với thịt ba chỉ rồi ướp với mẻ và các gia vị nói trên. Cho mỡ lợn hoặc dầu ăn vào xoong đun sôi để phi thơm hành, tỏi, cho hỗn hợp trên vào xào qua rồi cho thêm vào một ít nước, đun sôi nhỏ lửa khoảng 15 – 20 phút. Trứng vịt đập vào bát, đánh tan cho vào nồi khuấy đều, nêm thêm muối và bột ngọt cho vừa ăn là được.
Việc làm ra gỏi cá đã một công phu, nhưng thưởng thức gỏi cá còn là cả một nghệ thuật. Bạn sẽ dùng thìa san một ít hạt vào bát của mình, tiếp đến có thể dùng bánh đa nem hoặc trực tiếp dùng lá nhội, lá lộc vừng, lá sung, lá vọng cách để gói. Đặt miếng cá vào giữa rồi cuộn lại, chấm vào hạt rồi đưa lên miệng cảm nhận vị ngọt thơm của cá; mằn mặn, cay cay, beo béo của hạt hòa quyện với mùi vị của các loại rau thơm, nhấp thêm chén rượu gạo nồng đượm, thầm cảm ơn trời đất, tình quê lan tỏa trong món ăn dân dã, cầu kỳ này.
Ngoài ra món gỏi cá mè còn được trộn kèm với thính gạo loại ngon hoặc bánh đa quê giã vụn (tương tự như nem thính) và khi ăn quấn kèm các loại lá và thưởng thức, sẽ dễ dàng hơn cho những người mới còn chưa quen với vị tanh của cá sống.
Vậy là mình đã giới thiệu xong tới các bạncách làm gỏi cá mè Hiệp Hòa Bắc Giangthơm ngon độc đáo rồi. Tuy nhiên sẽ có nhiều người thắc mắc tại sao một món ăn nổi tiếng và độc đáo thế này nhưng không thấy có nhà hàng, quán ăn nào chế biến để thưởng thức? Xin thưa rằng món ăn một phần vì quá cầu kì và mất nhiều thời gian, công sức để chế biến và thêm một lí do nữa, món ăn rất đáng quý và người dân Hiệp Hòa chỉ dành nó để chiêu đãi khách quý và bạn tâm giao của mình, mà không phải để bán. Chúc các bạn vui vẻ!