Chùa Làng Phúc Linh Hương Lâm Hiệp Hòa Bắc Giang

Khu di tích chùa làng Phúc Linh được công nhận bằng văn hóa. Năm 2014 nhà chùa cùng nhân dân thôn đã đóng góp đầu tư tu bổ mở rộng chùa, với diện tích lớn hơn và khang trang hơn ngay trên nền chùa cũ, với nhiều quần thể kiến trúc đẹp và mang vẻ đẹp của nền văn hóa lúa nước vùng đất kinh bắc

Từ xưa, Phúc Linh đã nổi tiếng là làng giàu truyền thống văn hoá và hiếu học, có nhiều người đỗ đạt làm quan trong các triều đại nhà Lê, nhà Nguyễn. Hiện nay, Phúc Linh có tới 21 tộc họ cùng sinh sống đoàn kết, yêu thương nhau trên một mảnh đất. Chính các dòng họ trong làng là những người đã và đang bảo lưu những truyền thống văn hoá của cha ông từ xa xưa, song trong khuôn khổ của bài viết chúng tôi chỉ xin giới thiệu với du khách một góc nhỏ của làng. Đó là công trình tôn giáo cổ Linh Quang tự.

Vườn tháp chùa Linh Quang. Ảnh: Dương Thị ÁnhChùa Linh Quang còn có tên gọi nôm là chùa Phúc Linh. Từ thế kỷ XVII, chùa Linh Quang thuộc xã Phúc Linh, huyện Hiệp Hòa, phủ Bắc Hà, xứ Kinh Bắc. Nay chùa Linh Quang thuộc làng Phúc Linh, xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hoà. Du khách tới thăm chùa Linh Quang, bắt gặp một không gian thoáng mát, rộng rãi, phía trước là một ngôi đình to đẹp. Chùa Linh Quang toạ lạc ở trung tâm của làng, trên một khoảng đất rộng, thoáng, nhìn về hướng tây – nam. Liền kề phía trước sân chùa là hàng cây gạo cổ thụ toả hương thơm ngát, cây bàng, cây đại xum xuê cành lá. Giữa vườn chùa là những tháp gạch cổ cái to, cái nhỏ, cái cao, cái thấp lấp ló sau những tán lá xum xuê. Sau khi tìm hiểu được biết, làng Linh Quang nằm ở địa thế đẹp tựa như một bông sen mà nơi công trình tôn giáo toạ lạc là nhuỵ sen. Thế mới biết, cha ông ta từ xưa đã tìm thấy ở thiên nhiên và tận dụng thiên nhiên để tô điểm cho làng xóm, cho những công trình tín ngưỡng, tôn giáo làng mình. Du khách hành hương tới đây đi lễ Phật vừa thấy thế giới Tiên Phật, vừa thấy cõi trần bình thản và trong sạch.

Đến thăm chùa Linh Quang, trước mắt ta nổi lên là tam quan đồng thời đó cũng là gác chuông gồm hai tầng tám mái với các đầu đao uốn cong nhẹ nhàng, thanh thoát. Phía sau tam quan là khu nhà tạo soạn. Gác chuông gồm 3 gian được xây theo kiểu bình đầu bít đốc. Kết cấu vì theo kiểu giá chiêng, chồng rường con nhị. Gian giữa được xây dạng chồng diêm, nối từ 4 cột cái gian giữa kéo dài đỡ mái chồng diêm. Trên bờ nóc được phủ kín bằng vôi vữa chắc chắn. Bờ dải được xây theo kiểu tam sơn chạy thẳng xuống hai cột đồng trụ. Gian giữa được làm nhô cao hẳn lên, với bốn mái đao cong. Ở bốn góc đầu đao có trang trí bốn con kìm đuôi cong vuốt lên không trung. Bờ nóc được xây phủ kín bằng vôi vữa, hai đầu bờ nóc trang trí hai đao cong. Mái lợp ngói mũi hài cổ được phủ một lớp màu nâu của thời gian ẩn hiện sau những tán lá cây cổ thụ. Các thành phần kiến trúc gác chuông được gắn với nhau bằng những mộng xít xao và kín đáo, tạo độ vững chắc cho công trình. Hai bức cốn ở phía bên phải và bên trái phần chồng diêm được chạm nổi đề tài Đường Tăng cùng Tôn Hành Giả cưỡi ngựa đi thỉnh kinh. Vì nách gian giữa làm theo kiểu ván mê, chạm khắc hình các đề tài tứ linh như long, ly, quy, phượng, hà đồ lạc thư…Các đầu bẩy đều được chạm nhẹ hình lá làm cho các thớ gỗ trở lên mềm mại mà không mất đi vẻ linh thiêng chốn Phật. Trên tầng hai gian giữa có treo một quả chuông đồng. Từ trên gác chuông nhìn khắp xung quanh làng xóm và đồng ruộng hiện ra trù phú sau những tán lá lung linh của vườn cổ thụ mà con người đã tô điểm cho nơi đây. Đây là một tam quan khá đẹp, hiếm nơi nào có và gìn giữ được như ở chùa Linh Quang.

Liền kề phía sau tam quan là một nếp nhà gồm có ba gian do dân anh Hương Câu hưng công xây dựng làm nơi thờ Thành Hoàng làng (do đình làng Phúc Linh xưa bị phá hủy trong kháng chiến chống thực dân Pháp). Nay nhân dân mới khôi phục lại đình nên Thành Hoàng làng đã chuyển ra đình thờ còn ba gian nhà này hiện nay là nơi tiếp khách.

Các thế hệ cứ nối tiếp làm đẹp cảnh chùa. Trước vườn chùa là những tấm bia đá, cây hương đá cổ quý được các nghệ nhân dân gian dày công tạo dựng, với đường nét tinh sảo, kỹ thuật tạo tác tinh tế. Đọc dòng chữ Hán trên cây hương đá được biết, từ thế kỷ XVII, làng Phúc Linh là nơi đất lành, có nhiều người học hành đỗ đạt cao. Chùa Linh Quang khi đó được các gia đình có lòng tốt công đức vào chùa vì vậy đã tạo tác cây hương đá để đời đời ghi nhớ. Đây là cây hương đá tứ diện có chiều cao 265cm, đỉnh cây hương được làm theo kiểu đèn lồng. Diềm cây hương được tạo tác các đề tài chim công, rồng…với đường nét tinh sảo, bay bổng. Cây hương được tạo tác năm Chính Hoà thứ 14 (1693).

Sang thế kỷ XVIII, XIX, chùa Linh Quang lại được các gia đình có lòng hảo tâm công đức tu sửa chùa, xây cầu đá và đã được khắc ghi vào bia đá lưu truyền hậu thế. Trên văn bia niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 8 (1712) có bài minh ca rằng:

Yên Việt kinh quốc

Bắc Đạo thừa tuyên

Dân khang vật phụ

Phúc địa sinh nhiều…

Cứ thế hệ truyền thế hệ, cảnh chùa ngày càng được khang trang, tố hảo. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều người còn được chứng kiến cảnh máy bay bắn phá làm hư hỏng chùa, mất tượng Phật và các đồ thờ tự. Song đến nay, ở khu vực chùa còn lưu giữ được các hiện vật cổ có giá trị như cây hương đá, bia đá từ thế kỷ XVII, XVIII, XIX…đã khẳng định tiền kiếp của chùa xưa.

Chùa Phúc Linh xưa được xây dựng gồm có 5 gian, 2 dĩ tòa tiền đường nối với thượng điện 3 gian, hai bên có hai dãy hành lang, với nhiều tượng Phật và đồ thờ quý. Đặc biệt chùa Phúc Linh xưa có một quả chuông đồng quý song trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân đã đem chuông ủng hộ kháng chiến. Năm 1949, chùa Phúc Linh cổ xưa đã bị tàn phá mất tòa tam bảo, nhiều tượng Phật và đồ thờ cũng bị tàn phá. Trải qua thời gian và chiến tranh bom đạn, nhân dân làng Phúc Linh thường xuyên tu sửa, tôn tạo chùa làm cho khu di tích ngày càng khang trang, tố hảo. Năm 1951, nhân dân địa phương tu sửa tam quan, thay một số hoành, xà. Năm 1981, tu sửa tòa tam bảo. Năm 1992, một số ván mê có chạm hình các con vật linh bị mối mọt nên nhân dân đã tu sửa, thay một số bức chạm.

Chùa Linh Quang hiện nay gồm toà tiền đường gồm có 5 gian xây theo kiểu bình đầu bít đốc. Hai tường hồi được xây theo kiểu giật cấp tam sơn chạy thẳng xuống hai cột đồng trụ hai bên. Chính giữa bờ nóc có đắp bức đại tự đề ba chữ Hán: Linh Quang tự. Trong tiền đường và thượng điện được bài trí các pho tượng Phật và một số đồ thờ tự khác.

Trải qua hơn 300 năm tồn tại, chùa Linh Quang nay đã trở thành di tích Lịch sử – văn hoá cấp tỉnh. Du khách hãy hành hương về thăm chùa Linh Quang đi lễ Phật, ngắm cảnh thiên nhiên nơi đây sẽ thấy tâm mình được thanh thản, bình yên hơn cho một ngày mới bắt đầu.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *