Tục kết chạ (kết nghĩa anh em) giữa các làng cổ đã có từ xa xưa trên mảnh đất Kinh Bắc. Trải qua hằng ngàn năm lịch sử với biết bao đổi thay của cuộc sống, nét đẹp văn hóa đó vẫn được người dân ở đây gìn giữ, phát huy.
Cổng làngLịch sử các làng kết chạ ở Bắc Giang còn lưu truyền rất rõ nhiều sự kiện cụ thể, thể hiện những tình cảm, ân nghĩa đáng trân trọng. Một số các làng kết chạ tiêu biểu như: làng Cao Thượng và Liên Chung (huyện Tân Yên, Bắc Giang); làng Phú Cốc (xã Quang Minh, Hiệp Hòa, Bắc Giang) với làng Soi Cốc (xã Tân Tiến, huyện Phổ Yên, Thái Nguyên); làng Xuân Biều với Cẩm Hoàng, làng Nga Trại với làng Đông Lâm (Hiệp Hòa)… Một số làng kết chạ trong những hoàn cảnh đặc biệt như hai làng Kim Thượng (xã Kim Lũ, Sóc Sơn, Hà Nội) và Trâu Lỗ (xã Mai Đình, Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang).
Đình làng Trâu Lỗ Mai Đình
Ngược dòng lịch sử về hơn 400 năm trước (năm 1592), tại thôn Kim Thượng (Sóc Sơn, Hà Nội) mở hội tế thần bằng một con trâu trắng to khoẻ nhất để dâng lên Thành Hoàng làng, cầu mong thành Hoàng phù hộ cho dân làng được bình an vô sự, mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi nảy nở. Lúc lễ tế chuẩn bị kết thúc, bỗng dưng con trâu trắng làm vật tế lồng lên, trực chỉ hướng mặt trời mà chạy. Trâu vượt qua sông Cầu sang nằm phủ phục trước ngôi đền của làng Trâu Lỗ (Hiệp Hoà, Bắc Giang) nơi thờ Trương Hống và Trương Hát, là hai vị anh hùng dân tộc có công giúp Triệu Quang Phục đánh đuổi giặc Lương xâm lược.
Người dân làng Trâu Lỗ cho điều kỳ lạ đó là điềm thiêng, còn người dân Kim Thượng lại cho là điềm dữ nên đã đi dò hỏi để chuộc trâu về. Dân làng Kim Thượng cử người mang 100 quan tiền và lễ vật sang làng Trâu Lỗ chuộc trâu. Từ câu chuyện con trâu trắng mà tình cảm, ơn nghĩa hai làng bắt đầu nảy nở. Qua thời gian, tình cảm đó ngày càng được vun đắp, xây dựng thêm bền chặt.
Năm 1594 đã diễn ra buổi lễ kết nghĩa lịch sử giữa hai làng ở tại Đền thờ Trâu Lỗ, hai làng chính thức trở thành huynh đệ tâm giao và giao ước trong gian khó, hoạn nạn hay trong những việc vui đại sự đều không thể thiếu vắng nhau. Hằng năm, khi Tết đến xuân sang, đặc biệt vào ngày hội làng, hai bên lại cùng nhau tổ chức lễ đón rước dân anh đến làm lễ tế tại đền thờ làng mình để cùng nhau hàn huyên, chuyện trò, ôn lại truyền thống lịch sử kết nghĩa anh em giữa hai làng, đồng thời giáo dục các thế hệ hôm nay phải biết gìn giữ, tô thắm truyền thống tốt đẹp đó của cha ông mình.
Nghìn năm chung một mối tình
Cây gạo đôi tại Phúc Linh chúng kiến bao thay đổi và nhưng năm tháng tình nghĩa hai dân Hương – Phúc
Làng Hương Câu và làng Phúc Linh kết chạ với nhau từ xa xưa. Theo các cụ làng Hương Câu kể lại, cách đây khoảng 200 năm (thời mà Hiệp Hòa là một trong bốn huyện của phủ Bắc Hà), nhân dân hai làng phải đi đắp đê (vực đê Ao Cả) thuộc huyện Đông Anh ngày nay. Dân phu hai làng luôn động viên giúp đỡ lẫn nhau cùng hoàn thành khối lượng công việc được giao. Khi nhân dân Phúc Linh làm ngôi đình mới (cách nay khoảng hơn 100 năm), nhân dân Hương Câu khiêng đá, kéo gỗ xuống giúp dân Phúc Linh làm suốt đêm, sáng sớm hôm sau đã xong. Có một năm lúa đồng Hương Câu chín rũ không kịp cắt, trời lại sắp có bão, thế là hàng trăm người dân Phúc Linh quang gánh, liềm hái kéo lên giúp dân Hương Câu gặt lúa trước khi cơn bão tràn về.
Năm 2001, nhân dân Hương Câu tôn tạo lại ngôi đình. Buổi sáng, đại biểu hai làng làm lễ hạ giải thì khoảng 12 giờ trưa, dân anh Phúc Linh cho 2 xe công nông chở người và 50 đôi sảo cùng hơn 200 người đi xe đạp, xe máy lên. Hương Câu chưa kịp nổi trống huy động bà con làng mình ra thì dân anh Phúc Linh đã tề tựu đông đủ trước sân đình. Chỉ hơn tiếng đồng hồ, 14 vạn ngói trên hai mái đình được gỡ xuống, xếp lại gọn ghẽ vào nơi quy định. Một tuần sau, dân anh Phúc Linh lại chở lên 7 vạn ngói và 27 triệu đồng góp vào tôn tạo đình Hương Câu.
Mối tình huynh đệ Kim-Trâu và Hương- Phúc trải qua thời gian và thử thách tồn tại đến ngày nay đã khẳng định thêm một lần nữa về nét đẹp văn hoá trong phong tục kết chạ của các ngôi làng Việt cổ ven sông Cầu.
Nguyễn Chí Tuệ – Hiephoanet.vn