Yên Bái: Giấc mơ làng du lịch người Mông trên đất chè cổ thụ Suối Giàng

Xe chúng tôi lên đến Suối Giàng lúc chính ngọ. Cái nắng tháng 10 hanh hao trải đều trên những thửa ruộng bậc thang vừa gặt hết, soi rõ từng đàn chim sẻ sà xuống nhặt thóc vãi quanh các gốc rạ. Nắng vậy, nhưng nhiệt độ ngoài trời chỉ 22-23 độ, gió hơi se se lạnh.

Xã Suối Giàng có tám thôn với hơn 740 hộ dân sống chủ yếu bằng nghề trồng chè. Gần đây, bản Pang Cáng, nơi có 100% người H’mông sinh sống được tỉnh Yên Bái chọn để bảo tồn bản sắc văn hóa. Tuy nhiên, dịch vụ du lịch vẫn còn sơ khai và nhỏ lẻ. Lần lên thăm này, bên cạnh vườn cây chè cổ thụ đã mọc lên điểm “Không gian văn hóa trà Suối Giàng” với thiết kế lịch lãm nhưng rất thân thiện môi trường.

'48 giờ ở Suối Giàng' và khát vọng 8 bản Mông cùng làm du lịch homestay

Bên trong “Không gian văn hóa trà Suối Giàng”

Muốn ngồi lâu để cảm nhận không gian sáng tạo này, tôi ngỏ ý với người quản lý xin được ăn trưa tại đây. Dù không đặt trước nhưng bạn quản lý Vũ Xuân Khánh nhiệt tình gọi cho nhà hàng gần đó mang đồ ăn lên. Ấn tượng vì sự chu đáo của Khánh, chúng tôi đã cùng ngồi ăn trưa và nói chuyện về tiềm năng du lịch Suối Giàng.

Khánh kể “Không gian văn hóa trà Suối Giàng” được thai nghén rất nhanh, trong 20 ngày và triển khai trong 60 ngày. Ngôi nhà được thiết kế đơn giản, dựa trên những vật liệu địa phương như ván lợp bằng pơ-mu, cột chống và bàn ghế bằng gỗ tạp loại và được thi công theo phong cách mộc mạc.

Không gian này phục vụ đặc sản trà Shan Tuyết, mở các lớp dạy pha trà, thưởng trà, có một số phòng lưu trú cộng đồng và gia đình, có lều bạt để khách có thể ngủ giữa thiên nhiên bao la.

“Chúng em thiết kế và vận hành thử nghiệm. Nếu thành công sẽ nhân rộng mô hình này, hướng dẫn cho bà con tại đây tận dụng nguyên liệu địa phương để làm homestay đón khách du lịch, giúp quảng bá du lịch Suối Giàng rộng hơn và nâng cao thu nhập cho đồng bào”, Khánh chia sẻ.

Giấc mơ làng du lịch người Mông trên đất chè cổ thụ Suối Giàng 1

Được thiết kế như một ngôi nhà người Mông, “Không gian văn hoá trà Suối Giàng” vừa là chỗ ăn nghỉ, vừa giới thiệu đặc sản chè Shan Tuyết

Khánh cho biết đã họp với tất cả các hộ trong xã, mời tham gia vào Hợp tác xã Du lịch Suối Giàng để cùng triển khai dự án cho đồng nhất. Hiện tại, đã lập website, làm phim quảng cáo, chụp các bộ ảnh để truyền thông, làm các biển quảng cáo tấm lớn và các cuốn cẩm nang du lịch, tài liệu cho các hướng dẫn viên, nghiên cứu ẩm thực người Mông để tôn vinh những nét đặc sắc.

Huyện Văn Chấn cũng đã phê duyệt cải tạo hồ Suối Giàng cạnh cây chè tổ, nâng cấp đường trong huyện, trồng hoa và lát lối đi bằng nguồn vốn xã hội hóa. Hiện du khách chỉ đến đây một buổi thăm quan những cây chè cổ thụ, hưởng không khí mát lành rồi rời đi.

“Chúng em muốn mọi người thăm quan hết các địa điểm tại đây và cảm nhận rõ nét văn hóa của người Mông nên đã xây dựng chương trình 48 giờ tại Suối Giàng“, Khánh cho biết.

Giấc mơ làng du lịch người Mông trên đất chè cổ thụ Suối Giàng 2

Bên cây chè tổ có tuổi thọ hàng trăm năm

Nhìn vẻ say sưa của bạn trẻ gốc Đông Anh, Hà Nội để lại vợ và hai con ở quê, lên Suối Giàng với mong muốn mãnh liệt khơi dậy tiềm năng du lịch tại đây, với kế hoạch mà thời gian làm chỉ tính theo đơn vị ngày, với những buổi họp thâu đêm bên bếp lửa người Mông, chúng tôi cảm nhận được nhiệt huyết, đam mê tuổi trẻ của Khánh muốn giúp ích cho xã hội, vừa có chút ngây thơ lãng mạn của những chàng Đông-ki-sốt giữa đỉnh núi với những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi.

Vốn định chỉ lên tham quan rừng chè cổ thụ rồi về luôn, nhưng câu chuyện của Khánh đã giữ chân chúng tôi ở lại. Chúng tôi đã nói về mô hình du lịch homestay của người Tày ở bản Pác Ngòi bên hồ Ba Bể và mong ước sẽ có làng du lịch homestay của người Mông trên đất Suối Giàng.

Không dừng lại đó, chúng tôi say sưa trao đổi về khả năng nhân rộng mô hình du lịch văn hoá này trên khắp mảnh đất hình chữ S. Chúng tôi cũng nói về cách nâng cao giá trị cho chè Suối Giàng, về mô hình du lịch thưởng trà Long Tỉnh tại Hàng Châu, Trung Quốc.

'48 giờ ở Suối Giàng' và khát vọng 8 bản Mông cùng làm du lịch homestay 1

Suối Giàng vẫn giữ được nét văn hoá dân tộc đặc sắc và hấp dẫn du khách

Nước chè Suối Giàng khi rót ra chén có màu vàng sóng sánh như mật ong, hương thơm chỉ thoảng nhẹ nhưng vị thì chẳng loại chè nào sánh được. Nhấp một ngụm, chất chè đọng lại vừa đắng vừa chát nhưng dư vị ngọt rất hậu.

Ngoài trời se se lạnh, bên bếp lửa người Mông, câu chuyện cứ thế kéo dài với nhiều kỳ vọng vùng đất chè cổ thụ Suối Giàng sớm toả hương đối với du khách năm châu.

Báu vật Mù Căng Chải dưới góc nhìn thương hiệu

Related Posts

Kinh Bắc News

Kinh Bắc Web Blog’s chuyên cập nhật chia sẻ thông tin kiến thức kinh nghiệm thiết kế và nhiều nội dung hấp dẫn. Theo dõi chúng tôi để cập nhật thêm nhiều kiến thức thông tin thú vị nhé. Website: kinhbacweb.com | tinhocbacninh.biz.vn | tinhdautamngoc.com

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *