Nguồn cung nguyên liệu sản xuất pin lithium hạn chế, giá cả ngày càng cao khiến các nhà sản xuất tìm mọi cách để tái chế những bộ pin đã qua sử dụng.
Vì sao nhà sản xuất phải tái chế pin ôtô điện?
Cơn sốt giá nguyên liệu pin #lithium
Năm 2020 và những tháng đầu 2021, thế giới chứng kiến giá lithium, thứ kim loại quan trọng trong ngành công nghiệp sản xuất pin tăng phi mã. Trong bối cảnh xe điện đang nổi lên như một xu thế, lithium càng có lý do để tăng giá.
Tính đến trung tuần tháng 3, giá lithium đã tăng 68% so với đầu năm, lên 11.250 USD mỗi tấn. Sự “lên ngôi” của xe điện đã khiến cho thứ kim loại này được săn đón. Chỉ tính riêng tháng 1, doanh số bán xe điện ở Trung Quốc đã tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Ở châu Âu, loại xe này và xe lai cũng đắt hàng, nhiều hãng đã đưa lộ trình chỉ sản xuất xe điện trong tương lai.
Không tạo ra khí thải, xe điện được nhiều người ưa chuộng, nhận được các ưu đãi từ chính phủ các nước. Vài quốc gia châu Âu đang có chương trình trợ giá cho người mua xe điện. Ở Mỹ, chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng cam kết xây 500.000 trạm sạc pin, giải quyết nhu cầu cho những người sử dụng loại phương tiện này.
Xe điện được dự đoán sẽ là xu thế tất yếu không thể cưỡng lại. Tuy nhiên, sự giới hạn của nguồn nguyên liệu lithium đang đặt các nhà sản xuất trước những thách thức phải giải quyết. Đó là nghiên cứu, phát triển các công nghệ pin mới để giảm phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu và thân thiện hơn với môi trường, đồng thời đẩy mạnh việc tái chế pin để tối ưu giá trị sử dụng.
Tái chế pin là bắt buộc
Cha đẻ của pin lithium-ion Akira Yoshino, người được trao giải Nobel Hóa học năm 2019, khẳng định tầm quan trọng của việc tái chế pin, đồng thời nhấn mạnh đây là nhiệm vụ tiếp theo của ngành công nghiệp xe điện.
Giống như xe điện, tái chế pin cũng đang trở thành ưu tiên của nhiều chính phủ và cả các nhà sản xuất. Các công ty cũng đang đua nhau tìm cách tái chế những bộ pin lithium đã qua sử dụng để thu hồi nguyên liệu. Nó hứa hẹn sẽ làm dịu một phần “cơn khát” lithium đang bao trùm khắp các châu lục, mang lại lợi ích cả về kinh tế lẫn môi trường.
Ở thời điểm hiện tại, công nghệ tái chế pin lithium đang được đầu tư mạnh mẽ và gặt hái những thành tựu vượt trội. Các hãng đang hướng tới việc tái chế tới hơn 90% nguyên liệu cấu thành pin. Sau khi xả hết năng lượng, pin hỏng được nghiền nát và sử dụng những phương pháp đặc biệt để tách lithium, coban, mangan, niken ra thành nguyên liệu thô.
Ngay cả các nhà sản xuất xe điện cũng đang đóng vai trò trong lĩnh vực tái chế. Volkswagen đã khai trương nhà máy tái chế pin vào tháng 2 vừa qua, công suất xử lý khoảng 1.500 tấn pin đã qua sử dụng từ 3.600 xe điện mỗi năm. Volkswagen ước tính dự án sẽ giúp hãng tái chế tới 97% nguyên liệu trong pin xe.
Chi phí pin thường chiếm tới 30% giá thành xe điện. Việc tách pin khỏi giá ôtô khiến người tiêu dùng có thể dễ dàng mua xe hơn. Trong khi đó, việc thuê pin giúp khách hàng không phải bỏ ra số tiền lớn để sửa chữa, thay pin khi chúng không còn hiệu quả.
Tesla tuyên bố 100% pin dùng trong xe điện của hãng là loại có thể tái chế. Việc này giúp hãng Mỹ có thể hạn chế tác động của thị trường nguyên vật liệu, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất xe trên toàn thế giới.
Những thành tựu đang trở nên vượt trội trong công nghệ tái chế pin, kết hợp với tầm nhìn của các nhà sản xuất xe điện trong việc quy hoạch gọn gàng pin thải loại để xử lý, mở ra hướng đi tiềm năng nhằm giải tỏa cơn khát cho ngành công nghiệp pin lithium. Bên cạnh đó, những cục pin không bị thải ra môi trường giúp cuộc sống con người trở nên an toàn hơn trước công nghệ mới.
Với các nhà sản xuất xe điện, họ có những chiến lược khác nhau để đảm bảo những bộ pin sẽ được thu hồi đúng cách. Cho thuê pin là cách hiệu quả hàng đầu đang được nhiều hãng xe điện, trong đó có VinFast của Việt Nam theo đuổi.
__________
Nguồn: VNE