Doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam và hành trình đi lên cùng đất nước
Trong suốt chặng đường 40 năm, cộng đồng doanh nhân Việt Nam đã thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội vươn lên phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam cũng như thực hiện trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng.
Doanh nghiệp Việt vươn tầm quốc tế
Đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Các doanh nghiệp, doanh nhân có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hoạt động không chỉ trong nước mà còn gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm ra khu vực và thế giới.
Với gần 1 triệu doanh nghiệp trong khu vực kinh tế tư nhân cùng các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp FDI, các hợp tác xã, cộng đồng doanh nhân và doanh nghiệp đã trở thành lực lượng hùng hậu thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển. Tính riêng đội ngũ doanh nhân là lãnh đạo doanh nghiệp, Việt Nam đã có tới 3 triệu người; nếu tính tất cả những người làm kinh doanh, những hộ kinh doanh cá thể, đội ngũ doanh nhân có thể đạt tới 10 triệu người. Đây là một nguồn nhân lực đặc biệt của đất nước, có vai trò quan trọng trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập của nước Việt Nam thời kỳ mới.
Những năm qua, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đã phát huy vai trò to lớn của mình trong sự phát triển kinh tế đất nước. Để phát huy được vai trò đó không thể thiếu sự sát cánh của Chính phủ trong việc chia sẻ, động viên, tiếp thu tối đa các ý kiến của các tổ chức hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp để xây dựng và phát triển cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân hùng mạnh và đoàn kết.
Ngày 9/5/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 66/NQ-CP ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Theo đó, mục tiêu từ nay đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp, trong đó hình thành và phát triển nhiều doanh nhân lãnh đạo các tập đoàn kinh tế mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, phát huy vai trò mở đường dẫn dắt các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Đến năm 2030 có ít nhất 10 doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỉ phú USD thế giới, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á do các tổ chức uy tín thế giới bình chọn.
Đến năm 2045, phấn đấu một số doanh nhân làm chủ các tập đoàn có khả năng dẫn dắt các chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, tiến tới hình thành một số chuỗi giá trị của Việt Nam trong các ngành ưu tiên, có thế mạnh của đất nước. Hình thành và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín trong khu vực và quốc tế.
Sự phát triển của cộng đồng doanh nhân Việt Nam đã góp phần thay đổi diện mạo đất nước, chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam và đưa đất nước vững vàng phát triển, từng bước hiện thực hoá chủ trương, mục tiêu của Đảng về xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Những doanh nhân, doanh nghiệp lớn với thương hiệu như Vingroup, Viettel, FPT, Vietjet, Thaco, VNPT, BRG, Vinamilk, Thái Bình Shoes (TBS),… đã vươn tầm khu vực và thế giới, thể hiện vai trò quan trọng trong phát triển các ngành, các địa phương và dẫn dắt doanh nghiệp Việt Nam phát triển ngày một mạnh mẽ hơn.
Doanh nhân Việt với tinh thần “tương thân, tương ái”
Bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, đội ngũ doanh nhân cũng luôn thể hiện trách nhiệm xã hội, có những hoạt động đầy ý nghĩa hướng về cộng đồng, phát huy truyền thống “chia ngọt, sẻ bùi”, “tương thân, tương ái” của người Việt Nam. Nhiều doanh nhân đã và đang tích cực tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chương trình vì cộng đồng, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, với những nghĩa cử cao đẹp như: hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ khó khăn, đỡ đầu cho các trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng, hỗ trợ nguồn lực trang sắm vật tư, thiết bị y tế phòng chống dịch…
Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, các doanh nhân, doanh nghiệp đã đóng góp vào Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19 và ủng hộ vật tư, trang thiết bị y tế cho các địa phương lên tới hàng nghìn tỉ đồng. Mới đây, khi cơn bão số 3 quét qua các tỉnh miền Bắc, gây ra thiệt hại nặng nề về người và tài sản, các doanh nghiệp, doanh nhân đã tích cực ủng hộ các quỹ cũng như trực tiếp hỗ trợ đồng bào vùng gặp thiên tai. Điển hình như, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã công bố gói hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão trị giá 50 tỷ đồng; Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) hỗ trợ khoảng 100 tỷ đồng; Trung ương Hội, Hội Doanh nhân trẻ các tỉnh, thành phố, các câu lạc bộ trực thuộc Hội cùng cá nhân các ủy viên Ủy ban Trung ương Hội đã vận động và quyên góp 10 tỉ đồng…
Trên khắp mọi miền Tổ quốc, còn rất nhiều tấm lòng hảo tâm là các doanh nghiệp, doanh nhân trên khắp mọi miền Tổ quốc vẫn đang hàng ngày đóng góp công sức cho các hoạt động cộng đồng, thể hiện trách nhiệm xã hội cũng như góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Có thể nói, với những cố gắng và thành tựu đã đạt được trong những năm qua, cùng tinh thần trách nhiệm với đất nước, với nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân chính là lực lượng chính đóng góp trong hành trình đang đi lên của đất nước.