Theo Politico, hàng nghìn cựu lính Wagner đang giúp Nga làm suy yếu sức ảnh hưởng của Mỹ, buộc Washington phải rút quân.
Hàng nghìn cựu lính Wagner hoạt động dưới sự kiểm soát của Nga
Theo tờ Politico, 7 tháng sau cái chết của “ông trùm” Wagner Yevgeny Prigozhin, hàng nghìn cựu lính đánh thuê của tập đoàn này đang tuân thủ theo sự quản lý của chính phủ Nga.
Hai quan chức Mỹ giấu tên cho biết, hiện tại, hàng nghìn cựu lính Wagner đã chia thành ít nhất 4 nhóm. Bằng cách phối hợp cựu lính Wagner với các nhóm lính đánh thuê khác trung thành với Nga, Moscow hy vọng sẽ ngăn chặn được sự kiện tương tự như năm ngoái tái diễn, trong đó tập đoàn Wagner bất ngờ “nổi loạn”, chống lại ông Putin và Bộ Quốc phòng Nga.
“Một phần mục tiêu của việc tái cơ cấu là đảm bảo có nhiều quyền kiểm soát hơn đối với các hoạt động nói chung”– Một quan chức Mỹ cho hay.
Cũng theo quan chức này, các nhóm quân tư nhân mới hiện đã được Nga triển khai trên khắp thế giới để thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt, cả ở Ukraine và châu Phi. Tại châu Phi, sự xuất hiện của các nhóm quân tiền thân là lính Wagner đã buộc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden phải rút quân khỏi Niger và có nguy cơ phải rút khỏi Cộng hòa Chad.
Ngày 19/4, các quan chức Mỹ thông báo, hơn 1.000 quân nhân Mỹ sẽ rút khỏi Niger trong vài tháng tới. Động thái diễn ra trong bối cảnh Nga vừa đưa lực lượng và thiết bị quân sự tới quốc gia châu Phi trên danh nghĩa hỗ trợ chống khủng bố.
Theo hãng thông tấn RIA Novosti (Nga), lực lượng Nga được điều tới Niger là thành viên của Quân đoàn châu Phi – cấu trúc bán quân sự mới được thành lập trên cơ sở các cựu lính đánh thuê Wagner.
Politico nhận định, đây được xem là một trong những thất bại lớn của Washington trong hoạt động chống khủng bố, đồng thời thách thức các chính sách của Mỹ tại Cộng hòa Trung Phi, Mali, Burkina Faso, Libya và các quốc gia châu Phi khác.
Đáng nói, các diễn tiến này diễn ra vào đúng thời điểm quan trọng đối với lợi ích của Mỹ ở châu Phi. Đối với Washington, châu Phi là khu vực có tầm quan trọng chiến lược, là điểm ra vào chính của cả Biển Đỏ và Vịnh Aden, có các cảng và tuyến đường biển lớn, cũng như là nơi đặt căn cứ quân sự của một số quốc gia.
Quan chức Mỹ cho biết, 1 trong 4 nhóm cựu lính Wagner đang liên kết với lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga. Nhóm này đã được điều đến Ukraine và hứng chịu thiệt hại đáng kể về người.
Hai nhóm khác đang hoạt động dưới sự quản lý của Bộ Quốc phòng và cơ quan tình báo Moscow. Nhóm thứ tư – là Quân đoàn châu Phi, liên kết với một nhóm khác có tên Redut – đang nỗ lực thiết lập lại quyền kiểm soát đối với các lực lượng Wagner vốn trước đây hoạt động ở một số nước châu Phi.
Lợi ích địa-chính trị lớn cho Moscow
Prigozhin qua đời vào tháng 8 năm ngoái sau khi chiếc máy bay chở ông này phát nổ giữa không trung. Trước khi thành lập tập đoàn Wagner năm 2017, Prigozhin trở nên giàu có với tư cách là đầu bếp riêng của ông Putin và là người cung cấp thực phẩm chính thức cho Điện Kremlin.
Việc cho phép đồng minh thân cận xây dựng lực lượng quân sự tư nhân được xem là một bước đi hữu ích đối với Moscow trong việc thực hiện các nhiệm vụ bí mật trên khắp thế giới.
Cái chết của Prigozhin khiến số phận Wagner rơi vào tình trạng lấp lửng. Ở thời điểm đó, tập đoàn Wagner đang trong quá trình thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với lãnh đạo các nước châu Phi, nhằm cung cấp an ninh cho họ và tham gia vào các hoạt động khai thác sinh lợi.
Ví dụ, ở Cộng hòa Trung Phi, Wagner đã nắm quyền kiểm soát một mỏ vàng. Các quan chức Mỹ cho biết, sau cái chết của Prigozhin, các thành viên Wagner dưới quyền ông đã mở rộng đáng kể quy mô mỏ này, nhưng vẫn chưa tìm ra cách tiếp thị và vận chuyển khoáng sản một cách hiệu quả.
Dự kiến, nếu chuyện suôn sẻ, họ sẽ thu được hàng trăm triệu USD lợi nhuận trên thị trường toàn cầu.
Politico đánh giá, quyền chỉ huy mới mà Moscow vừa thiết lập với lực lượng lính đánh thuê này có ý nghĩa địa-chính trị to lớn.
Đặc biệt ở châu Phi, điều này có thể làm suy yếu các nỗ lực của chính quyền Biden trong việc chống khủng bố, thúc đẩy dân chủ và củng cố mối quan hệ ngoại giao với các chế độ mới thành lập.
“Yếu tố thời gian chính là chìa khóa ở đây. Nga có thể cung cấp cho các quốc gia này những gì mà Mỹ không thể, và cung cấp ngay lập tức”– Một quan chức Mỹ nói, đề cập tới khả năng Nga sử dụng lực lượng quân sự tư nhân để cung cấp vũ khí và đạn dược ngầm cho các chính phủ quân sự mới thành lập ở châu Phi.
“Trong khi đó, rất nhiều lãnh đạo của các quốc gia châu Phi đã chán ngấy việc Mỹ rao giảng về dân chủ”– Quan chức này cho biết thêm.
Theo luật của Mỹ, Washington không thể cung cấp viện trợ cho chính phủ các nước lên nắm quyền thông qua các cuộc đảo chính quân sự, tạo điều kiện cho Nga “đi trước một bước” trong những tình huống như vậy.
Quan chức Mỹ nói thêm rằng, việc Moscow nắm quyền kiểm soát trực tiếp các nhóm bán quân sự cũng có thể giúp họ thuyết phục một số quốc gia châu Phi vốn tránh xa Wagner trước đây do lực lượng này bị phương Tây liệt kê là một tổ chức tội phạm và áp đặt lệnh trừng phạt trên toàn cầu.