Khát vọng xây dựng hạ tầng logistics quốc gia

Đã có mặt tại Myanmar, Campuchia, Viettel Post sẽ mở rộng đầu tư tại Lào, Thái Lan và Trung Quốc với định hướng dài hạn là cung cấp giải pháp toàn trình cho logistics xuyên biên giới và tạo ra hành lang kết nối giữa các nước này với Việt Nam.

viettel post.jpg

Viettel Post đang sở hữu hệ thống khai thác chia chọn có mức tự động hóa cao nhất Việt Nam với 4 hệ thống công nghệ chia chọn gồm cân tự động, Crossbelt, Wheel Sorter Matrix và robot AGV.

Khi các vị lãnh đạo cơ quan quản lý, Tập đoàn Viettel và Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) cùng đứng trên sân khấu ngoài trời để nhấn nút khai trương Tổ hợp công nghệ chia chọn thông minh tại Khu công nghiệp Quang Minh, thì 200 “chú” robot AGV vẫn đang chạy như mắc cửi trong Trung tâm khai thác 5 để phân loại, chia chọn hàng trăm nghìn bưu phẩm trước khi chúng được vận chuyển đến tay khách hàng.

Khởi động quá trình xây dựng hạ tầng logistic thông minh

Tổ hợp chia chọn này là bằng chứng rõ nhất cho trình độ công nghệ tại Viettel Post. Họ đang sở hữu hệ thống khai thác chia chọn có mức tự động hóa cao nhất Việt Nam với 4 hệ thống công nghệ chia chọn gồm cân tự động, Crossbelt, Wheel Sorter Matrix và robot AGV. Trong đó, Wheel sorter Matrix là hệ thống chia hàng tải, kiện lớn. Cross-belt sorter là hệ thống chia chọn dạng băng tải có điều khiển chủ động, phù hợp hàng hóa COD, kiện tiêu chuẩn với công suất lớn.

Còn robot AGV là công nghệ robot hiện đại được nhiều đơn vị logistics lớn trên thế giới như China Post, Amazon… sử dụng để chia chọn các loại hàng hóa nhẹ, mỏng, hàng có hình dáng đặc thù, tròn lăn, thích hợp với hàng hóa trên sàn thương mại điện tử. Hiện tại, Viettel Post là công ty logistics đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam triển khai công nghệ robot AGV.

Nhờ đó, Viettel Post có thể chia chọn tự động 100% các loại hàng hóa với hiệu quả lớn hơn rất nhiều về thời gian và chi phí, rút ngắn thời gian chuyển phát toàn trình từ 8-10 giờ, tăng 3,5 lần sản lượng, tối ưu 60% chi phí nhân sự.

buu chinh viettel.jpg

Có mặt tại buổi lễ khai trương, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel nhấn mạnh, nếu hạ tầng viễn thông được coi là huyết mạch của dòng chảy thông tin đối với nền kinh tế và hạ tầng số được coi là “hạ tầng của hạ tầng” trong nền kinh tế số thì hạ tầng logistics được ví như huyết mạch của dòng chảy vật chất, có vai trò quan trọng trong việc kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Tập đoàn Viettel đã hoàn thành sứ mệnh xây dựng hạ tầng viễn thông và hạ tầng số ở quy mô rộng nhất và lớn nhất Việt Nam. Và tiếp theo, sứ mệnh xây dựng hạ tầng logistics quốc gia được giao cho Viettel Post, với mục tiêu góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics của khu vực và thế giới, tham gia thực hiện mục tiêu của Chính phủ là đến năm 2025, ngành logistics sẽ đóng góp 5-6% vào GDP.

Chủ tịch Viettel Tào Đức Thắng cũng đánh giá: “Sự kiện khai trương Tổ hợp công nghệ chia chọn thông minh đầu tiên và lớn nhất của Việt Nam là bước đầu của quá trình xây dựng hạ tầng logistic thông minh”.

tao duc thang.jpg

Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel nhấn mạnh hạ tầng logistics được ví như huyết mạch của dòng chảy vật chất.

Viettel Post sẽ “go global”

Nói về sứ mệnh mà Tập đoàn Viettel giao phó, ông Hoàng Trung Thành, Tổng giám đốc của Viettel Post chia sẻ: “Chúng tôi xác định logistics sẽ là lĩnh vực mà Viettel Post lựa chọn ‘go global’ để khẳng định vị thế. Hiện nay, chúng tôi đã có mặt tại Myanmar, Campuchia. Trong năm 2024 sẽ đầu tư tại Lào, Thái Lan và Trung Quốc với định hướng dài hạn là cung cấp giải pháp toàn trình cho logistics xuyên biên giới và triển khai tuyến vận chuyển đường sắt liên vận Việt Nam – Trung Quốc, từ đó triển khai thêm nhiều tuyến mới tạo ra hành lang kết nối giữa Trung Quốc, các nước Đông Nam Á và Việt Nam. Giai đoạn thứ 2 của ‘go global’ là mở rộng sang các thị trường như Nhật, Úc, châu Âu với tầm nhìn đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics của toàn cầu”.

Theo Tổng giám đốc Hoàng Trung Thành, Viettel Post sẽ không chỉ làm tốt lĩnh vực chuyển phát chặng cuối (last mile delivery) mà đã đặt nền móng xây dựng thành công các lĩnh vực của logistics như hệ thống chuỗi cung ứng (supply chain), công viên logistics, cửa khẩu thông minh, hệ thống hạ tầng logistics xuyên biên giới, đường sắt liên vận quốc tế.

Với hạ tầng này, Viettel Post giúp kết nối một cách hiệu quả và đồng bộ các trung tâm khu công nghiệp, các vùng nuôi trồng với các nút giao thông của đường bộ, đường thủy, đường sắt, các cảng biển, các cảng hàng không, các hệ thống cửa khẩu.

buu chinh.jpg

Viettel Post sẽ cung cấp trọn gói các dịch vụ logistics như hệ thống kho thông minh, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, dịch vụ vận tải nội địa, dịch vụ vận tải xuyên biên giới và hệ thống thông quan hàng hóa mậu dịch.

Chia sẻ cụ thể hơn, ông Hoàng Trung Thành đề cập đến hệ thống cửa khẩu thông minh mà Trung Quốc dự kiến triển khai. Hệ thống này sẽ ứng dụng công nghệ vận tải xuyên biên giới bằng xe tự hành, có thể hoạt động 24/24h trong mọi điều kiện, điều khiển bằng công nghệ 5G giúp nâng công suất thông quan lên 4-5 lần và giải quyết triệt để tình trạng tắc biên, hư hỏng hàng hóa. Đồng thời, giúp tối ưu chi phí và giảm chi phí thông quan tới 70%.

Trong khi đó, với hệ thống công viên logistics, Viettel Post sẽ cung cấp trọn gói các dịch vụ logistics như hệ thống kho thông minh, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, dịch vụ vận tải nội địa, dịch vụ vận tải xuyên biên giới và hệ thống thông quan hàng hóa mậu dịch.

Bên cạnh đó, Viettel Post sẽ triển khai hệ thống đường sắt liên vận quốc tế để “kéo” cửa khẩu từ biên giới sâu vào nội địa. Theo đó, hàng hóa sẽ được thông quan tại ga Yên Viên, ga Sóng Thần, giúp các nhà sản xuất của Việt Nam bớt phụ thuộc vào các cửa khẩu, gây tắc nghẽn tại cửa khẩu như hiện nay.

Quy mô thị trường logistics toàn cầu đã đạt gần 9 nghìn tỷ USD năm 2023, và dự kiến sẽ tăng lên 18,23 nghìn tỷ USD năm 2030. Trong đó, châu Á – Thái Bình Dương vẫn là khu vực có quy mô lớn nhất và phát triển năng động nhất. Việt Nam đã đứng trong top 10 trong số 50 thị trường logistics mới nổi trên thế giới, song vẫn đối mặt với vấn đề cố hữu: Tỷ lệ chi phí logistics so với GDP quốc gia của Việt Nam là 18% GDP, trong khi con số này ở các nước phát triển chỉ 9 – 14%.

CEO Viettel Post kỳ vọng mức tăng trưởng hằng năm lĩnh vực chuyển phát tăng 3-4 lần, dịch vụ chuỗi cung ứng – supply chain tăng trưởng 55%, doanh nghiệp sẽ trở thành ‘sếu đầu đàn’ thúc đẩy phát triển ngành logistics quốc gia.

“Mục tiêu 5 năm tới, doanh số phải gấp 10 lần so với năm 2023. Đây là một mục tiêu khả thi và nếu thuận lợi, Viettel Post sẽ có kết quả đột phá”, ông Hoàng Trung Thành nhấn mạnh.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *