Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng mới đây, Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet cho biết, một số hãng thời trang nổi tiếng của Pháp, trong đó có Louis Vuitton mong muốn tổ chức một đoàn tàu cổ hạng sang giữa Hà Nội – TP.HCM phục vụ khách du lịch.
Đây là các toa tàu cổ, đã khai thác từ 30 năm trở lên, sẽ được Louis Vuitton nhập khẩu vào Việt Nam. Vì vậy, Đại sứ Olivier Brochet đề nghị Bộ GTVT cho phép các ngoại lệ so với các quy định hiện hành để các toa tàu có thể chạy trên đường sắt Việt Nam.
Bày tỏ sự ủng hộ, nhất trí cao với ý tưởng này, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị phía Pháp cần nêu rõ cần các ngoại lệ gì khi sử dụng toa tàu cũ, từ đó hai bên trao đổi, xác định thẩm quyền thuộc cơ quan nào để trình cơ quan đó giải quyết, trong đó có Bộ GTVT. Trường hợp vượt quá thẩm quyền, Bộ GTVT sẽ phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Chiều 24/11, trao đổi với PV VietNamNet, đại diện Cục Đường sắt Việt Nam cũng bày tỏ sự ủng hộ, nhất trí cao trong việc phía Pháp đứng ra tổ chức một đoàn tàu cổ hạng sang giữa Hà Nội – TP.HCM phục vụ khách du lịch.
Tuy nhiên, đại diện Cục Đường sắt cho biết, theo quy định của pháp luật Việt Nam, để thực hiện kinh doanh vận tải đường sắt trên đường sắt quốc gia thì doanh nghiệp cần đáp ứng một số điều kiện.
Thứ nhất,về điều kiện kinh doanh quy định tại Điều 21, Nghị định số 65/2018/NĐ-CP, doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt phải có đủ các điều kiện sau:
Có bộ phận phụ trách công tác an toàn vận tải đường sắt.
Có ít nhất 1 người phụ trách công tác an toàn có trình độ đại học về chuyên ngành vận tải đường sắt và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc trực tiếp về quản lý, khai thác vận tải đường sắt.
Người được giao chịu trách nhiệm chính về quản lý kỹ thuật khai thác vận tải phải có trình độ đại học và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc về khai thác vận tải đường sắt.
Thứ hai,đoàn tàu phải đáp ứng niên hạn sử dụng và điều kiện nhập khẩu phương tiện giao thông đường sắt. Vấn đề này được quy định cụ thể tại Điều 18 của Nghị định số 65:
Không quá 40 năm đối với đầu máy, toa xe chở khách chạy trên chính tuyến của đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng, đường sắt đô thị.
Không quá 45 năm đối với toa xe chở hàng chạy trên đường sắt chính tuyến của đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng.
Đối với phương tiện giao thông đường sắt nhập khẩu đã qua sử dụng, chỉ được nhập khẩu phương tiện đã qua sử dụng không quá 10 năm đối với toa xe chở khách, đầu máy, toa xe đường sắt đô thị và không quá 15 năm đối với toa xe chở hàng.
Cục Đường sắt thông tin thêm, theo quy định của pháp luật Việt Nam, việc tổ chức vận hành khai thác các đoàn tàu trên đường sắt quốc gia phải được sự thống nhất của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia với doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt.
Theo đó, đơn vị muốn tổ chức vận hành khai thác đoàn tàu cổ hạng sang giữa Hà Nội – TP.HCM cần phải có sự thống nhất với Tổng Công ty đường sắt Việt Nam. Việc này cần được thông qua các hợp đồng cung cấp về dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt và sức kéo đầu máy mới có thể tổ chức vận hành khai thác đoàn tàu trên đường sắt quốc gia.
“Do vậy, để hiện thực hóa đề xuất trên, đề nghị Đại sứ Cộng hòa Pháp cần nêu cụ thể các điều kiện ngoại lệ khi sử dụng tàu cũ là gì? Trên cơ sở đó hai bên trao đổi, xác định rõ thẩm quyền của cơ quan nào cần phải giải quyết để từ đó báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định”,đại diện Cục Đường sắt Việt Nam thông tin.
Được biết, trong danh sách 8 tuyến đường sắt đẹp nhất thế giới do trang cẩm nang du lịch Lonely Planet vừa bình chọn, tuyến đường sắt Hà Nội – TP.HCM của Việt Nam xếp vị trí đầu tiên.
Theo Lonely Planet, tuyến đường sắt Hà Nội – TP.HCM dài 1.730km là một trong những tuyến đường sắt được yêu thích nhất khu vực Đông Nam Á.