Nỗi khổ của những nước tịch thu siêu du thuyền từ tài phiệt Nga

Tài sản tịch thu từ các tài phiệt Nga có chi phí vận hành và bảo trì lớn tới mức trở thành nỗi ác mộng đối với nhiều quốc gia.

Hàng chục cảnh sát và 5 đặc vụ FBI đã ập đến bến cảng Falmouth ở Antigua và Barbuda, quốc đảo vùng Caribe một buổi sáng năm ngoái. Họ đột kích siêu du thuyền dài hơn 80 m Alfa Nero của Andrey Grigoryevich Guryev, người sáng lập công ty hóa chất hàng đầu nước Nga PhosAgro.Kể từ đó, du thuyền 120 triệu USD đã nằm im ở bến cảng này. Đó là lời nhắc về cuộc chiến kinh tế của phương Tây với Nga liên quan tới xung đột Ukraine. Song nó cũng trở thành cơn ác mộng đối với đảo quốc nhỏ bé với 93.000 dân.

Antigua và Barbuda tịch thu du thuyền do họ thực thi biện pháp trừng phạt theo hiệp ước với Mỹ. Giờ đây, người nộp thuế của quốc đảo phải trả 28.000 USD một tuần để duy trì du thuyền, gồm tiền lương của thuyền trưởng người Italy và 2.000 USD tiền dầu diesel mỗi ngày để vận hành hệ thống điều hòa không khí.

Nếu điều hòa ngừng, du thuyền sẽ bị nấm mốc trong 48 giờ, nguy cơ làm hỏng đồ nội thất bằng gỗ và bức tranh của họa sĩ nổi tiếng Joan Miro. Thủy thủ đoàn 6 người đang vất vả duy trì con tàu cho tới ngày nó được rời đi.

“Họ đang ném tiền qua cửa sổ”, Tom Paterson, chủ bến du thuyền, nói.

Siêu du thuyền Alfa Nero ở cảng Falmouth, quốc đảo Antigua và Barbuda. Ảnh: WSJ

Kể từ khi Nga mở chiến dịch ở Ukraine, hàng chục chính phủ đã cố gắng gây áp lực cho Tổng thống Vladimir Putin để chấm dứt xung đột. Báo cáo hồi tháng 3 ước tính khoảng 58 tỷ USD tài sản của các tài phiệt Nga, gồm du thuyền, biệt thự và các khoản đầu tư, đã bị đóng băng hoặc phong tỏa với lý do chủ sở hữu liên quan tới Điện Kremlin.

Tuy nhiên, nỗ lực đóng băng tài sản không đồng nghĩa các chính quyền sở tại có quyền sở hữu hoặc bán nó. Điều đó chỉ có thể xảy ra sau những nỗ lực pháp lý phức tạp để chứng minh chủ du thuyền đã phạm tội, quá trình có thể mất vài tháng hoặc nhiều năm. Người nộp thuế ở nước sở tại phải trả các hóa đơn lớn để duy trì du thuyền hoặc biệt thự cao cấp mà không ai được phép sử dụng khi các lệnh trừng phạt vẫn còn hiệu lực.

Tại Italy, giới chức đã thu giữ ít nhất 4 du thuyền, 20 biệt thự cùng nhiều ôtô, tác phẩm nghệ thuật và món đồ khác kể từ năm 2022. Chính phủ Italy năm ngoái chi 14,8 triệu USD để trang trải chi phí bảo trì khẩn cấp các tài sản như du thuyền và biệt thự. Quan chức Italy cho biết chi phí thực tế thậm chí cao hơn nhiều.

“Du thuyền là vấn đề đối với chúng tôi. Nếu cuộc chiến tiếp tục, chi phí vận hành có thể vượt quá giá trị thực tế của chúng”, một quan chức Italy nói.

Du thuyền lớn thường tốn khoảng 10% giá trị mỗi năm để duy trì, theo Benjamin Maltby, luật sư của công ty Keystone Law. Thân tàu cần được làm sạch thường xuyên và hệ thống điều hòa không khí chạy gần như suốt ngày đêm. Trả lương cho thủy thủ đoàn, chi phí bảo hiểm và tiền thuê bến du thuyền cũng là những khoản phải tính đến.

Buộc chủ sở hữu chi trả những khoản này không dễ dàng, khi những người bị trừng phạt không được phép sử dụng hệ thống tài chính để chuyển tiền mà không có sự cho phép từ chính phủ. Quá trình cấp phép có thể kéo dài nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm. Một số quốc gia châu Âu như Tây Ban Nha đã phải đưa ra ngoại lệ, tạo điều kiện để các chủ sở hữu trả phí bảo trì tài sản dù bị trừng phạt.

Bán du thuyền cũng là chuyện rất khó, theo Maltby. Nhiều người mua không thích một chiếc thuyền từng bị trừng phạt vì lo ngại rắc rối pháp lý.

Scheherazade, một trong những du thuyền lớn và đắt nhất thế giới, bị Italy tịch thu năm ngoái khi nó đang ở cảng Marina di Carrara của vùng Tuscan để được tân trang. Con tàu dài 140 m, trị giá 690 triệu USD thuộc về một công ty đăng ký tại quần đảo Cayman. Tuy nhiên, cảnh sát tài chính Italy cho rằng chủ sở hữu thực tế là cựu chủ tịch tập đoàn dầu khí Nga Rosneft Eduard Khudainatov.

Dù tàu đã bị tịch thu, công ty ở Cayman vẫn đang trả phí tân trang. Tuy nhiên, chưa biết điều gì sẽ xảy ra với Scheherazade sau khi quá trình này hoàn thiện.

Sailing Yacht A, con tàu hơn 560 triệu USD với chi phí vận hành hơn một triệu USD mỗi tháng, cũng đang mắc kẹt ở Italy. Nó thuộc về tỷ phú phân bón và than đá Nga Andrey Melnichenko. Con tàu đã ở cảng Trieste từ tháng 3/2022, khi Melnichenko bị liệt vào danh sách trừng phạt của EU.

Giống nhiều nhà tài phiệt khác, Melnichenko hy vọng có thể lấy lại tài sản. Lo lắng du thuyền bị hư hại nghiêm trọng trong khi Italy tịch thu, Melnichenko đã đề nghị trả phí bảo trì.

Du thuyền Scheherazade ở Marina di Carrara, Italy hồi tháng 3. Ảnh: Reuters

Trong trường hợp của Alfa Nero, công ty Opus Private liên quan đến gia đình tài phiệt Nga Guryev nói họ muốn thanh toán chi phí bảo trì nhưng không thể làm được do rào cản tài chính từ lệnh trừng phạt của phương Tây.

Tình trạng của du thuyền đang xuống cấp, nó xả nước thải chưa qua xử lý vào bến cảng do hệ thống nước thải bị hỏng. Nó không được bảo hiểm khi các chứng nhận về phòng cháy và thiết bị an toàn khác hết hạn. Hầu hết thủy thủ đoàn, ban đầu gồm 37 người, đã rời đi vì không được trả lương. Nhóm 26 thủy thủ sau đó đệ đơn kiện lên chính phủ Antigua và Barbuda, yêu cầu chủ sở hữu du thuyền phải trả 2,2 triệu USD tiền lương.

Hồi tháng 2, những thủy thủ còn lại của tàu viết thư cho chính phủ Antigua và Barbuda, nói rằng “chúng tôi không thể tiếp tục công việc được nữa”. Giới chức cảng cảnh báo nếu các thủy thủ rời đi, sẽ không còn ai biết cách duy trì hoạt động của tàu hay di chuyển nó khi có bão. Nếu du thuyền bị lật, nó sẽ chặn cảng Falmouth, huyết mạch tài chính quan trọng của quốc đảo.

Do đó, chính phủ Antigua và Barbuda hồi đầu năm thông qua luật khẩn cấp để bán đấu giá con tàu. Họ gửi kiến nghị đến Bộ Tài chính Mỹ và được Washington chấp nhận vào tháng 6.

Tuy nhiên, công ty có liên hệ với con gái ông Guryev đã đệ đơn chặn thương vụ bán tàu cho cựu giám đốc điều hành Google Eric Schmidt, người thắng cuộc đấu giá với mức 67 triệu USD. Schmidt sau đó từ chối mua tàu, vì rắc rối pháp lý chưa được giải quyết.

Andrea Maccaferri, thuyền trưởng của Alfa Nero, nói ông không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Ông phải liên tục cập nhật thông tin dự báo thời tiết vì lo ngại bão đổ bộ có thể làm đắm tàu.

Nhân viên tại bến cảng Deidra Cochrane, 28 tuổi, cho biết Alfa Nero đã trở thành vấn đề mọi người đều bàn tán trên xe buýt khi cô đi làm. Người dân không tin rằng chính phủ có thể bán và nếu có, nó cũng mang lại rất ít lợi ích.

“Đúng là một con tàu gây nhiều phiền toái và tranh cãi”, cô nói.

Related Posts

Kinh Bắc News

Kinh Bắc Web Blog’s chuyên cập nhật chia sẻ thông tin kiến thức kinh nghiệm thiết kế và nhiều nội dung hấp dẫn. Theo dõi chúng tôi để cập nhật thêm nhiều kiến thức thông tin thú vị nhé. Website: kinhbacweb.com | tinhocbacninh.biz.vn | tinhdautamngoc.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *