Thành phố Bắc Ninh với Nghệ thuật kiến trúc- điêu khắc đường phố

Thanh Pho Bac Ninh Voi Nghe Thuat Kien Truc Dieu Khac Duong Pho 16623 2

Trên thế giới, hệ thống tượng đài, tranh tường,… và “điêu khắc đường phố” được gọi là không gian thẩm mỹ đô thị, gắn liền với thiết kế đô thị, được chú trọng thiết kế với nhiều quan điểm đa dạng và thủ pháp khác nhau, thể hiện trình độ sáng tạo, nét độc đáo và sức hấp dẫn của đô thị. Khái niệm này cũng có thể được hiểu là nghệ thuật công cộng hay “Nghệ thuật kiến trúc- điêu khắc đường phố” (NTKTĐKĐP).

Khi nghệ thuật kiến trúc đường phố phát triển nó sẽ tạo được ấn tượng tốt, thậm chí có tác dụng giáo dục xã hội và thẩm mỹ đô thị. Nhiều tác phẩm kiến trúc đường phố đã trở thành biểu trưng văn hóa, thể hiện được tinh thần nơi chốn, không chỉ là niềm tự hào của chính quyền và cư dân nơi đây, mà còn để lại ấn tượng sâu đậm cho du khách. Ở Việt Nam, lĩnh vực này gần đây đã được nhiều địa phương quan tâm. Để tạo dựng đô thị phát triển theo hướng “hiện đại, giàu bản sắc”, thậm chí để tạo được “Hồn phố”, để cộng đồng được hưởng thụ giá trị đích thực của nghệ thuật đường phố, cần chú trọng đến bộ môn ‘nghệ thuật kiến trúc- điêu khắc đường phố”.

Nghệ thuật công cộng này, trong thực tế vô cùng phong phú, bên cạnh những loại hình truyền thống và quen thuộc như điêu khắc, hội họa… còn có một số nghệ thuật tạo hình hiện đại như: nghệ thuật sắp đặt, trình diễn ánh sáng v.v…


Con đường của Tự do tại Vilnius, Lithuania

Nghệ thuật kiến trúc đường phố thường gắn với không gian công cộng. Do đó, đóng góp cho không gian đô thị rất lớn, ở nhiều vị trí như: quảng trường, hè phố, công viên, giải phân cách, các đảo tròn, nút giao, phố đi bộ…

Ở Bắc Ninh, đã có một số tác phẩm điêu khắc, phần lớn đều là tượng đài vinh danh vĩ nhân: Vua Lý Thái Tổ, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Quốc Việt …Một số công trình có điểm nhấn như: Đài tưởng niệm anh hùng liệt sỹ thành phố, biểu tượng trong công viên vườn hoa Chợ Nhớn, cột đồng hồ ở TP Bắc Ninh, trung tâm huyện Yên Phong, biểu tượng ở cầu vượt Bồ Sơn… Gần đây, 1 tác phẩm điêu khắc bằng đá gắn với quảng trường nhỏ ở đường Ngọc Hân Công chúa, có tính giáo dục về lịch sử văn hóa Kinh Bắc và gắn với cả một số tiện ích công cộng…

Ngoài những tác phẩm có giá trị, có những công trình vẫn để lại ý kiến trái chiều, phần lớn sự “kết duyên” giữa điêu khắc và kiến trúc để tạo ra tác phẩm đích thực góp phần đóng góp vào diện mạo đô thị, góp phần vào sự thưởng thức thẩm mỹ của công chúng còn chưa nhiều. Đôi khi có tác phẩm còn gây sự phản cảm, phản tác dụng, chi phí tốn kém và còn tạo ra những nốt nhạc buồn trong bức tranh đô thị. Nói một cách khác kiến trúc và điêu khắc là anh em sinh đôi, thiếu một trong hai thì yếu tố còn lại không còn chất “sinh đôi” nữa. Kiến trúc- điêu khắc đường phố sẽ thực sự đẹp, có giá trị thẩm mỹ tạo nên ấn tượng tốt, tạo nên “hồn phố” của đô thị khi sự kết duyên giữa kiến trúc và điêu khắc hòa quện tạo nên những không gian kiến trúc, có giá trị nghệ thuật cao.


Không gian khu quảng trường và bức phù điêu:”Theo dòng lịch sử Kinh Bắc” tại thành phố Bắc Ninh

Nhằm thu hút, động viên khuyến khích đông đảo các tác giả đầu tư trí tuệ, tài năng, ý tưởng, sáng tác các tác phẩm Nghệ thuật tạo hình trong không gian đô thị, ứng dụng vào việc triển khai các hoạt động xây dựng cảnh quan đô thị sinh thái, góp phần tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, những nét đặc sắc văn hóa của quê hương, đất nước trong quá trình xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh hiện, đầu năm 2021, Tỉnh đã phát động cuộc thi sáng tác “Phác thảo các tác phẩm nghệ thuật tạo hình trong không gian đô thị tỉnh Bắc Ninh”, trong đó cần có sự đóng góp của đội ngũ kiến trúc sư. Khi thực hiện thiết kế các không gian điểm nhấn đô thị, tùy từng vị trí mà chúng ta nghiên cứu các phương án phù hợp.

Trước hết, về mặt không gian, tác phầm NTKTĐKĐP phải góp phần định hướng không gian, tận dụng nét độc đáo về kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên, là điểm đến cho sự gặp gỡ, trao đổi, tương tác xã hội.

Phần lớn khái niệm chúng ta tiếp cận mới là tượng đài, còn “Điêu khắc đường phố” có thể là tượng, là biểu tượng, là tác phẩm nghệ thuật thì chưa chắc đã có “đài”, nhiều khi không có sự tách biệt, không có khoảng cách giữa điêu khắc đường – phố và không gian kiến trúc, không có khoảng cách giữa người dân với tác phẩm nghệ thuật. Tác phẩm điêu khắc ở đây không nhất thiết phải là tượng vĩ nhân, tiền bối, không nhất thiết là tưởng niệm chiến tranh, cũng không nhất thiết phải hoành tráng…


Công trình điêu khắc đường phố phải là một tác phẩm nghệ thuật, đơn giản đôi khi chỉ là một “thông điệp” với cuộc sống, kể về cuộc sống. Nó đa dạng về phong cách, đa dạng chủ đề, nhiều khi chỉ từ câu chuyện sinh hoạt đời thường; nơi đặt thì phong phú: có thể là trong vườn, trong công viên, là địa điểm nghỉ chân, là chỗ trẻ em vui chơi, hay trên các tuyến phố đi bộ… đôi khi còn mang tính hài hước, trào phúng hoặc một ý nghĩa nhất định với mục đích tạo cảm nhận, suy nghĩ cho người xem. Ở quảng trường thì cần thể hiện sự ấn tượng, hoành tráng, ý nghĩa; ở các tuyến phố đi bộ hay trên vỉa hè, công viên thì cần nhỏ nhắn, sinh động và chi tiết, còn ở các nút giao, cần những thể hiện mang tính khoáng đạt, đơn giản, thanh thoát và phải đảm bảo yếu tố an toàn giao thông…

Về vật liệu đa dạng: kim loại, đá, gốm, vật liệu mới, nhiều khi dùng cả những vật liệu tái tạo để tạo hình, nâng giá trị “thông điệp” truyền tải đến thị giác người xem, với ý nghĩa tôn trọng giá trị cuộc sống, tạo ý thức bảo vệ môi trường sống gắn với tình yêu thiên nhiên…

Về mặt kinh tế: Tác phẩm NTKTĐKĐP thành công sẽ góp phần quảng bá hình ảnh của Bắc Ninh, tạo nên sức hút, và lợi ích từ du lịch và đầu tư trong nước và nước ngoài…

Có thể thấy, nghệ thuật kiến trúc- điêu khắc đường phố, nếu làm tốt ta có thể làm nên “thương hiệu” của thành phố, góp phần vào tạo sức sống cho một đô thị. Chúng ta cần có một quy hoạch tổng thể phát triển “điêu khắc đường phố” tạo “thương hiệu” cho thành phố, cũng là để các kiến trúc sư, các nhà điêu khắc, họa sỹ … thể hiện tài năng, tình cảm của mình, tạo ra những tác phẩm phù hợp với nhịp sống hiện đại mà vẫn thể hiện được nét đẹp, phong tục tập quán của con người xứ Kinh Bắc, coi đây là một thông điệp để nói về quê hương Bắc Ninh. về kiến trúc – điêu khắc gắn liền với vùng quê ngàn năm văn hiến.

ThS. KTS. Đỗ Xuân Thủy – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển KTXH tỉnh Bắc Ninh
Mục nhập này đã được đăng trong News. Đánh dấu trang permalink.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *