Biển quảng cáo 3D đang trở nên phổ biến trên khắp thế giới trong những năm vừa qua, bất chấp những khó khăn như hạn chế về không gian và tốn kém chi phí.
Hai năm trước, cư dân Tokyo được dịp xôn xao với biển quảng cáo một con mèo 3D khổng lồ tại một trong những ga xe lửa lớn nhất thành phố. “Con mèo” này có thể kêu meo meo, chớp mắt, liếm chân, v.v.. Biển quảng cáo khiến người đi đường thi nhau chụp hình và gây nên cơn sốt đối với công chúng và các phương tiện truyền thông toàn cầu.
Kể từ sau mèo 3D, các thương hiệu từ Louis Vuitton đến Pokemon Go đều bắt đầu loại hình quảng cáo này ở địa điểm tương tự.
Bất chấp những hạn chế về không gian và chi phí không hề rẻ, biển quảng cáo 3D vẫn có sức hút rất lớn trên toàn thế giới trong vài năm vừa qua. Người trong ngành quảng cáo ngoài trời (OOH) cho biết ngày càng nhiều thương hiệu mong muốn tiến hành loại hình quảng cáo này.
Chẳng hạn theo Kesion, một đơn vị chuyên hợp tác với những hãng xe sang và các thương hiệu thời trang, 10% khách hàng của họ yêu cầu lắp đặt biển quảng cáo 3D.
Clear Channel Outdoor, đơn vị từng dựng biển quảng cáo 3D cho Netflix, Balenciaga và Paramount, cũng đồng tình với xu hướng này. Chủ tịch Josh Scharfberg của Clear Channel Outdoor cho biết trong vòng 12 đến 18 tháng vừa qua, mối quan tâm dành cho các biển quảng cáo 3D biến đổi hình dạng ngày càng tăng ở mọi lĩnh vực, từ giải trí, thời trang cao cấp cho đến xe hơi.
Trong dự báo chi tiêu quảng cáo gần đây nhất, Dentsu dự kiến ngân sách cho quảng cáo OOH sẽ tăng gần 7% trong năm nay, một phần là dành cho các dự án biển quảng cáo 3D và holographic.
Mặc dù các thương hiệu và giới tiếp thị quan tâm đến loại hình này, nhưng biển quảng cáo 3D vẫn có những hạn chế nhất định, tùy thuộc vào mục tiêu của thương hiệu.
Đầu tiên là biển quảng cáo 3D thường chỉ có ở những thành phố lớn như New York hay London. Số lượng biển quảng cáo đúng chất 3D cũng rất ít. Mặc dù nội dung 3D vẫn có thể được phát trên màn hình phẳng, nhưng các thương hiệu thường muốn màn hình cong, hoặc màn hình “dạng hộp”, bởi vì như vậy hình ảnh mới “nổi lên”, mới đúng chất 3D nhất.
Thứ hai là mức giá. Biển quảng cáo 3D chắc chắn mắc hơn biển truyền thống. Giá cả có thể tăng thêm nhiều tùy thuộc vào các yếu tố như độ phức tạp hoặc vị trí đặt biển. Mặc dù làm chiến dịch marketing – truyền thông thì phải chấp nhận bỏ ra ngân sách, nhưng con số dành cho biển quảng cáo 3D vẫn có thể khiến các thương hiệu chùn chân.
Thế nhưng số tiền này bỏ ra sẽ đem về kết quả xứng đáng, vì biển quảng cáo 3D có thể tạo nên những cơn sốt rất lớn trên mạng xã hội. Bản thân nội dung 3D đã là một công cụ marketing rồi, vì mọi người rất thích chia sẻ chúng qua các trang mạng xã hội. Đó chính là một trong những lý do thôi thúc các thương hiệu bỏ tiền đầu tư biển quảng cáo 3D.
Đó không chỉ là lý thuyết suông mà đã được chứng minh qua những ví dụ cụ thể.
Chẳng hạn đầu năm nay, Nike cho dựng một biển quảng cáo 3D ở Hàng Châu, Trung Quốc nhằm kỷ niệm Ngày Air Max. Một video về biển quảng cáo này đã nhận về hơn 50,000 lượt xem trên TikTok.
Hoặc mùa thu năm ngoái, BMW cũng trình làng biển quảng cáo 3D ở Quảng trường Thời đại để quảng cáo dòng xe XM SUV của mình. Đoạn phim YouTube về tấm biển ghi nhận hơn 1,3 triệu lượt xem.
Với thời đại mà mạng xã hội vẫn đang thống trị truyền thông – marketing như hiện nay, thì những con số như vậy cũng đủ khiến các thương hiệu hào hứng, vì kết quả về lâu về dài mà họ nhắm đến đối với những biển quảng cáo 3D chính là tiềm năng tiếp cận trên mạng xã hội.