Lợi nhuận Kinh Bắc lao dốc: Cty đại gia Đặng Thành Tâm ôm dự án nào?

Lợi nhuận lao dốc

Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc(KBC) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 cho thấy đại gia bất động sản này đã trải qua năm kinh tế 2020 lao dốc.

Tính riêng quý IV/2020, doanh nghiệp của đại gia Đặng Thành Tâm ghi nhận gần 1.225 tỷ đồng doanh thu, tăng 69% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn tăng đột biến gần 10 lần (hơn 1.000 tỷ) đã kéo biên lãi gộp của doanh nghiệp lao dốc từ 85% xuống chỉ còn 15%, mang về 187 tỷ đồng trong quý và giảm gần 70%.

Nguyên nhân chính khiến giá vốn hàng bán tăng mạnh trong quý là KBC phải ghi nhận giá vốn từ hoạt động cho thuê đất và chuyển nhượng bất động sản vào quý IV/2020 trong khi kỳ tài chính quý IV/2019 không phải nhận.

 

Lợi nhuận Kinh Bắc lao dốc.© Kiến ThứcLợi nhuận Kinh Bắc lao dốc.

 

3 tháng cuối năm, hầu hết chi phí hoạt động của Kinh Bắc đều tăng với chi phí tài chính tăng 26%, chi phí bán hàng tăng 65%, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hơn 100%. Số chi phí đó đã bào mòn lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Kinh Bắc phải nhờ đến doanh thu hoạt động tài chính tăng hơn 10 lần (đạt 288 tỷ) nên lợi nhuận trước thuế mới ghi nhận mức lãi dương 266 tỷ đồng. Thế nhưng, số thu này vẫn thấp hơn gần một nửa so với cùng kỳ.

Lợi nhuận sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp của Kinh Bắc trong kỳ vừa qua là hơn 200 tỷ, cũng giảm gần 50%.

Lũy kế cả năm 2020,Kinh Bắc ghi nhận doanh thu sụt giảm 33%, đạt 2.154 tỷ đồng. Trong đó, thu từ cho thuê đất và chuyển nhượng bất động sản chiếm 81%; thu cho thuê kho, nhà xưởng và văn phòng chiếm 6% và không ghi nhận doanh thu bán nhà xưởng (năm trước đạt 100 tỷ).

Trong khi đó, đà giảm của giá vốn thấp hơn nhiều so với doanh thu khiến lãi gộp của Kinh Bắc giảm gần 3 lần, đạt 659 tỷ.

Kinh Bắc ôm những dự án nào?

Theo tìm hiểu của PV, ngày 27/3/2002, Công ty CP Phát triển Đô thị Kinh Bắc được thành lập. Công ty chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4/2003. Công ty là thành viên của Tập đoàn Saigon Invest (SGI), Tập đoàn đầu tư tài chính, bất động sản, chuyên nghiệp về xây dựng, kinh doanh và quản lý các khu đô thị, khu công nghiệp tại Việt Nam.

Tháng 12/2007, 88 triệu cổ phiếu KBC của Công ty chính thức giao dịch lần đầu tại Trung tâm GDCK Hà Nội. Ngày 26/5/2009, Công ty CP Phát triển Đô thị Kinh Bắc chính thức đổi tên thành Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc. Đây là Công ty do ông Đặng Thành Tâm làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.

KBC có khá nhiều Công ty con, đều hoạt động liên quan đến bất động sản, chủ yếu là các chủ đầu tư khu công nghiệp. Hơn 90% khách hàng của các khu công nghiệp là các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông… Mỗi khu công nghiệp đều có những Tập đoàn lớn như Canon, Foxconn, LG, JA Solar, Luxshare – ICT, Goertek, Fuyu, Jufeng… đầu tư với quy mô lớn.

 

Kinh Bắc là chủ đầu tư Khu công nghiệp Tràng Duệ. (Ảnh: LG Display).© LG DisplayKinh Bắc là chủ đầu tư Khu công nghiệp Tràng Duệ. (Ảnh: LG Display).

 

KBC là chủ đầu tư khu công nghiệp Tràng Duệ (Hải Phòng), chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới Phúc Ninh (địa điểm thực hiện tại các phường Đại Phúc, Vũ Ninh và Thị Cầu, TP.Bắc Ninh).

Tổng diện tích thực hiện dự án Phúc Ninh là 146,2 ha, tổng mức đầu tư ước tính hơn 4.245 tỷ đồng.

Năm 2021, Kinh Bắc sẽ có thêm quỹ đất 300 ha từ khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh. Dự án này đang chờ cấp giấy phép đầu tư điều chỉnh. Một nhà sản xuất điện thoại đến từ Đài Loan đã có thỏa thuận thuê 60 ha làm nhà máy tại khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh.

Trước đó, năm 2020 liên danh Công ty cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn – Công ty cổ phần Xây dựng Sài Gòn – Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (Saigontel – SCC – KBC) được UBND tỉnh Vũng Tàu phê duyệt thực hiện Dự án Khu đô thị mới Nam Vũng Tàu.

Dự án Khu đô thị mới Nam Vũng Tàu trước đây có tên là Khu đô thị mới Dầu khí Vũng Tàu, từng được giao cho Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng và đô thị dầu khí (Petroland) đầu tư. Dự án dự kiến khởi công năm 2010 nhưng đến tận năm 2019 vẫn đắp chiếu. Cuối năm 2019, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã thu hồi dự án. Sang đầu năm 2020, tỉnh đã công bố tìm nhà đầu tư mới cho dự án này.

Dự án này có diện tích 69,46ha, tổng mức đầu tư dự kiến 4.620 tỷ đồng. Dự án sẽ được thực hiện tại phường 10 và phường 11, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

 

Phối cảnh dự án bông lúa 100 tầng.© Kiến ThứcPhối cảnh dự án bông lúa 100 tầng.

 

Ngoài ra, KBC của ông Đặng Thành Tâm đã thông qua việc mua lại dự án bông lúa 100 tầng trên đất vàng (Diamond Rice Flower ) từ Tân Hoàng Minh. Đây là dự án KBC phải bán đi trước đó để ghi nhận một khoản thu nhập bất thường nhằm thoát lỗ, sau đó KBC phải chi ra 1.855 tỷ đồng, tức chênh 355 tỷ đồng, để dự án hồi cố chủ cũ…

Mục nhập này đã được đăng trong News. Đánh dấu trang permalink.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *