Ngân hàng TCMP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) vừa có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước, Bộ GTVT để kiến nghị các giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại trạm thu phí Dự án BOT đầu tư cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 38 đoạn nối Quốc lộ 1 với Quốc lộ 5 qua địa phận tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương.
Thông tin đáng chú ý nhất trong văn bản này là việc SHB trong vai trò là nhà tài trợ vốn của Dự án kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tổng hợp báo cáo Bộ GTVT để bổ sung Dự án BOT đầu tư cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 38 đoạn nối Quốc lộ 1 với Quốc lộ 5 qua địa phận tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương vào danh mục các dự án trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép chấm dứt hợp đồng dự án trước thời hạn.
Nhà tài trợ này còn đề nghị Chính phủ xem xét bố trí vốn ngân sách nhà nước trả phần nghĩa vụ nợ tạm tính đến ngày 30/9/2022 là 1.546,835 tỷ đồng để thanh toán cho nhà đầu tư/doanh nghiệp và đơn vị tài trợ vốn.
Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 38 đoạn nối Quốc lộ 1 với Quốc lộ 5 qua địa phận Bắc Ninh và Hải Dương được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT vào tháng 5/2014. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án đầu và ký kết hợp đồng với nhà đầu tư (Liên danh Công ty cổ phần Xây dựng số 2, Công ty cổ phần Đầu tư Khai thác Cảng, Công ty cổ phần Licogi16) để triển khai dự án.
Theo hợp đồng dự án đã ký, nhà đầu tư có trách nhiệm huy động khoảng 1.679,846 tỷ đồng đầu tư nâng cấp cải tạo Quốc lộ 38 nối Quốc lộ 1 và Quốc lộ 5, đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương với tổng chiều dài 32,80km. Dự án khởi công xây dựng tháng từ năm 2014 đến tháng 11/2017, hoàn thành đưa vào khai thác tháng 4/2018, thời gian thu hồi vốn khoảng 19 năm 1 tháng.
Sau hơn 4 năm thu phí, doanh thu thu phí tại Dự án chỉ đạt 30%-40% so với doanh thu theo phương án tài chính; nguồn thu quá thấp nên không đủ bù đắp chi phí quản lý vận hành và bảo trì dự án, chi phí lãi vay trả ngân hàng. Việc càng kéo dài thời gian thu phí thì phương án tài chính Dự án càng kém hiệu quả, do nguồn thu không đủ bù chi phí, trả lãi vay ngân hàng nên chi phí vốn ngày càng tăng cao.
Theo đại diện SHB, doanh thu thu phí Dự án không đạt như dự kiến do số lượng lớn các xe tránh trạm thu phí đã đi vào Tỉnh lộ 276 qua đoạn đê sông Đuống thuộc địa phận 2 thôn Chi Trung và Chi Hồ huyện Tiên Du; việc miễn giảm vé cho phương tiện tại các vùng lân cận.
Bên cạnh đó, giá vé hiện tại đang giữ nguyên, chưa thực hiện tăng giá vé dù Hợp đồng BOT quy định định kỳ 3 năm căn cứ chỉ số giá cả điều chỉnh tăng 1 lần ( với mức 18%)…
Ngoài ra, chính sách của Nhà nước về quy hoạch địa bàn tỉnh Bắc Ninh, việc phê duyệt xây dựng các tuyến tránh hoặc trường hợp ưu tiên phát triển các phương tiện thay thế ngoài phương tiện đường bộ cũng ảnh hưởng tới nguồn thu của dự án.
Theo Sở GTVT tỉnh Bắc Ninh, việc tuyến đường cầu Phật Tích – Đại Đồng Thành hoàn thành vào cuối năm 2022 và chạy song song với đường BOT 38 sẽ tiếp tục làm thất thoát một lượng xe khá lớn cho Dự án.
“Việc sụt giảm doanh thu, gây phá vỡ phương án tài chính chủ yếu do nguyên nhân bổ sung quy hoạch và phát sinh các tuyến đường của địa phương đến phân chia lưu lượng, sụt giảm doanh thu thu phí. Đây là nội dung các bên chưa thể lường trước khi nghiên cứu dự báo, tính toán phương án đầu tư cũng như khi ký kết hợp đồng dự án”, đại diện SHB nhấn mạnh.
Do Hợp đồng dự án BOT được ký kết căn cứ quy định tại Bộ luật Dân sự. Theo quy định tại Điều 420 của Bộ luật Dân sự 2015, trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý, theo nguyên tắc cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản.
Căn cứ lý do nói trên ngân hàng cung cấp tín dụng đề xuất làm việc cùng Bộ GTVT, nhà đầu tư để kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và bố trí vốn ngân sách để thanh toán cho nhà đầu tư.
(Theo ĐTO: Nhiều xe né Trạm thu phí BOT 38 khiến phương án tài chính của dự án không được đảm bảo.)