au 9 năm kể từ khi 16 xã của huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) được Thủ tướng Chính phủ công nhận An toàn khu (ATK) II, kinh tế-xã hội (KT-XH) ở những vùng quê này đã có sự chuyển mình, bứt phá mạnh mẽ.
Đường làng thênh thang
Những ngày đầu năm mới 2021, chúng tôi về xã Hoàng Vân – vùng quê cách mạng – nơi ghi dấu nhiều mốc son chói lọi thời kỳ kháng chiến chống Pháp của huyện Hiệp Hòa. Khắp các thôn, xóm, nhiều ngôi nhà cao tầng kiểu dáng biệt thự mọc lên. Những con đường bê tông thênh thang rộng mở cùng hệ thống đèn chiếu sáng hai bên chẳng khác nơi phố thị.
Tuyến đường Mai Trung-Xuân Cẩm được hoàn thành năm 2020 kết nối giao thông giữa các xã vùng ATK II. |
Bí thư Đảng ủy xã Chu Văn Bắc – người từng nhiều năm công tác tại xã nhớ lại: Năm 2012, thời điểm xã được công nhận là ATK II, khi ấy cơ sở hạ tầng của xã còn khó khăn, thiếu thốn. Đường làng nhỏ hẹp, hai xe ô tô con đi không vừa, tỷ lệ kiên cố hóa đường giao thông nông thôn chỉ chiếm 35%, hầu hết kênh mương nội đồng chưa được cứng hóa, không có hệ thống đèn đường chiếu sáng… Hơn nữa, xã nằm ở vị trí không thuận lợi về giao thông (không có tuyến quốc lộ chạy qua) nhân dân chủ yếu làm nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao.
Từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho các xã vùng ATK II theo chương trình 135 của Chính phủ cũng như huy động nội lực trong nhân dân, sau 9 năm, KT-XH của xã Hoàng Vân đã có sự thay đổi mạnh mẽ. Kết cấu hạ tầng (điện, đường, trường, trạm) được đầu tư xây dựng khang trang. Tỷ lệ đường giao thông bê tông của xã đạt hơn 90%; 70% số hộ có nhà cao tầng; 6/6 thôn có nhà văn hóa đạt chuẩn. Phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT sôi nổi. Tháng 10/2019, xã Hoàng Vân về đích nông thôn mới (NTM), sớm hơn một năm so với kế hoạch. Ông Chu Quang Am (90 tuổi), đảng viên 55 năm tuổi đảng, thôn Vân Xuyên, xã Hoàng Vân nói: “9 năm qua quê hương thay đổi nhiều, trường học, đường sá, nhà cửa đều được xây dựng khang trang. Kinh tế các gia đình ngày càng khá giả, chúng tôi rất phấn khởi”.
Chia sẻ về cách làm của địa phương để đạt được kết quả đó, Bí thư Đảng ủy xã Chu Văn Bắc cho biết: Các nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động của xã đều được bàn bạc, thảo luận dân chủ, kỹ lưỡng, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Quá trình triển khai, Đảng ủy, UBND xã rà soát, ưu tiên những tiêu chí chưa đạt để tập trung chỉ đạo giải quyết với phương châm “Khó đâu gỡ đó”. Khi nhân rộng các điển hình, phong trào trong xây dựng NTM, xã chọn thôn làm tốt tiến hành trước để các thôn khác thực hiện theo.
Không chỉ Hoàng Vân, thời điểm năm 2012, tại các xã vùng ATK II Hiệp Hòa, hệ thống giao thông chưa được đầu tư; sản xuất manh mún; giao thương hạn chế; công nghiệp chưa phát triển. Từ năm 2015 đến nay, KT-XH ở những vùng quê này đã có bước phát triển mạnh mẽ.
Điểm nhấn nổi bật của các xã ATK II đó là việc xây dựng cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng giao thông. Giai đoạn 2015-2020, tổng mức đầu tư các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước cho 16 xã hơn 400 tỷ đồng để kiên cố hóa trường, lớp học; đường liên xã, liên thôn. 100% các tuyến đường trục chính, như đường tỉnh 298 nối từ thị trấn Thắng đi qua các xã Thái Sơn, Hoàng Vân, Hoàng An hay tuyến đường trục các xã Hoàng Lương, Thanh Vân, Đồng Tân đã được đầu tư nâng cấp mở rộng; các đường thôn, xóm được bê tông hóa gần 100%. Hiện nay, 15/16 xã vùng ATK II Hiệp Hòa đã về đích NTM, riêng xã Mai Đình phấn đấu đạt chuẩn trong năm nay. Năm 2021, huyện dành kinh phí hơn 100 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất để xã Mai Đình về đích NTM đúng kế hoạch.
Thu hút nhà đầu tư
Cùng với xây dựng đường giao thông, trường, lớp học, công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư đang có sự bứt phá mạnh mẽ. Những miền quê thuần nông ở Hiệp Hòa giờ đây đã hình thành nhiều khu, cụm công nghiệp, trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư. Ví như khu vực xã Thanh Vân và Hoàng An đã được định hướng quy hoạch thành lập khu công nghiệp với diện tích khoảng 200 ha. Khu công nghiệp Hòa Phú quy hoạch giai đoạn 1 hơn 207 ha, giải phóng mặt bằng được 160 ha, có 14 nhà đầu tư thứ cấp đã vào đầu tư.
Một góc Khu công nghiệp Hòa Phú (Hiệp Hòa). |
Cụm công nghiệp Hợp Thịnh với diện tích khoảng 70 ha, hiện đã giải phóng mặt bằng được 30 ha ở giai đoạn 2 với 100% vốn doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Giai đoạn 2015-2020, toàn huyện Hiệp Hòa thu hút hơn 90 doanh nghiệp với tổng vốn đầu tư gần 4.200 tỷ đồng, trong đó phần lớn các dự án tập trung ở các xã vùng ATK II.
Trong kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm và chương trình hành động thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020-2025, huyện ưu tiên phát triển công nghiệp, dịch vụ; lấy công nghiệp là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Quan tâm đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại. Đầu tư xây dựng hoàn thiện giao thông đường bộ, đường thủy, các cây cầu vượt sông Cầu kết nối huyện Hiệp Hòa với Bắc Ninh, Hà Nội, Thái Nguyên; thu hút đầu tư xây dựng một số cảng sông phục vụ vận chuyển hàng hóa của các khu, cụm công nghiệp.
Tập trung quyết liệt giải phóng mặt bằng cho các khu, cụm công nghiệp. Huyện đặt ra mục tiêu cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp-xây dựng chiếm hơn 65%, dịch vụ hơn 25%; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 95%. Trong năm 2024 sẽ thành lập thị trấn Bách Nhẫn trên cơ sở sáp nhập xã Hùng Sơn và Thái Sơn. Năm 2025, huyện phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại IV.
Ông Nguyễn Văn Khanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa cho biết: Để có được kết quả trên, huyện đã lựa chọn nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong từng thời điểm, giai đoạn để tập trung cao lãnh đạo, chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực để tổ chức thực hiện. Xác định thế mạnh ở mỗi địa phương từ đó có định hướng, quy hoạch để tập trung chỉ đạo. Quy hoạch giai đoạn sau có sự kế thừa, phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế của giai đoạn trước. Đặc biệt, quá trình tổ chức thực hiện có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp; phát huy dân chủ; đề cao trách nhiệm người đứng đầu.
Vui mừng về sự đổi thay của vùng quê cách mạng, thật vinh dự và tự hào hơn khi mới đây, Thủ tướng Chính phủ công nhận di tích ATK II Hiệp Hòa là Di tích quốc gia đặc biệt với 8 điểm di tích thuộc địa bàn xã Hoàng Vân, Hòa Sơn, Hoàng An, Xuân Cẩm.
Mùa xuân mới đã về mang theo bao niềm tin và khát vọng. Với sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự chung sức đồng lòng của mỗi người dân, bức tranh KT-XH các xã vùng ATK II Hiệp Hòa sẽ tiếp tục khởi sắc, tạo nền tảng vững chắc thúc đẩy KT-XH của huyện ngày một phát triển.