Tổng thống Belarus Lukashenko cho rằng Ukraine có thể chấm dứt chiến sự bằng cách đàm phán với Nga, nhượng bộ lãnh thổ để tránh nguy cơ chiến tranh hạt nhân.
“Chúng ta phải dừng lại, đạt được thỏa thuận, chấm dứt tình trạng lộn xộn và chiến sự ở Ukraine”, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko trả lời phỏng vấn tại thủ đô Minsk của nước này hôm nay. “Hãy dừng lại và chúng ta sẽ tìm ra cách tiếp tục tồn tại. Không cần phải đi xa hơn, xa hơn sẽ là vực thẳm của chiến tranh hạt nhân. Không cần phải đi đến bước đó”.
Ông Lukashenko đồng thời cáo buộc phương Tây tìm kiếm xung đột với Nga và kích động xung đột Ukraine.
“Các ngài đã thúc đẩy chiến sự và đang khiến xung đột tiếp diễn. Chúng tôi biết những lý do của cuộc chiến này”, Tổng thống Belarus nói. “Nếu Nga không hành động trước các ngài, những thành viên NATO, thì các ngài đã giáng đòn vào họ”.
Theo Tổng thống Belarus, chính phủ Ukraine có thể chấm dứt chiến sự nếu họ bắt đầu lại đàm phán với Nga và chấp nhận yêu cầu của Moskva.
“Mọi thứ phụ thuộc vào Ukraine”, ông nói. “Hiện tại, điểm đặc biệt của thời điểm này là cuộc chiến có thể kết thúc với những điều kiện dễ chấp nhận hơn đối với Ukraine”.
Ông kêu gọi chính phủ Ukraine “ngồi xuống bàn đàm phán và đồng ý không bao giờ đe dọa Nga”, chấp nhận mất các vùng bị Nga kiểm soát ở miền đông và miền nam Ukraine. “Hồi tháng 2 hoặc tháng 3 điểm này có thể còn cần thảo luận, nhưng giờ thì không”, ông nhấn mạnh.
Các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine đã dừng từ giữa tháng 4. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 20/7 nói rằng các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine “là vô ích” và tuyên bố mục tiêu quân sự của Moskva tại nước láng giềng không còn chỉ tập trung ở miền đông mà mở rộng ra miền nam và các khu vực khác.
Ông Lukashenko nhấn mạnh lẽ ra có thể tránh được xung đột nếu các nước phương Tây trao cho Tổng thống Nga Vladimir Putin “đảm bảo an ninh” mà ông muốn. “Chính NATO và người Mỹ muốn giao tranh xảy ra”, ông cho hay.
Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm “phi quân sự hóa và phi phát xít hóa” Ukraine hôm 24/2. Belarus, đồng minh của Nga, đóng vai trò là nơi tập kết lực lượng của Moskva trong chiến dịch quân sự này.
Tuy nhiên, ông Lukashenko cho đến nay vẫn tránh đưa Belarus trở thành một bên trong xung đột, nhiều khả năng do hầu hết người dân Belarus không ủng hộ điều quân vào Ukraine.