Chính phủ Mỹ đã tăng cường tài trợ cho 3 hãng công nghệ kể từ khi cuộc chiến diễn ra ở Ukraine để giúp người Nga vượt qua kiểm duyệt và tiếp cận các phương tiện truyền thông phương Tây, theo 5 nguồn tin của Reuters.
Nỗ lực tài trợ tập trung vào ba công ty xây dựng mạng riêng ảo (VPN) là nthLink, Psiphon và Lantern, được thiết kế để hỗ trợ cho người dùng Nga của ba hãng này, các nguồn tin cho biết.
VPN giúp người dùng ẩn danh tính và thay đổi vị trí trực tuyến, thường là để vượt qua các hạn chế địa lý với nội dung hoặc để tránh công nghệ kiểm duyệt của chính phủ.
Reuters đã nói chuyện với các lãnh đạo tại cả ba công ty xây dựng VPN do chính phủ Mỹ hậu thuẫn và hai quan chức tại Quỹ Công nghệ Mở (OTF) – tổ chức phi lợi nhuận do chính quyền Biden tài trợ đã cung cấp tài chính cho họ.
OTF (có trụ sở ở Washington) cho biết các ứng dụng VPN đã có sự phát triển đáng kể ở Nga kể từ khi nước này bắt đầu tấn công Ukraine vào ngày 24.2.
Từ năm 2015 đến 2021, nthLink, Psiphon và Lantern đã nhận được ít nhất 4,8 triệu USD tài trợ, theo các tài liệu tài trợ công khai mà Reuters thu thập được. Kể từ tháng 2.2022, tổng kinh phí được phân bổ cho ba công ty này đã tăng gần 1/2 để đối phó với sự gia tăng nhu cầu ở Nga, 5 người quen thuộc với vấn đề này nói với Reuters.
Nguồn vốn chảy qua Cơ quan Truyền thông Toàn cầu Mỹ (USAGM) – cơ quan liên bang giám sát các đài truyền hình được chính phủ Mỹ hậu thuẫn, cũng như qua OTF, được tài trợ hoàn toàn bởi chính phủ Mỹ và USAGM giám sát.
Laura Cunningham, Chủ tịch OTF, nói tổ chức này tăng cường hỗ trợ ba công ty VPN vì “muốn công dân Nga có thể nhìn thấy những gì đã bị kiểm duyệt”.
Laura Cunningham cho biết thêm, các công cụ vượt kiểm duyệt, bao gồm cả VPN, do OTF hậu thuẫn đã thu hút hơn 4 triệu người dùng vào tháng trước.
Trong một tuyên bố, USAGM cũng nói họ đang hỗ trợ phát triển hàng loạt công cụ vượt kiểm duyệt, bao gồm cả VPN. USAGM không cung cấp dữ liệu chính xác về nguồn vốn của họ.
Người phát ngôn USAGM – Laurie Moy cho hay: “Chúng tôi đã thấy nhu cầu về những công cụ này của người Nga tăng đột biến”.
Bộ Ngoại giao Nga đã không trả lời câu hỏi về vấn đề trên. Trong một tuyên bố, Điện Kremlin bác bỏ cáo buộc kiểm duyệt trực tuyến: “Chúng tôi không kiểm duyệt internet. Nga quản lý một số tài nguyên web nhất định, giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới“.
Martin Zhu, Giám đốc kỹ thuật nthLink, cho biết lượng người dùng hàng ngày của ứng dụng này ở Nga gần đây đã tăng vọt sau khi được quảng cáo rầm rộ bởi các trang web tin tức Mỹ như Voice of America: “Biểu đồ đã tăng từ 1.000 một ngày lên 10.000 vào ngày hôm sau, lên 30.000 ngày tiếp theo, lên 50.000 và tiếp tục tăng thẳng đứng“.
Chia sẻ dữ liệu bí mật với Reuters minh họa cho sự gia tăng đột biến về lượng người dùng này, Martin Zhucho biết công ty của ông thường sẽ phải vật lộn để hoạt động bên trong nước Nga nếu không có sự hỗ trợ tài chính từ chính phủ Mỹ.
Nigel Gibbs, nhân viên phụ trách vấn đề công cộng của Voice of America, nói rằng họ thường xuyên quảng bá 3 VPN trên mạng của mình và đã tích hợp Psiphon trực tiếp vào ứng dụng di động Voice of America.
Một lãnh đạo Lantern, yêu cầu giấu tên vì lo ngại về bảo mật, nói họ đã có thêm 1,5 triệu người dùng hàng tháng ở Nga kể từ khi cuộc chiến với Ukraine bắt đầu, từ cơ sở trước đó là khoảng 5 triệu người dùng hàng tháng toàn cầu, nhờ quảng cáo trên các phương tiện truyền thông Mỹ và cả truyền miệng trên Telegram, ứng dụng nhắn tin phổ biến ở Nga.
Việc mở nthLink ở Nga dẫn người dùng đến một loạt các tiêu đề tin tức gần đây trên các trang web tin tức Mỹ, bao gồm các cả thông tin cập nhật về cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Rất lâu trước khi Nga tiến hành cái mà nước này gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, chính quyền nước này đã chỉ định một số hãng truyền thông và nhà báo quốc tế là “điệp viên nước ngoài”.
Vào tháng 3.2022, Quốc hội Nga đã thông qua đạo luật với quy định xử phạt tù tối đa 15 năm với người cố tình phát tán tin tức “giả” về quân đội Nga.
Nga cũng cắt quyền truy cập vào một số trang web truyền thông nước ngoài, bao gồm cả BBC và Voice of America, vào ngày 4.3 vì phát tán những gì họ cho là thông tin sai lệch về cuộc chiến ở Ukraine. Thời điểm đó, Voice of America và BBC đều bác bỏ mạnh mẽ tuyên bố này.
Từ năm 2017, Tổng thống Putin đã ký một đạo luật cấm sử dụng VPN. Năm 2019, Nga đe dọa sẽ chặn hoàn toàn quyền truy cập vào một loạt các VPN phổ biến. Mặc dù vậy, các ứng dụng này vẫn tiếp tục được sử dụng một cách lặng lẽ ở Nga.
“Nhu cầu dùng VPN đã tăng vọt hơn 2,088%”
Nhu cầu về VPN ở Nga đã tăng vọt vào tháng 3.2022 khi nước này đưa ra các hạn chế với một số phương tiện truyền thông xã hội nước ngoài, trong đó có Facebook và Instagram.
Theo dữ liệu từ công ty giám sát Top10VPN (có trụ sở tại London, Anh), trước khi lệnh cấm diễn ra, nhu cầu dùng VPN đã tăng vọt hơn 2,088% so với nhu cầu trung bình hàng ngày vào giữa tháng 2.2022.
Một cư dân của Oryol, thành phố cách Moscow 320 km về phía nam, cho biết: “Nhu cầu tìm kiếm VPN đã nảy sinh khii Instagram, Facebook, Twitter bị chặn”.
Cư dân này nói rằng có thể truy cập mạng xã hội ở thủ đô Moscow, nhưng khi quay trở lại Oryol thì chúng bị chặn. “Sau đó, tôi bắt gặp Psiphon và kỳ lạ là nó hoạt động ở cả Moscow và Oryol: không trục trặc; luôn kết nối“, anh thổ lộ.
Các nhà chức trách ở Moscow và Oryol đã không trả lời khi được đề nghị bình luận về vấn đề này.
Dù sự quan tâm đến VPN gần đây ở Nga đã giảm bớt phần nào, nhưng mức sử dụng hàng ngày vẫn tăng trung bình 452% so với tuần trước khi cuộc chiến nổ ra, theo Simon Migliano, Trưởng bộ phận Nghiên cứu tại Top10VPN.
Simon Migliano cho biết: “Chúng tôi ước tính thận trọng rằng ít nhất 6 triệu lần cài đặt các VPN đã được thực hiện kể từ khi cuộc chiến xảy ra”.
Dân số Nga vào khoảng 144 triệu người, với ước tính 85% có quyền truy cập internet, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới từ năm 2020.