Nghỉ việc về trồng dừa lấy mật, Một giảng viên mỗi năm thu hơn 10 tỷ đồng

Với việc trồng 2 ha dừa và thuê thêm vườn dừa của hàng xóm để “vắt mật”, mỗi tháng anh Ngãi xuất bán khoảng 8 tấn mật dừa, thu về gần một tỷ đồng.

Anh Phạm Đình Ngãi (ngụ thị trấn Tiểu Cần, huyện Tiểu Cần, Trà Vinh) hiện là chủ của một vườn dừa rộng 2 ha và một doanh nghiệp chế biến mật hoa dừa với công suất 8 tấn thành phẩm mỗi tháng.

Trao đổi với phóng viên, anh tự nhận là người đầu tiên trồng dừa lấy mật quy mô công nghiệp ở Việt Nam. Trong điều kiện hiện nay, anh cho biết thị trường về nguồn tiêu thụ sản phẩm rất rộng lớn, qua đó giúp doanh thu ngày càng tăng nhanh.

Hiện sản phẩm mật hoa dừa của anh Ngãi không chỉ phủ khắp nhiều tỉnh thành mà còn xuất khẩu đi Nhật Bản, châu Âu và sắp tới sẽ chinh phục thị trường Mỹ. Mỗi tháng doanh nghiệp của anh Ngãi thu về gần một tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 26 công nhân hầu hết là người Khmer trên địa bàn.

“Mình là thạc sĩ kỹ thuật điện, từng là giảng viên một trường cao đẳng trên TPHCM. Nhưng vốn xuất thân từ nông dân, mình luôn muốn tham gia ngành chế biến thực phẩm để nâng cao giá trị nông sản cho quê hương, nâng cao đời sống bà con.

Năm 2018, giá dừa Trà Vinh giảm xuống đáy, nhà nào may mắn thì bán được với giá 2.000 đồng/quả, hàng ngàn gia đình khác với vườn dừa bạt ngàn bán không ai mua. Thấy vậy mình mới nghĩ cần có hướng đi mới cho cây dừa”, anh Ngãi chia sẻ.

Khi nghiên cứu về cây dừa, anh Ngãi nhận thấy đồng bào Khmer Trà Vinh có sản phẩm mật hoa dừa rất độc đáo và giá trị. Tuy nhiên người dân chỉ tự “vắt mật” để dùng cho cuộc sống hàng ngày mà chưa ai mang ra trao đổi, mua bán hay chế biến thành các sản phẩm thứ cấp.

Giảng viên nghỉ việc về trồng dừa lấy mật, mỗi năm thu hơn 10 tỷ đồng - 1

Cách làm mới của anh Ngãi tạo công ăn việc làm cho hàng chục người dân Khmer vốn từng thất nghiệp (Ảnh: Nguyễn Cường).

Nhận thấy tiềm năng lớn, anh Ngãi đã cùng vợ và bạn bè hùn vốn lập doanh nghiệp trồng dừa và chế biến mật hoa dừa. Nguồn vốn có hạn, anh Ngãi chỉ mua được 2 ha đất để trồng dừa. Vì thị trường luôn hút hàng, anh đã thuê thêm 4 ha vườn dừa từ hơn 20 hộ dân xung quanh để đảm bảo vùng nguyên liệu.

“Cách lấy mật hoa dừa khá đơn giản, người thợ chỉ cần vỗ nhẹ chùm hoa để kích thích tuyến mật sau đó cắt ở cuối chùm cho mật chảy ra. Mật có chất lượng tốt nhất trong vòng 3 giờ đồng hồ sau khi cắt. Lúc này mật thơm, trong, ngọt và có thể uống ngay.

Mình gặp thuận lợi là người dân đều đã biết cách lấy mật hoa dừa nên không cần hướng dẫn nhiều. Thị trường gần như còn mới nguyên nên sản phẩm rất được săn đón, hiện mỗi tháng mình thu mua, chế biến khoảng 40 tấn mật thô, cho ra khoảng tấn thành phẩm”, cựu giảng viên cho biết.

Giảng viên nghỉ việc về trồng dừa lấy mật, mỗi năm thu hơn 10 tỷ đồng - 2

Trồng dừa lấy mật cho hiệu quả kinh tế gấp cả chục lần trồng lấy quả (Ảnh: Nguyễn Cường).

Những công nhân thu hoạch mật dừa cho anh Ngãi từng là nông dân nghèo, ít việc nên suốt ngày tụ tập, say xỉn. Bây giờ, họ chỉ thu mật ở những vườn dừa quanh nhà, mỗi ngày làm 8 tiếng, cuối tuần được nghỉ nhưng có thu nhập 7 triệu đồng mỗi tháng.

“Bây giờ không dám tụ tập ăn nhậu nữa vì nghỉ làm một ngày là mất hơn 200 nghìn đồng rồi. Đi làm vừa có tiền, vừa không tốn tiền nhậu nên vui lắm”, một công nhân người Khmer hơn 50 tuổi chia sẻ.

Nhờ việc cho anh Ngãi thuê vườn dừa, hàng chục hộ nông dân trong vùng cũng có được thu nhập khá. Anh Ngãi khẳng định những hộ dân cho anh thuê vườn dừa lấy mật đều có thu nhập cao gấp từ 4 đến 5 lần trước đây.

Giảng viên nghỉ việc về trồng dừa lấy mật, mỗi năm thu hơn 10 tỷ đồng - 3

Những người vốn từng thất nghiệp, suốt ngày ăn nhậu nay vui vẻ, chăm chỉ vì công việc có thu nhập tương đối cao (Ảnh: Nguyễn Cường).

Anh Sang Sara (ngụ xã Phú Cần, Tiểu Cần) cho biết gia đình có 3.000 m2 trồng dừa, trước đây bán quả được khoảng 1 triệu đồng mỗi tháng. Khoảng 3 năm nay, gia đình anh Sara cho anh Ngãi thuê vườn dừa và chịu trách nhiệm thu hoạch mật trong vườn.

“Giờ bán mật một tháng là bằng trước đây bán quả một năm rồi, gia đình cũng đỡ vất vả. Cây dừa không phải nuôi trái nên cũng khỏe mạnh hơn, đỡ công chăm sóc”, anh Sara nói.

Một cán bộ địa phương cho biết kể từ khi anh Ngãi trồng dừa lấy mật và liên kết bà con trong vùng thì nhiều người có thu nhập khá, đời sống bà con nâng lên và tệ nạn xã hội cũng giảm đi rất nhiều. Địa phương cũng khuyến khích và tạo điều kiện để anh Ngãi mở rộng quy mô sản xuất để có thêm nhiều người dân được hưởng lợi.

Giảng viên nghỉ việc về trồng dừa lấy mật, mỗi năm thu hơn 10 tỷ đồng - 4

Anh Ngãi rất vui vì mô hình kinh doanh của mình đưa lại thu nhập khá cho bà con (Ảnh; Nguyễn Cường).

Theo Dân trí

Mục nhập này đã được đăng trong News. Đánh dấu trang permalink.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *