Áp dụng giảm thuế VAT xuống 8% vẫn “rối như canh hẹ”

Áp dụng giảm thuế VAT xuống 8% vẫn “rối như canh hẹ”

Đã hơn 1 tháng áp dụng giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% nhưng đa số người dân và nhiều doanh nghiệp vẫn rất rối khi thực hiện thanh toán hóa đơn.

Ngày 28/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Theo Nghị định số 15, sẽ giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%).

Quy định này có hiệu lực từ ngày 1/2/2022, trùng với ngày Mùng 1 Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Tuy nhiên không phải tất cả các mặt hàng đang chịu thuế VAT 10% đều được đồng loạt giảm mà có nhiều mặt hàng vẫn giữ nguyên mức thuế suất 10%. Danh sách này được quy định chi tiết trong Phụ lục I và Phụ lục II đi kèm Nghị định số 15/2022/NĐ-CP.

Những mặt hàng không được giảm VAT xuống 8%

Đáng nói, quy định của Điều 4, Nghị định 15 nêu rõ, cơ sở kinh doanh phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng. Trường hợp cơ sở kinh doanh không lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng thì không được giảm thuế giá trị gia tăng.

Với quy định nêu trên, rất nhiều doanh nghiệp và người dân đến nay vẫn đang loay hoay xác định mặt hàng nào được giảm, mặt hàng nào không được giảm VAT.

“Gần 15 năm làm nghề, chưa bao giờ tôi gặp khó như khi áp dụng Nghị định 15. Trước đây thủ tục chứng từ rất nhanh gọn vì đều có VAT 10%. Nhưng bây giờ, phải tìm hiểu sản phẩm đó thuộc nhóm hàng gì, mã ngành đó có được giảm thuế hay không. Tôi thức cả mấy đêm liền để đọc và tra cứu nghị định; dò từng danh mục sản phẩm, làm lại bảng giá mới cho hàng trăm sản phẩm nhưng vẫn “rối như canh hẹ” nên rất stress”, kế toán trưởng một công ty chuyên cung cấp vật liệu xây dựng tại TP. HCM chia sẻ.

Tại Hà Nội, ngay khi Nghị định 15 có hiệu lực, các đơn vị kinh doanh đã nhanh chóng điều chỉnh kỹ thuật trên hệ thống đối với các mã hàng hóa được giảm thuế VAT để triển khai đồng bộ; nhiều siêu thị cũng áp dụng giảm thuế VAt các mặt hàng.

Ghi nhận tại nhiều điểm kinh doanh ở siêu thị Co.op Mart, Satra, Lotte, Go!, Big C… đều áp dụng giảm thuế VAT trên hàng chục ngàn sản phẩm như gồm thực phẩm khô, nước giải khát, sữa, bánh kẹo, thời trang, hàng gia dụng… và ghi rõ sản phẩm nào giảm 8%.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít người dân không thể xác định sản phẩm mua tại cửa hàng đã được giảm thuế hay chưa. Nhiều tiệm ăn, quán cà phê… cũng niêm yết chung chung “đã gồm VAT” thay vì thông tin cụ thể mức tăng giảm thuế ra sao.

vat.jpg

Một số hóa đơn cộng gộp VAT.

Bên cạnh đó, một số trường hợp dễ gây hiểu lầm trong vấn đề áp dụng thuế suất VAT đối với nguyên vật liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra tại các doanh nghiệp sản xuất.

Đơn cử, công ty kinh doanh dịch vụ photo đầu vào mực in chịu thuế suất VAT 10%, trong khi giấy thì 8% thì khi xuất hóa đơn có được giảm 2% VAT không? Hay bia rượu khi bán thương mại thì giữ nguyên 10% nhưng vẫn chai bia đó phục vụ khách trên bàn ăn thì lại thành dịch vụ ăn uống hưởng thuế suất 8%…

Không chỉ dừng lại ở đó, nhiều người không khỏi thắc mắc: “Theo quy định tại Điều 1 của Nghị định 15 về các mặt hàng loại trừ không được giảm thuế. Vậy những mặt hàng không nêu cụ thể trong danh mục thì có được áp dụng thuế VAT 8%?

Nhìn nhận việc giảm thuế từ 10% xuống còn 8%, nhiều luật sư đánh giá chính sách này tạo điều kiện, nguồn lực để doanh nghiệp tăng cường sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, nhiều doanh nghiệp chưa nắm rõ danh mục hàng hóa, dịch vụ nào được và không được giảm thuế vì doanh nghiệp có nhiều ngành nghề kinh doanh hoặc cũng có trường hợp cùng ngành nghề, nhưng lại thuộc đối tượng khác nhau dẫn đến việc giảm thuế cũng khác nhau.

Do đó, các luật sư kiến nghị Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế cần xây dựng các văn bản hướng dẫn chi tiết, dễ thực hiện để thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát. Chính sách đã có hiệu lực, cơ quan thẩm quyền cần xử lý nghiêm các trường hợp không triển khai dù đã được phổ biến.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *