Trong thời gian gần đây, khái niệm Metaverse đang là một chủ đề rất là hot trên các diễn đàn công nghệ và kinh doanh, hứa hẹn có thể truy cập được trên tất cả các nền tảng khác nhau, VR, AR, cũng như PC hay cả thiết bị di động và game console. Đỉnh điểm là khi Facebook thông báo đổi tên công ty sang một tên gọi mới là Meta, việc đổi tên không chỉ nhằm thay đổi hình ảnh công ty mà còn là tham vọng xây dựng Metaverse. Vậy Metaverse là gì? Metaverse mang lại lợi ích gì? Những công ty nào đang xây dựng Metaverse? Hãy cùng mình tìm hiểu qua bài viết hôm nay nhé!
Bài viết được tham khảo từ các chuyên trang công nghệ: Tech Republic, Reuters và NPR.
1. Metaverse là gì?
Metaverse (tạm dịch là vũ trụ ảo) là một thuật ngữ với nghĩa khá rộng, Metaverse thường đề cập đến môi trường thế giới ảo mà mọi người có thể truy cập qua internet. Nói một cách đơn giản, Metaverse là một tầm nhìn mới, nơi có thể tương tác với con người và bot để chơi trò chơi, kinh doanh, giao lưu hoặc mua sắm.
Trên thực tế, thuật ngữ Metaverse được bắt đầu từ khoa học viễn tưởng với cuốn tiểu thuyết viễn tưởng ‘Snow Crash’ của nhà văn Neal Stephenson ra mắt vào năm 1992. Theo đó, Metaverse đề cập đến một môi trường kỹ thuật số nhập vai, nơi mọi người tương tác với tư cách là hình đại diện. Hoặc trong bộ phim khoa học viễn tưởng ‘Ready Player One’ ra mắt năm 2018 mang đến một cái nhìn thoáng qua về điều mà các công ty công nghệ dự đoán sẽ là tương lai của internet, họ gọi đó là Metaverse.
Có khá nhiều định nghĩa cho Metaverse, nếu theo Matthew Ball – một nhà đầu tư mạo hiểm, tác giả cuốn sách Metaverse Primer thì ‘Metaverse là một mạng lưới lớn của những hình ảnh 3D được dựng nên theo thời gian thực, cùng với đó là việc giả lập lại danh tính của người, các vật thể, lịch sử, thanh toán, cũng như trật tự xã hội. Không gian này có thể được trải nghiệm bởi không giới hạn số người dùng, mỗi người có một ý thức riêng về sự tồn tại của mình’.
Song theo Facebook, bạn có thể xem Metaverse như một mạng Internet hiện thân, nơi bạn không chỉ xem được nội dung mà còn tồn tại trong đó. Metaverse không chỉ là thực tế ảo mà còn có thể truy cập được trên tất cả các nền tảng máy tính khác nhau, VR, AR cũng như PC, cả thiết bị di động và bảng điều khiển trò chơi.
Nhìn chung, định nghĩa về Metaverse vẫn chưa nhất quán vì ở thời điểm hiện tại Metaverse vẫn chưa có sản phẩm hay dịch vụ nào thực sự song mình nghĩ trong tương lai với những hướng phát triển và xây dựng khác nhau thì sẽ còn thêm nhiều định nghĩa mới về Metaverse.
2. Tương lai và rào cản của Metaverse
Những lợi ích tiềm năng mà Metaverse mang lại vẫn còn nhiều ẩn số, song trọng tâm của khái niệm metaverse là ý tưởng môi trường ảo, 3D có thể truy cập và tương tác trong thời gian thực sẽ trở thành phương tiện chuyển đổi cho sự tham gia của xã hội và doanh nghiệp. Hiện tại, một số công ty sử dụng nền tảng của Metaverse để tiến hành đào tạo từ xa, các lĩnh vực thể thao, giải trí và chăm sóc sức khỏe.
Vậy câu hỏi đặt ra là những rào cản đối với sự phát triển của Metaverse là gì? Ông Gil Elbaz – Giám đốc công nghệ và đồng sáng lập Datagen cho biết vẫn còn rất sớm để Metaverse đi xa hơn vì phần mềm và thiết bị vẫn chưa sẵn sàng, VR vẫn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu và AR thậm chí còn chưa đi xa.
Bên cạnh đó, nhân lực hiện tại cũng là một rào cản đối với Metaverse. Metaverse sẽ yêu cầu sức mạnh tính toán rộng rãi, chưa kể đến số lượng kỹ sư, nhà thiết kế và quản trị viên mạng để giữ Metaverse hoạt động. Một yếu tố quan trọng khác là cơ sở hạ tầng điện toán mạnh mẽ, Metaverse có thể sẽ được hưởng lợi từ các mạng lưới thành phố thông minh.
3. Metaverse có phải là giai đoạn tiếp theo của internet?
Internet đã là mới và thậm chí là làm thay đổi cuộc sống của chúng ta và theo lời của Mark Zuckerberg – Giám đốc điều hành Facebook thì Metaverse là sự kế thừa của internet di động. Một tầm nhìn về tương lai nghe có vẻ viển vông nhưng những gã công nghệ khổng lồ mà điển hình là người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg đang đặt cược rất nhiều vào đó.
Thời điểm hiện tại, mọi người tương tác trực tuyến với nhau bằng cách truy cập các trang web nền tảng truyền thông mạng xã hội hoặc sử dụng các ứng dụng nhắn tin. Và ý tưởng của Metaverse sẽ tạo ra không gian trực tuyến mới, trong đó tương tác của mọi người có thể đa chiều hơn, nơi người dùng có thể đắm mình trong nội dung kỹ thuật số thay vì chỉ xem như hiện tại.
Trong vài hôm vừa qua thông tin Facebook đổi tên công ty mẹ thành Meta với tham vọng xây dựng Metaverse đã làm mọi người quan tâm đến khái niệm này nhiều hơn. Nhưng không chỉ có Facebook mới có tham vọng này, đang có rất nhiều nhà đầu tư và công ty nhìn ra được tương lai của Metaverse.
Vào tháng 5, Giám đốc điều hành Microsoft – Satya Nadella cho biết công ty đang làm việc để xây dựng một ‘mô hình tổng hợp doanh nghiệp’. Trước đó một tháng, Epic Games cho biết họ đã huy động được 1 tỷ đô la để chi cho các kế hoạch Metaverse của mình. Gã khổng lồ điện toán Nvidia và nền tảng chơi game Roblox cũng đang làm việc trong lĩnh vực này.
Năm ngoái, Spatial đã phát hành một ứng dụng AR miễn phí cho phép hình đại diện xuất hiện trong môi trường thế giới thực của người dùng. Trong khi đó, Snapchat đã đi theo hướng này trong nhiều năm, giới thiệu các hình đại diện và bộ lọc tùy chỉnh phủ lên thế giới bằng nội dung kỹ thuật số. Apple cũng có tham vọng AR từ lâu.
Bên cạnh đó vẫn còn những công ty khác để mắt tới Metaverse, điều này chứng tỏ được sức hút, tiềm năng và giá trị trong tương lai của Metaverse. Vẫn còn nhiều tiềm ẩn với Metaverse và chúng ta hãy cùng chờ đợi xem Metaverse có thật sự làm tốt hơn internet hay không.
Tổng kết
Ý tưởng về Metaverse có vẻ đầy hứa hẹn, đó là lý do tại sao nhiều công ty công nghệ hàng đầu thế giới đang đầu tư vào. Nếu Metaverse có thể thành hiện thực, bạn có thể hình dung rằng Metaverse sẽ thay đổi hành vi của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Bạn nghĩ thế nào về Metaverse? Bạn có đang mong đợi Metaverse không? Hãy để lại cảm nghĩ bên dưới bình luận nhé!
Nguồn: Tech Republic, Reuters và NPR.