70 năm trước, các trường miền Nam trên đất Bắc được thành lập. Từ đó đến năm 1975, hàng chục ngàn con em ưu tú ở miền Nam được đưa ra miền Bắc để học tập và trưởng thành.
Quang cảnh lễ kỷ niệm 70 năm thành lập hệ thống các trường miền Nam trên đất Bắc – Ảnh: Đ.H.
Sáng 10-1, tại Vũng Tàu, hơn 3.000 người đã tham dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập hệ thống các trường miền Nam trên đất Bắc. Tham dự lễ có ông Trương Hòa Bình, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên phó thủ tướng thường trực Chính phủ.
“Một cuộc gặp gỡ mà khi nghe đến tất cả học sinh miền Nam trên toàn quốc đều rạo rực và hưởng ứng”, một cựu học sinh miền Nam trên đất Bắc của những năm 1960 chia sẻ.
Năm 1954, theo tinh thần của Hiệp định Genève, đất nước Việt Nam tạm thời chia làm hai miền. Và cũng từ năm 1954, với tầm nhìn chiến lược, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã chủ trương thành lập các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc.
Hai cựu học sinh miền Nam trên đất Bắc gặp nhau ở Vũng Tàu
Trong 20 năm từ 1954 đến 1975, đã có hơn 30.000 con em ưu tú của miền Nam đi bộ, vượt Trường Sơn để ra miền Bắc học tập. Ở miền Bắc, những người con miền Nam được đùm bọc, nuôi dạy để sau này đã trở thành những người có ích cho đất nước.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, nguyên Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình khẳng định việc thành lập hệ thống trường học sinh miền Nam trên đất Bắc có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, không chỉ thể hiện tầm nhìn sáng suốt, sâu rộng của Đảng, Nhà nước trong cuộc kháng chiến trường kỳ; mà là tình cảm cao quý của Bác Hồ, của Đảng, Nhà nước, của ngành giáo dục, của đồng bào miền Bắc dành cho con em miền Nam ruột thịt.
“Dù ở lứa tuổi nào, tôi tin rằng trong tâm khảm của mỗi chúng ta không thể quên những năm tháng sống và học tập ở miền Bắc. Bởi chúng ta được sống trong tình yêu thương, sự chăm sóc của Đảng, Bác Hồ và Nhà nước, đùm bọc của đồng bào miền Bắc. Và được các thầy cô giáo hết lòng dạy dỗ”, nguyên Phó thủ tướng thường trực chia sẻ.