Tín hiệu mới từ việc ngân hàng bất ngờ giảm lãi vay

Tin Hieu Moi Tu Viec Ngan Hang Bat Ngo Giam Lai Vay 14552
Hiện lãi suất cho vay bất động sản ở một số ngân hàng đã bật lên mốc trên 14%/năm, mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất liên tục tăng cao thì một số ngân hàng bất ngờ giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đây được xem là “cơn gió mát” giúp hạ nhiệt “cơn sốt” dồn dập tăng lãi suất huy động và cho vay trong thời gian gần đây.

Tuy vậy, câu hỏi đặt ra là có còn dư địa để giảm lãi suất? Liệu việc giảm lãi suất có diễn ra trên diện rộng hay không?Xu hướng lãi suất thời gian tới sẽ ra sao?…

Ba ngân hàng tiên phong giảm lãi suất cho vay

Ngày 2-12 vừa qua, Agribank trở thành ngân hàng mới nhất công bố giảm 20% lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng hiện hữu. Ngoài ra, khách hàng là doanh nghiệp, cá nhân có dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ hoặc có mục đích vay vốn kinh doanh xăng dầu,… cũng được áp dụng chính sách giảm lãi suất này.

Trước đó, hai ngân hàng là Vietcombank và HDBank tiên phong tuyên bố giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng. Cụ thể, Vietcombank quyết định giảm lãi suất tới 1,0%/năm đối với các khoản vay bằng tiền đồng cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân hiện hữu trong hai tháng cuối năm. Tuy nhiên, chính sách giảm lãi suất này không áp dụng với các khoản vay để đầu tư chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá.

Tín hiệu mới từ việc ngân hàng bất ngờ giảm lãi vay ảnh 1
Việc giảm lãi suất cho vay có thể chưa ngay lập tức diễn ra đồng loạt vì thời gian qua lãi suất huy động liên tục leo thang. Ảnh: TL

Tương tự, HDBank cũng công bố giảm lãi suất cho hơn 43.000 khách hàng ở nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh với mức giảm 0,5%-3,5%/năm. Tổng số tiền lãi được giảm khoảng 120 tỉ đồng.

Giải thích về việc bất ngờ giảm lãi suất cho vay, ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng giám đốc Vietcombank, khẳng định: Đây là đợt giảm lãi suất với quy mô dư nợ lớn nhất của ngân hàng trong các năm vừa qua. Theo đó, tổng số khách hàng được giảm lãi suất lên tới 175.000 khách hàng với quy mô tín dụng hơn 500.000 tỉ đồng, chiếm gần 50% dư nợ hiện hữu tại ngân hàng.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Agribank, cũng cho biết hiện các ngân hàng không nhiều còn dư địa để giảm lãi suất cho vay vì chênh lệch giữa huy động và cho vay đã quá thấp. Tuy nhiên, các ngân hàng đang dành một phần lợi nhuận của năm nay để giảm lãi cho khách hàng.

“Bản thân chúng tôi dành thêm khoảng 1.000 tỉ đồng lợi nhuận chia sẻ khó khăn với khách hàng, giảm 20% lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu” – bà Phượng nói.

Đại diện một số ngân hàng khác cũng cho hay để giảm lãi suất cho vay, họ chấp nhận hy sinh một phần lợi nhuận, qua đó giúp khách hàng có nguồn lực để kinh doanh tốt hơn. Mặt khác, việc giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay cũng là một trong những tiêu chí để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét cấp hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại trong năm sau.

Áp lực lên người vay vẫn rất lớn

Việc một số ngân hàng tiên phong giảm lãi suất được xem là thông tin tích cực, giúp hạ nhiệt bớt áp lực về lãi suất cho vay tăng mạnh thời gian qua và tạo động lực cạnh tranh để ổn định lãi suất cho vay giữa các ngân hàng. Tuy vậy, giới chuyên gia kinh tế và bản thân các ngân hàng cũng thừa nhận: Khó có chuyện giảm lãi suất cho vay diễn ra đồng loạt, trên diện rộng tại các ngân hàng ở thời điểm này. Nguyên nhân chính là do lãi suất huy động liên tục leo dốc mạnh trong thời gian qua.

Thực tế hiện nay lãi suất huy động đã thiết lập mặt bằng mới ở mức cao, đẩy lãi suất cho vay cũng tăng thêm 3%-4%/năm so với trước. Hiện lãi suất cho vay bất động sản, mua xe ở một số ngân hàng đã bật lên mốc trên 14%/năm và lãi suất cho doanh nghiệp vay phổ biến 11%-12%/năm. Đây là mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Phó Tổng giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng nhận định: “Giảm lãi suất cho vay sẽ khó trở thành xu thế diễn ra ở hàng loạt ngân hàng và có thể chỉ giảm được tại một thời điểm nhất định nào đó. Về lâu dài, xu hướng giảm lãi suất cho vay rất khó xảy ra, nhất là trong bối cảnh áp lực lạm phát năm nay tăng khá rõ”.

Cùng chung nhận định, ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng giám đốc Vietcombank, cho rằng trước áp lực tăng lãi suất cho vay do lãi suất huy động đầu vào tăng, Vietcombank đã tích cực tiết giảm chi phí hoạt động, cơ cấu lại nguồn huy động vốn đầu vào để giảm chi phí huy động vốn, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay với khách hàng. Đồng thời, đơn vị này cũng đẩy mạnh triển khai các giải pháp như giao dịch trực tuyến nhằm tiết giảm thời gian, chi phí hoạt động cho khách hàng.

Phát biểu tại một diễn đàn kinh tế vừa diễn ra, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nhận định áp lực tỉ giá hiện tại không còn lớn. Trong bối cảnh đó, NHNN không còn phải quá lo lắng về vấn đề tăng lãi suất để ổn định tỉ giá. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất sẽ được giữ ổn định, còn khả năng giảm tương đối khó. Việc ổn định lãi suất và tỉ giá trong năm 2023 có thể xem là thành công.

Điều này cũng có nghĩa trong ngắn hạn, người dân và doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận mặt bằng lãi suất cao.

Không chỉ lãi cao mà vay tiền cũng rất khó

Báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI mới đây nhận định đà tăng của lãi suất cho vay nhìn chung đã chậm hơn so với lãi suất huy động nhằm thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ về triển khai các giải pháp thúc đẩy phục hồi và phát triển nền kinh tế.

Tuy vậy, không chỉ câu chuyện lãi suất, các doanh nghiệp còn đối diện với tình trạng khát vốn. Đại diện một ngân hàng có trụ sở ngoài Hà Nội chia sẻ: Giai đoạn này, tín dụng đúng là “gạo châu, củi quế”, bởi room tín dụng của ngân hàng đã cạn kiệt nên giờ khách hàng muốn vay cũng không phải dễ dàng.

“Thậm chí để được giải ngân thì ngoài đáp ứng đầy đủ tất cả điều kiện vay, ngân hàng còn phải xem đối tác của khách hàng đi vay đang làm ăn ra sao, tức là còn phải bổ sung thêm tiêu chí thẩm định đối tác thứ ba rồi mới quyết định có phê duyệt khoản vay hay không” – vị đại diện ngân hàng thừa nhận.

Trước tình hình trên, mới đây NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng còn hạn mức tăng trưởng tín dụng chủ động cân đối điều hòa nguồn vốn, tỉ lệ đảm bảo an toàn, tích cực giải ngân tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Cơ quan này cho biết tính đến cuối tháng 10, tín dụng đã tăng trưởng 11,5%, như vậy vẫn còn dư địa hơn 2% cho hai tháng cuối năm.

Mục nhập này đã được đăng trong News. Đánh dấu trang permalink.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *