- Ý nghĩa ngày ông Công ông Táo
Theo quan niệm của người Việt, không chỉ cai quản việc trong gia đình, các vị Táo còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư, giữ bình yên cho mọi người trong nhà.
Vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, Táo quân lại cưỡi cá chép hóa rồng lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong một năm để Thiên đình định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh cho tất cả loài người. Đến đêm Giao thừa, Táo quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc trông coi bếp lửa gia đình.
Ngày ông Công ông Táo đã đi vào tiềm thức người Việt. Vào ngày này, người dân làm mâm cơm để bày tỏ lòng biết ơn với các vị thần. Đồng thời, đây cũng là dịp để người người, nhà nhà trở về sum họp, quây quần sau một năm làm ăn vất vả.
Trong mâm cúng, người Việt thường chuẩn bị thêm cá chép – khoảng 2 hoặc 3 con thả trong chậu nước, cúng cùng các đồ lễ khác. Sau khi cúng xong, người dân sẽ đem phóng sinh ở sông, ao, hồ… với ý nghĩa đưa ông Táo về trời. Bên cạnh đó, tục lệ phóng sinh cũng thể hiện sự nhân ái, từ bi của người Việt.
St..