‘Mẹ đẻ’ của công nghệ mRNA đã được vinh danh giải thưởng cao quý nhất của VinFuture

'Mẹ đẻ' của công nghệ mRNA đã được vinh danh giải thưởng cao quý nhất của VinFuture

Giải thưởng chính VinFuture trị giá 3 triệu USD đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao cho GS Kariko và các cộng sự, GS Weissman và GS Pieter R. Cullis với công trình đặc biệt về vaccine sử dụng công nghệ mRNA.

Tối 20/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ trao Giải thưởng khoa học, công nghệ toàn cầu VinFuture lần thứ nhất, được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Mẹ đẻ của công nghệ mRNA đã được vinh danh giải thưởng cao quý nhất của VinFuture - Ảnh 1.

Giải thưởng khoa học, công nghệ thường niên toàn cầu VinFuture là một trong những giải thưởng khoa học công nghệ thường niên có giá trị lớn trên thế giới, được trao bởi Quỹ VinFuture, ra mắt tháng 12/2020. Quỹ VinFuture do ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup và phu nhân sáng lập.

Hệ thống giải thưởng gồm có Giải thưởng Chính (VinFuture Grand Prize)trị giá 3 triệu USD (khoảng 70 tỷ đồng)là một trong các giải thưởng thường niên lớn nhất từ trước đến nay trên toàn cầu.

Cùng với VinFuture Grand Prize, VinFuture còn có 3 Giải đặc biệt (mỗi giải 500.000 USD – khoảng 11,5 tỷ đồng) gồm: Giải thưởng cho nhà khoa học nữ; Giải thưởng cho các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển; Giải thưởng cho các nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới.

Phát biểu tại Lễ trao giải, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, hai năm qua, nhất là trong thời khắc khó khăn nhất của dịch bệnh, cả nhân loại đã đặt niềm tin, hy vọng và trông chờ vào các nhà khoa học để tìm ra vaccine, thuốc chữa, phòng, chống COVID-19. Vaccine được ví như là lá chắn thép của nhân loại để vượt qua đại dịch COVID-19. Cả thế giới biết ơn, ngưỡng mộ các nhà khoa học – những người đã thực hiện sứ mệnh cao cả của mình.

Mẹ đẻ của công nghệ mRNA đã được vinh danh giải thưởng cao quý nhất của VinFuture - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, trong lịch sử phát triển của loài người, phát minh của những nhà khoa học đã làm thay đổi thế giới. Trong hành trình gian nan đam mê nghiên cứu, khát vọng cống hiến cho nhân loại, đã có nhiều nhà khoa học phải gánh chịu những hậu quả nặng nề trong khi tiến hành các thử nghiệm khoa học.

Điển hình như Galileo bị mù mắt do quan sát mặt trời quá nhiều để phát minh ra kính thiên văn; Marie Curie qua đời vì nghiên cứu phóng xạ; Michael Faraday bị nhiễm độc hóa chất do nghiên cứu điện phân… Thủ tướng bày tỏ thấu hiểu sự gian nan, vất vả, hy sinh quên mình của các nhà khoa học và còn những khó khăn, thách thức khác không thể cân đong, đo đếm được.

Thủ tướng Chính phủ cho biết, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều rất chú trọng phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là các nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao, góp phần mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.

Thủ tướng khẳng định, việc tôn vinh những công trình đoạt giải thưởng là tôn vinh những giá trị khoa học đóng góp cho nhân loại, tôn vinh những nhà khoa học đã ngày đêm nghiên cứu bằng trí tuệ vượt trội, trái tim nhiệt huyết và khát vọng cống hiến cho loài người.

Tại Việt Nam, phát triển khoa học công nghệ được xác định là quốc sách hàng đầu, là một đột phá chiến lược để phát triển kinh tế – xã hội. Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Nhà nước đang đẩy mạnh thiết kế cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa đường lối của Đảng, thúc đẩy huy động nguồn lực đổi mới sáng tạo để doanh nghiệp, xã hội và nhân dân vào cuộc, đưa khoa học công nghệ thực sự trở thành mục tiêu, động lực quan trọng, góp phần phát triển đất nước hùng cường và thịnh vượng; xác định mỗi người dân là chủ thể, là người thực hiện và thụ hưởng chính sách đổi mới sáng tạo. Đồng thời, việc thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo còn là chủ trương lớn để thể hiện trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.

Nhân dân Việt Nam có truyền thống yêu chuộng hòa bình và khát vọng phát triển, luôn ca ngợi vẻ đẹp nhân văn và giá trị cao cả của khoa học là tạo ra đột phá, nâng cao năng suất lao động, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đồng thời, Việt Nam luôn trân quý, tôn vinh các nhà khoa học chân chính, đóng góp cho sự phát triển nhanh, bền vững của nhân loại.

Thủ tướng Chính phủ cho rằng, sứ mệnh của Giải VinFuture chính là cổ vũ và tôn vinh những nhà khoa học có công trình nghiên cứu xuất sắc mang tính ứng dụng cao, kiến tạo môi trường sống bền vững cho các thế hệ tương lai. Ngay trong mùa giải đầu tiên, VinFuture ghi nhận sự tham gia từ 60 quốc gia với gần 600 dự án tranh giải, trong đó gần 100 dự án đến từ top 2% các nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất thế giới và hơn 1/3 ứng viên là nhà khoa học nữ. Nhiều người trong số họ từng nhận được các giải thưởng khoa học cao quý của thế giới.

Giải thưởng VinFuture được xét duyệt nghiêm túc, trách nhiệm bởi 2 Hội đồng độc lập với thành viên là các nhà khoa học, nhà phát minh, chuyên gia uy tín ở nhiều lĩnh vực trên thế giới. Đây thực sự là tín hiệu tích cực của một giải thưởng lớn và uy tín.

Thủ tướng mong muốn, truyền thống yêu chuộng hòa bình, nhân ái, trí tuệ của dân tộc Việt Nam được tỏa sáng trong mỗi doanh nhân Việt Nam để xây dựng đất nước phát triển và thực hiện trách nhiệm, lan tỏa giá trị tốt đẹp với cộng đồng quốc tế.

Người đứng đầu Chính phủ hoan nghênh, đánh giá cao và ghi nhận Tập đoàn Vingroup đã nỗ lực trong việc xây dựng và phát triển Quỹ VinFuture – Quỹ hoạt động phi lợi nhuận được sáng lập bởi Chủ tịch Tập đoàn Vingroup và phu nhân nhằm tôn vinh giá trị của khoa học công nghệ trên phạm vi toàn cầu. Thủ tướng mong muốn những bước phát triển mới trong việc ứng dụng các nghiên cứu của các nhà khoa học tại Việt Nam.

Tại buổi Lễ, Ban Tổ chức đã công bố, vinh danh và trao giải thưởng dành cho “Nhà khoa học nữ” cho Giáo sư Zhenan Bao, người Mỹ gốc Trung Quốc với công trình nghiên cứu các vật liệu điện tử hữu cơ có đặc tính của da người. Giải thưởng cho các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển thuộc về hai vợ chồng người Nam Phi, Giáo sư Salim Abdool Karim (chồng) và vợ là Quarraisha Abdool Karim, với công trình nghiên cứu giúp ngăn nguy cơ lây nhiễm HIV và giảm gánh nặng bệnh AIDS. Giải thưởng cho các nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới được trao thuộc về Giáo sư Omar Yaghi, người Mỹ gốc Jordan, với công trình tiên phong khám phá ra vật liệu khung cơ – kim (MOFs).

Mẹ đẻ của công nghệ mRNA đã được vinh danh giải thưởng cao quý nhất của VinFuture - Ảnh 3.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trao Giải thưởng Chính (VinFuture Grand Prize) cho ba nhà khoa học Katalin Kariko, Drew Weissman (Mỹ) và Pieter Cullis (Canada). Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đặc biệt, thay mặt Ban Tổ chức,Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trao Giải thưởng Chính (VinFuture Grand Prize) cho ba nhà khoa học Katalin Kariko, Drew Weissman (Mỹ) và Pieter Cullis (Canada) với công nghệ mRNA, mở đường tạo ra các loại vaccine ngăn ngừa COVID-19 hiệu quả.

Đặng Hùng

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *