3 nhà khoa học Katalin Kariko, Drew Weissman (Mỹ) và Pieter Cullis (Canada), phát minh công nghệ vaccine mRNA, nền tảng để sản xuất vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer và Moderna đã vinh dự được nhận Giải thưởng khoa học VinFuture trị giá 3 triệu USD từ Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính.
Tối 20/1, tại Nhà hát Lớn Hà Nội diễn ra lễ trao Giải thưởng khoa học – công nghệ toàn cầu VinFuture với sự tham gia của nhiều nhà khoa học quốc tế xuất sắc và công bố những sáng kiến, phát minh phụng sự nhân loại. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự lễ trao giải.
Tham dự có các đồng chí: Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ngành; các nhà khoa học quốc tế kiệt xuất, là chủ nhân của những giải thưởng khoa học danh giá thế giới như Nobel, Millennium Technology, Turing…
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Giải thưởng Vinfuture cho ba nhà khoa học phát minh công nghệ mRNA. |
Lễ trao Giải thưởng VinFuture là tâm điểm của chuỗi sự kiện Tuần lễ khoa học VinFuture. Bên cạnh việc tôn vinh các nhà khoa học có công trình xuất sắc phụng sự nhân loại còn có phần biểu diễn nghệ thuật đỉnh cao được thiết kế riêng cho lễ trao giải, với sự tham gia của hai ngôi sao nổi tiếng từng đạt nhiều giải thưởng hàn lâm danh giá về âm nhạc là nghệ sĩ John Legend và nghệ sĩ Đặng Thái Sơn.
Phát biểu tại đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chào mừng các nhà khoa học và quý vị đại biểu, khách quý từ khắp nơi trên thế giới đã đến với Việt Nam.
“Tôi xin được bắt đầu bằng câu chuyện từ đại dịch Covid 19, được ví như một đám mây đen khổng lồ bao trùm lên cả thế giới, gây thảm họa đối với loài người và tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội. Nhưng, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, chúng ta vẫn có mặt ở đây trong không khí hồ hởi, phấn khởi là điều rất đặc biệt và ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Trong thời khắc khó khăn nhất của dịch bệnh, cả nhân loại đã đặt niềm tin, hy vọng và trông chờ vào các nhà khoa học để tìm ra vaccine, thuốc chữa, phòng chống Covid-19.
Và rồi cả thế giới như vỡ òa trong niềm vui, hạnh phúc khi biết đã có vaccine, thuốc đặc trị. Vaccine được ví như là lá chắn thép của nhân loại để vượt qua đại dịch Covid-19. Cả thế giới biết ơn, ngưỡng mộ các nhà khoa học – những người đã thực hiện sứ mệnh cao cả của mình. Chúng ta có mặt ở đây hôm nay bình yên, an toàn cũng chính nhờ các nhà khoa học, nhờ vaccine và thuốc đặc trị”.
Theo Thủ tướng, chúng ta tôn vinh những công trình đoạt giải thưởng là tôn vinh những giá trị khoa học đóng góp cho nhân loại, tôn vinh những nhà khoa học đã ngày đêm nghiên cứu bằng trí tuệ vượt trội, trái tim nhiệt huyết và khát vọng cống hiến cho loài người. Và hôm nay, chúng ta cũng ghi nhận, đánh giá cao những doanh nhân với khát vọng hội tụ các nhà khoa học là được cống hiến những giá trị tốt đẹp nhất cho nhân loại.
Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture, Giáo sư Sir Richard Henry Friend nhấn mạnh: “Ngày hôm nay, chúng ta đang tham dự một sự kiện vô cùng đặc biệt: Lễ trao Giải VinFuture lần thứ nhất. Giải thưởng VinFuture tôn vinh những phát minh khoa học căn bản và nền tảng có tác động thực sự đến chất lượng cuộc sống trên toàn cầu”.
Theo Giáo sư Friend, sáng tạo căn bản thường mất thời gian so với những ứng dụng tức thời và hành trình đưa tầm nhìn ban đầu trở thành hiện thực với các giải pháp thực tế, giá thành hợp lý, có khả năng mở rộng quy mô thường rất dài và gian nan.
Giáo sư Friend hoan nghênh tầm nhìn của Quỹ VinFuture trong việc tạo ra giải thưởng này. Việc thực hiện tầm nhìn này đòi hỏi rất nhiều nỗ lực cho việc tổ chức, tận tâm và chăm chỉ. “Chúng tôi đã nhận được gần 600 đề cử – đây là một thành tích ấn tượng và giúp chúng tôi vượt xa mức đề cử của nhiều giải thưởng quốc tế danh tiếng”, ông nói.
Giáo sư Friend đánh giá: “Với việc tạo ra Giải thưởng VinFuture, Việt Nam đã chấp nhận thử thách này. Các sự kiện gần đây đã củng cố tầm quan trọng của việc tìm ra các giải pháp toàn cầu. Các bệnh truyền nhiễm luôn là mối đe dọa toàn cầu và giờ đây, Covid-19 đã vươn tới mọi lục địa, thậm chí cả Nam Cực.
Việc chúng ta có vaccine và liệu pháp điều trị hiệu quả rất nhanh là điều trước đây chưa từng có, nhưng các liệu pháp này cần phải đến được với toàn thể cộng đồng toàn cầu. Biến đổi khí hậu hiện cần tất cả các quốc gia phải hành động khẩn cấp. Giờ đây, chúng ta đều thừa nhận rằng phải giảm phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050 nếu chúng ta muốn hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5 độ C.
Ngày hôm qua, trong phiên tọa đàm về tương lai của năng lượng, chúng tôi đã thảo luận về cách thức các công nghệ đổi mới có thể tạo ra các giải pháp hợp lý và công bằng để tái cấu trúc ngành năng lượng trở thành ngành không phát thải carbon”.
Theo Giáo sư Friend, Việt Nam là một quốc gia trẻ, lạc quan và sáng tạo, có tầm nhìn về một xã hội có giáo dục, lành mạnh và thịnh vượng. Thật tuyệt vời khi thấy sự nhiệt tình thẳng thắn đối với khoa học và sự đổi mới, cũng như sự đánh giá thẳng thắn những lợi ích mà nó có thể mang lại.
Quỹ VinFuture là quỹ hoạt động phi lợi nhuận được sáng lập bởi Chủ tịch Tập đoàn Vingroup – ông Phạm Nhật Vượng và phu nhân – bà Phạm Thu Hương. Quỹ có sứ mệnh tôn vinh và hỗ trợ các nghiên cứu khoa học, các sáng chế công nghệ đột phá, đã đóng góp hoặc có tiềm năng đóng góp cho cuộc sống của hàng triệu người trên trái đất trở nên tốt đẹp hơn, đồng thời kiến tạo môi trường sống bền vững cho thế hệ tương lai.
Giải thưởng Chính trị giá 3 triệu USD đã được trao cho 3 nhà khoa học Katalin Kariko, Drew Weissman (Mỹ) và Pieter Cullis (Canada) với công nghệ mRNA, mở đường tạo ra các loại vaccine ngăn ngừa Covid-19 hiệu quả. Theo đó, công nghệ sử dụng mRNA đã được sửa đổi, bao bọc trong các hạt nano lipid giúp ngăn hệ thống miễn dịch phản ứng với mRNA khi được đưa vào cơ thể và không gây ra các phản ứng cytokine, không gây độc tính hoặc tác dụng phụ. Dựa trên khám phá của Kariko và Weissman cùng với việc tạo ra hạt nano lipid của Cullis, các công ty dược phẩm như Pfizer-BioNTech, Moderna đã sản xuất được các loại vaccine phòng, chống Covid -19 hữu hiệu trong thời gian kỷ lục.
Không chỉ tạo ra vũ khí ngăn chặn nguy cơ lây lan và tử vong do đại dịch trên phạm vi toàn cầu, công nghệ mRNA còn có tiềm năng tạo các loại vaccine ngăn ngừa HIV, ung thư, miễn dịch và các bệnh di truyền… có thể bảo vệ sức khỏe cho hàng tỷ người trên thế giới trong tương lai.
Cùng với Giải thưởng Chính là 3 giải Đặc biệt, mỗi giải trị giá 500.000 USD dành cho các “nhà khoa học nghiên cứu trong các lĩnh vực mới”; “nhà khoa học nữ” và “nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển”.
Đầu tiên, hạng mục Giải Đặc biệt dành cho “Nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới” được trao cho Giáo sư Omar Yaghi (Mỹ) với công trình tiên phong khám phá ra vật liệu khung cơ-kim (MOFs). MOFs là một loại vật liệu mới bao gồm các liên kết hữu cơ tích điện và các ion kim loại, có độ xốp vĩnh viễn, sự ổn định ấn tượng trên diện tích bề mặt lớn. Với kích thước lỗ xốp có thể điều chỉnh tạo thành mạng lưới 3D, cho phép hấp thụ và lưu trữ các phân tử khí và nước, MOFs tạo ra giải pháp thu nhận, lưu trữ, phân tách và kiểm soát thành phần hóa học của nhiều loại khí và phân tử, có khả năng làm sạch môi trường, mang lại bầu không khí, nguồn năng lượng và nguồn nước sạch hơn.
Đặc biệt, máy thu nước MOF của giáo sư Yaghi có tiềm năng cung cấp nước sạch từ không khí. Nếu được ứng dụng thành công, vật liệu mới MOFs sẽ thay đổi cuộc sống của hàng triệu người đang sinh sống tại những nơi khan hiếm nguồn nước sạch, giúp tự chủ về nguồn nước và nâng cao chất lượng cuộc sống hàng ngày.
Giải Đặc biệt thứ 2 dành cho “Nhà khoa học nữ” đã được trao cho Giáo sư Zhenan Bao (Mỹ) với công trình nghiên cứu các vật liệu điện tử hữu cơ có đặc tính của da người. Đây là một loại vật liệu hữu cơ cho phép biến các thiết bị điện tử thành một phần trên cơ thể người với khả năng co giãn, tự chữa lành và tự phân hủy sinh học. Những chức năng trên rất hữu ích trong chẩn đoán và điều trị chăm sóc sức khỏe thông minh, đồng thời có thể được ứng dụng vào các thiết bị điện tử để đeo và cấy ghép, mang lại trải nghiệm sống trọn vẹn hơn cho hàng triệu người khiếm khuyết các bộ phận cơ thể trên khắp thế giới hiện tại, cũng như tạo ra các đột phá về y tế trong tương lai.
Giải Đặc biệt dành cho “Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển” thuộc về vợ chồng hai nhà khoa học đến từ Nam Phi, Giáo sư Salim Abdool Karim và Giáo sư Quarraisha Abdool Karim, với công trình nghiên cứu giúp ngăn nguy cơ lây nhiễm HIV và giảm gánh nặng bệnh AIDS. Với kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực dịch tễ, hai nhà khoa học đã phát triển một loại gel có chứa dược chất tenofovir giúp kháng virus HIV và ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm, qua đó đặt nền móng cho phương pháp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP). Salim Abdool Karim và Quarraisha Abdool Karim cũng tạo ra thuốc dạng uống nhằm thiết lập chiến lược phòng ngừa HIV đặc biệt dành cho phụ nữ trẻ và nữ vị thành niên và hạn chế nguy cơ lây nhiễm HIV cho trẻ sơ sinh.
Nghiên cứu của vợ chồng Giáo sư Karim đã được UNAIDS và WHO công nhận là đột phá khoa học quan trọng, có tác động to lớn đến nỗ lực ngăn ngừa đại dịch thế kỷ tại châu Phi và trên toàn thế giới.