Nhờ những thành công trong chống dịch, Hải Phòng vẫn duy trì được sản xuất công nghiệp. Giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố đã đạt hơn 10 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm.
Ông Lê Trung Kiên chia sẻ một trong những vấn đề khó nhất để đảm bảo an toàn cho các khu công nghiệp, khu kinh tế của Hải Phòng chính là việc đảm bảo an toàn cho lực lượng lao động.
Trên địa bàn các khu công nghiệp, khu kinh tế của Hải Phòng hiện nay có khoảng 177.000 lao động, trong đó có gần 5.000 lao động người nước ngoài và trên 50.000 lao động ngoại tỉnh.
Lao động ngoại tỉnh chủ yếu đến từ các tỉnh lân cận như Hải Dương, Thái Bình, Quảng Ninh. Do đó, với điều kiện giao thông thuận lợi như hiện nay, đa số người lao động ngoại tỉnh đều có xu hướng đi làm và về trong ngày.
“Điều này gây áp lực lớn cho việc kiểm soát, phòng chống dịch bệnh. Nó cũng tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho người lao động”, ông nhấn mạnh.
Để giải quyết vấn đề trên, Ban quản lý vận động doanh nghiệp xây dựng chiến lược sản xuất trong “thời dịch” bằng cách chủ động bố trí nơi ở, hỗ trợ kinh phí để người lao động ngoại tỉnh ở lại Hải Phòng làm việc. Ban quản lý cũng vận động hạn chế việc sa thải lao động. Đối với những trường hợp phải nghỉ việc hoặc tạm nghỉ do có yếu tố dịch tễ liên quan đến ca bệnh (F1, F2, F3) đều được công ty có các chế độ, chính sách phù hợp.
Đối với lao động là người nước ngoài, Ban quản lý cũng đề xuất UBND TP ban hành quy chế quản lý mới, để người lao động nước ngoài có thể được tạm trú tại doanh nghiệp, đảm bảo an toàn phòng chống dịch cũng như đảm bảo hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Diễn tập và chuẩn bị cho phương án xấu nhất
Tuy giữ được an toàn cho sản xuất cho đến lúc này, ông Lê Trung Kiên cho biết Hải Phòng vẫn luôn đặt trong tình trạng sẵn sàng đối phó với việc có ca bệnh lây vào các nhà máy trong khu công nghiệp, khu kinh tế. Việc đối phó thế nào đã được tính toán kỹ để giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động một cách tối đa.
Ông Kiên đánh giá, trong trường hợp dịch diễn biến xấu hơn, để duy trì được chuỗi sản xuất thì phương án “3 tại chỗ” vẫn là phương án tối ưu, mang lại hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh để có thể thực hiện thành công thì phương án cần phải phù hợp với điều kiện tình hình thực tế tại các doanh nghiệp và cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ động.
Hiện Hải Phòng đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”.
Thứ nhất, Ban Quản lý đã chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp chủ động xây dựng phương án “3 tại chỗ” riêng. Một cách linh hoạt hơn, TP thống nhất tùy theo tình hình thực tế tại doanh nghiệp có thể xây dựng các phương án khác như “1 cung đường, 2 điểm đến” hoặc “1 cung đường, nhiều điểm đến”.
Thứ hai, các doanh nghiệp cũng đã chủ động mua sắm, dự trữ nhu yếu phẩm, trang thiết bị cần thiết phục vụ cho người lao động và nguồn nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất đảm bảo có thể triển khai ngay các phương án khi có tình huống đột xuất phát sinh.
Thứ ba, Ban quản lý cùng với các quận, huyện cũng đã rà soát các địa điểm có thể sử dụng phục vụ nhu cầu tạm trú đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp có khó khăn về việc bố trí chỗ ở cho người lao động. Một bệnh viện dã chiến ở khu công nghiệp Nam Cầu Kiền bằng vốn xã hội hóa cũng đã và đang được xúc tiến xây dựng.
Thứ tư, trong đầu tháng 8 vừa qua, Ban quản lý đã tổ chức thí điểm diễn tập phương án “3 tại chỗ” tại Công ty thép cao cấp Việt Nhật (Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền), Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam (Khu công nghiệp VSIP Hải Phòng). Riêng tại Công ty TNHH LG Display (Khu công nghiệp Tràng Duệ) diễn tập phương án 2 tại chỗ (1 cung đường, 2 điểm đến).
“Khi diễn tập chúng tôi rút kinh nghiệm, hoàn thiện phương án mẫu để các doanh nghiệp xây dựng phương án cụ thể đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế”, ông Kiên chia sẻ.
theo : zingnew