Doanh nghiệp làm gì để giữ lửa nhân viên ở hậu đại dịch?

Đã là một nhà lãnh đạo, điều đầu tiên chính là phải hiểu được nhân viên của họ đang và sẽ muốn gì. Việc thấu hiểu và giữ chân nhân lực luôn là bài toán khó của mọi doanh nghiệp, và câu chuyện này càng trở thành một vấn đề lớn khi mà đại dịch đã và đang đi qua.

Đối với nhiều nhân viên, đại dịch Covid-19 là một chuỗi ngày tồi tệ nhất đối với họ, để lại những chấn động về mặt cảm xúc, gây hại đến dài lâu. Những tác động trực tiếp của đại dịch như là cách ly xã hội quá dài, thiệt hại quá nhiều về mặt kinh tế hay còn là sự lo lắng cho sức khỏe của bản thân và gia đình khi phải đối mặt với bệnh dịch ngày một tăng.Có thể thấy nó có tác động rất lớn về đời sống vật chất cũng như tinh thần của mọi nhân viên, dẫn đến việc họ có thể cảm thấy chán chường, trống rỗng, giảm mục đích sống và làm việc. Điều này ảnh hướng đến chất lượng và tiến độ của công việc không thể đạt hiệu quả 100%, gây tổn hại cho doanh nghiệp cũng như nhân viên phải đối mặt với khủng hoảng từ bỏ việc làm.

Theo khảo sát gần đây cho thấy, gần 47% người đi làm vẫn tồn tại những mặt tiêu cực trong suy nghĩ, ảnh hưởng đến cảm xúc của họ, khiến họ chán nản, lo lắng dẫn đến căng thẳng bởi đại dịch.

Vậy nên nếu nhân viên của bạn đang có những biểu hiện lo lắng, chưa đạt được mục tiêu công việc đề ra thì cũng đừng vội đánh giá họ. Mặc dù Vaccine đã được nghiên cứu và sản xuất rộng rãi trên thị trường, thế nhưng hậu sang chấn của đại dịch vẫn để lại cho họ nhiều chấn thương. Bài toán ở đây chính là, nhà lãnh đạo nên lập kế hoạch tương lai cho doanh nghiệp, nên việc hiểu rõ nhân viên của họ đang ở đâu và đại dịch có thể ảnh hưởng đến việc kinh doanh của họ như thế nào là rất quan trọng. Dấu hiệu nào cho thấy cho thấy một nhân viên đang mắc phải chấn thương cảm xúc hậu đại dịch mà nhà lãnh đạo cần nắm rõ?

Dấu hiệu mà nhà quản lý không nên phớt lờ

Một số dấu hiệu thường gặp phải ở một nhân viên khi quay trở lại nơi làm việc hậu đại dịch:

Xin nghỉ quá nhiều

Trong khi nhiều người hướng về việc đi du lịch, workout, tụ tập thì những nhân viên này thường dành hết thời gian để vật lộn với chứng lo âu và trầm cảm. Bước xuống khỏi giường đối với họ như một cuộc chiến. Không một động lực hay mục tiêu nào mà họ nghĩ ra để có năng lượng trở lại.

Nâng cao cảnh giác

Đó chính là cảm giác bồn chồn, ngờ vực, mong manh và dễ bị giật mình. Một hành động nhỏ của mọi người xung quanh có thể khiến họ tăng cường cảnh giác, không còn thoải mái, tự tin như trước.Khác với thời gian trước khi giãn cách, nhân viên của bạn là người hoạt ngôn và năng động nhưng chính vì nỗi lo âu đã khiến họ luôn trong tâm thế bất an và dần hạn chế giao tiếp với mọi người xung quanh. Bạn không nên bỏ qua điều này nhé. Thay vào đó, hãy trực tiếp trò chuyện và đưa ra những lời khuyên phù hợp để giúp họ thoải mái và lấy lại sự tự tin như trước.

Biến mất trong giờ làm việc

Bị giam giữ trong cảm xúc tích cực và áp lực công việc khiến họ mong cầu có khoảng không gian riêng. Trong đầu họ sẽ thường xuyên xảy ra những chất vấn, suy nghĩ. Có thể họ biến mất để khóc ở nơi không có người như nhà vệ sinh hay ban công, tầng thượng trong một khoảng thời gian để giữ cho bản thân bình tĩnh nhất có thể.

Có ánh nhìn vô định

Để ý thấy những nhân viên có tâm trạng mệt mỏi, thưỡng xuyên ngồi thẫn thờ với một hướng nhìn vô định. Có vẻ họ đang dần mất động lực, ngọn lửa trong công việc cũng từ đó là dần lụi tắt. Với cương vị là nhà quản lý, bạn đừng nghĩ đây là điều bình thường nhé!

Tầm quan trọng của người giữ lửa

Những dấu hiệu trên cho thấy, ảnh hưởng của đại dịch là quá lớn đối với chất lượng nhân lực, gây tổn hại về nguồn lao động và cả doanh nghiệp. Thật khó có thể tìm ra được cách giải quyết triệt để, thế nhưng sau đây là một vài gợi ý mà các nhà lãnh đạo nên tìm hiểu thêm.

Lời hỏi thăm

Lắng nghe và chia sẻ là chìa khóa mở ra mọi rào cản. Chắc hẳn ai cũng gặp khó khăn trong mùa đại dịch này, vậy tại sao không gửi đến nhau những lời hỏi han, động viên, khích lệ tinh thần, tạo sự gắn kết giữa lãnh đạo và nhân sự?Hay bắt đầu một cuộc trò chuyện cởi mở hết sức có thể “Năm qua có vẻ không suôn sẻ đối với tất cả chúng ta. Tôi đã gặp nhiều vấn đề cần phải xoay sở. Vậy còn anh/chị đã trải qua những gì?”. Hãy cùng gắn kết để vượt qua những khó khăn khi trở lại nơi làm việc.

Linh hoạt để thích ứng

Thời gian dịch kéo dài dẫn đến việc work from home (làm việc tại nhà) cũng dần trở thành thói quen làm việc hằng ngày của nhân viên. Khi trở lại văn phòng sau khoảng thời gian dài ấy, họ có thể cảm thấy bị choáng ngợp bởi không gian, thời gian trong những tuần đầu làm việc.Để giải quyết việc này, hãy để nhân viên chủ động linh hoạt việc làm nhưng vẫn đảm bảo chất lượng bằng cách khích lệ tinh thần, tạo điều kiện cho nhân viên hết mức có thể để họ dần lập lại trạng thái “bình thường mới”.

Cùng nhau lập kế hoạch dài hạn

Một đống công việc cần xử lý sau khi trở lại trạng thái làm việc nơi văn phòng, điều cấp thiết phải làm là lập một kế hoạch dài hạn. Có hàng tá thứ phải giải quyết, vậy tại sao không cũng nhau ngồi xuống, bàn bạc, chia sẻ những khó khăn, khúc mắc, từ từ tháo gỡ và đặt mục tiêu cho tương lai. Hãy lập kế hoạch tuần, tháng, phân chia công việc, điều chỉnh lịch trình phù hợp và nếu có thể hãy cung cấp thêm nguồn lực để họ có bước đi chắc chắn hơn trong tương lai.

Kết luận

Ai cũng đã trải qua một khoảng thời gian khó khăn do bệnh dịch kéo dài. Thế nhưng, trên cương vị là người lãnh đạo cũng như là người giữ lửa, hãy nhận diện và hành động qua những dấu hiệu và gợi ý trên để tạo nên một môi trường làm việc lý tưởng cho nhân viên hậu đại dịch, từ đó củng cố được văn hóa doanh nghiệp lên một tâm cao mới, lành mạnh hơn, các bộ phận trong doanh nghiệp cảm thấy thoải mái, có hứng thú trở lại. Và biết đâu sẽ gặt được kì tích khi vực dậy được những nhân lực gặp khó khăn, trở thành những ngọn lửa lớn nhất trong công việc.Theo : //hrinsider.vietnamworks.com/

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *