Sau một năm thực thi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, các doanh nghiệp của Việt Nam đã bước đầu có thể tận dụng được những cơ hội mà EVFTA đem lại.
Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã có tác động tích cực tới hoạt động thương mại giữa Việt Nam và EU.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, kể từ khi có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, mặc dù trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, song thương mại xuất nhập khẩu của Việt Nam sang EU và ngược lại đều tăng trưởng hơn 18% so với khi Hiệp định chưa có hiệu lực.
Để hiểu rõ hơn những tác động mà hiệp định mang lại, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) đã có trao đổi với phóng viên về hiệp định EVFTA.
–Thưa ông, việc tận dụng các cơ hội từ Hiệp định EVFTA của doanh nghiệp Việt Nam nhìn từ kết quả thương mại hai bên sau một năm EVFTA có hiệu lực?
Ông Lương Hoàng Thái:Việc tận dụng những cơ hội của cả phía Việt Nam và EU có thể nói là tốt hơn so với những hiêp định khác mà chúng ta ký kết trước đây. Nó thể hiện ở cả kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU và kim ngạch xuất khẩu của EU sang Việt Nam.
Hiệp định này được dựa trên quan hệ “có đi có lại,” tức là Việt Nam trông đợi có thể xuất khẩu nhiều hơn sang EU và ngược lại cũng trông đợi là nhập khẩu được những hàng hóa, dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao để hỗ trợ cho ngành kinh tế khác và ở cả hai khía cạnh này.
Có thể nói là Hiệp định về cơ bản đã đáp ứng được những trông đợi của cả hai bên trong quá trình thực thi ban đầu.
Về xuất khẩu của Việt Nam, trong bối cảnh do tác động của đại dịch COVID-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã tăng 18,6% trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái và Việt Nam xuất siêu sang EU trong giai đoạn này là trên 11 tỷ USD, là mức tương đối khá so với các thị trường khác.
Đặc biệt ở đây, trong quá trình đàm phán Hiệp định, Việt Nam luôn quan tâm là cơ hội thị trường đó mở ra cho các doanh nghiệp Việt Nam nhưng phải tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những đối tượng gặp khó khăn trong khả năng tiếp cận thị trường EU.
Mặc dù Hiệp định mới được đưa vào thực thi được 1 năm nhưng có thể nói các doanh nghiệp của Việt Nam đã bước đầu có thể tận dụng được những cơ hội mà EVFTA đem lại.
Việt Nam cũng rất trông đợi từ Hiệp định này, đó là khả năng tiếp cận được những mặt hàng có hàm lượng công nghệ và chất lượng cao hơn để phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của người Việt Nam.
Xuất khẩu của EU sang Việt Nam trong giai đoạn này cũng tăng ở mức khoảng 18%, trong đó có những mặt hàng như hóa chất, dược phẩm, ôtô và phụ tùng ôtô… là những mặt hàng có chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp Việt Nam và của người tiêu dùng Việt Nam.
Về cơ bản, theo đánh giá của cả Bộ trưởng thương mại Việt Nam và Cao ủy Thương mại EU thì sau một năm nhìn nhận lại quá trình thực thi này, mặc dù có những khó khăn rất lớn từ đại dịch COVID-19 nhưng hai bên đã thực hiện tương đối thành công Hiệp định này.
– Thưa ông, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng như thế nào tới việc tận dụng các lợi thế từ EVFTA của cả Việt Nam và EU?
Ông Lương Hoàng Thái:Ngay trước khi đưa Hiệp định vào thực thi thì hai bên cũng đã bàn đến một loạt biện pháp để có thể tăng cường quan hệ song phương của hai bên với nhau. Song đại dịch COVID-19 diễn ra đã tác động rất lớn đến hoạt động thương mại và đầu tư.
Ví dụ, các nhà đầu tư EU có thể họ quan tâm đến Việt Nam, nhưng do dịch COVID, chắc chắn họ gặp khó khăn trong việc đi sang Việt Nam. Mặc dù có xu hướng đó, nhưng có thể thấy quan hệ thương mại và đầu tư song phương đều có những bước cải thiện tương đối tốt so với giai đoạn trước khi Hiệp định được đưa vào thực thi.
Hai bên cũng đã bàn các biện pháp và ngay lập tức chuyển sang những hình thức như là tăng giao thương giữa hai bên sang những hình thức trực tuyến, đặc biệt là Cục Xúc tiến thương mại của Việt Nam và những Vụ thị trường cũng như Cơ quan đại diện thương mại -Thương vụ Việt Nam tại EU đã vào cuộc rất sớm thông qua việc soạn thảo những tài liệu.
Đơn cử, hàng thủy sản nếu như đi vào thị trường Pháp thì cần tiếp cận qua những kênh phân phối nào, quy định cụ thể về tiêu chuẩn chất lượng đối với hàng thủy sản như thế nào… cơ quan chức năng đã cung cấp và tổ chức những sự kiện giao thương theo hình thực trực tuyến giữa hai bên.
Những hình thức này mặc dù chưa đáp ứng được trông đợi của hai bên như kỳ vọng ban đầu bởi có những sự kiện còn mong đợi cao hơn nữa để giúp doanh nghiệp. Thế nhưng phần nào cũng đã đáp ứng được nguyện vọng của hai bên trong bối cảnh đại dịch diễn ra.
Chính vì vậy, về cả thương mại và đầu tư giữa hai bên đều gia tăng và đặc biệt như lời của ông Cao ủy thương mại EU là trong bối cảnh COVID có được kết quả như vậy rất đáng trân trọng, khi mà cả xuất khẩu và nhập khẩu của EU đều giảm thì quan hệ thương mại với Việt Nam (trong đó có cả nhập khẩu từ Việt Nam và xuất khẩu của Việt Nam đều tăng) đặc biệt, nếu như chúng ta so với các thị trường khác thì mức tăng này là rất đáng kể.
Những kết quả ban đầu là cơ sở tốt để hai bên thúc đẩy những cách làm mới trong thời gian tới.
– Cùng với EVFTA, ông nhìn nhận như thế nào về sự thay đổi trong cải cách thể chế của Việt Nam một năm qua?
Ông Lương Hoàng Thái:Có thể thấy, EVFTA không chỉ hướng đến việc tận dụng những cơ hội về mở cửa thị trường ngắn hạn mà lâu dài là hướng đến những cải cách thể chế theo định hướng thị trường và đây là cơ sở để Việt Nam có thể phát triển về mặt dài hạn.
Đã có rất nhiều vấn đề được hai bên đã thảo luận, thực thi. Ví dụ như ngành công nghiệp, ngành ôtô là ngành quan trọng trong phát triển cơ khí thì những tiêu chuẩn mà EU áp dụng là tương đương với tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc, đây chính là cơ sở để giúp chúng ta phát triển và Việt Nam cũng đã chuyển mạnh sang áp dụng những tiêu chuẩn quốc tế này.
Cụ thể, tiêu chuẩn về khí thải Euro3, Euro4, Euro5… chính là tiêu chuẩn quốc tế mà thông qua Hiệp định này đã thúc đẩy Việt Nam áp dụng những tiêu chuẩn quốc tế ở mức độ cao như vậy…
– Cán cân thương mại giữa Việt Nam-EU trong 6 tháng 2021:
Nếu như chúng ta có bước chuyển mình như vậy thì không những đáp ứng được quyết tâm của Chính phủ là không đánh đổi lợi ích kinh tế mà xem nhẹ những giá trị môi trường, xã hội. Nhưng quan trọng hơn nữa đó là chúng ta có được sự phát triển mang tính bền vững.
Không phải chỉ ở Việt Nam, chúng ta đảm bảo những tiêu chuẩn đó mà hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU thì hoàn toàn có khả năng xuất khẩu ra thị trường khác, đây là cái rất quan trọng.
Tương tự, ở nhiều lĩnh vực khác, chúng ta cũng đã có những cam kết rất mạnh mẽ về việc cải thiện môi trường kinh doanh sao cho nó phù hợp về tiêu chuẩn quốc tế.
Trong hiệp định EVFTA có rất nhiều Chương khác nhau đưa ra những quy định như vậy và trong quá trình trao đổi thì hai bên cũng đã thống nhất một số vấn đề quan trọng khác nữa.
Đơn cử, trong lĩnh vực y tế là lĩnh vực hiện nay hai bên đều rất quan tâm thúc đẩy và tăng cường hỗ trợ. Cao ủy thương mại EU cũng đồng thời là Phó Chủ tịch của Ủy ban châu Âu cũng khẳng định hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực y tế này, đặc biệt là trong bối cảnh vaccine phòng dịch COVID-19.
Để làm được điều đó thì cách mà hai bên quản lý ngành dược phẩm cũng rất quan trọng. Hai bên đã thống nhất được 3/4 nội dung mà dự kiến là Hiệp định này nêu ra và những quy định đó hài hòa với những quy định của Việt Nam, nó phù hợp, đáp ứng với không phải chỉ tiêu chuẩn của EU đâu mà đây là tiêu chuẩn của Tổ chức y tế thế giới.
Chính vì vậy mà chúng ta có hy vọng là ngoài lĩnh vực này thì còn những lĩnh vực khác, nếu như hai bên có cách tiếp cận như vậy thì chúng ta có thể có những bước thay đổi quan trọng để làm sao hài hòa hệ thống quản lý tiêu chuẩn của chúng ta từng bước đáp ứng với những tiêu chuẩn của quốc tế, để chúng ta có thể hội nhập mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
– Xin cảm ơn ông./.