Nhiều người tưởng rằng Mỹ chỉ thất bại trước Việt Nam một lần khi buộc phải rút quân năm 1973. Nhưng nếu suy xét kỹ thì Mỹ không chỉ thất bại một lần và cũng không chỉ có thất bại. Cụ thể:
+ Thất bại thứ nhất: Mỹ đổ tiền của cho Pháp trong một “cuộc chiến tranh uỷ nhiệm”. Đến giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, Mỹ đã tài trợ cho Pháp tới 80% chiến phí. Thậm chí, không quân Mỹ trực tiếp tham chiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Kết quả ra sao, ai cũng rõ. Mỹ thất bại do tốn của, tốn người mà không thể ngăn chặn được VNDCCH giành quyền độc lập, tự chủ. Hơn thế, bọn họ đã gián tiếp giúp cho “phe XHCN” có thêm một thành viên ở khu vực Đông Nam Á;
+ Thất bại thứ hai: Mỹ hất cẳng Pháp và dựng lên Chính thể VNCH do Ngô Đình Diệm đứng đầu. Dự kiến của Mỹ là chỉ đổ tiền của và các cố vấn (thực chất là chỉ huy) để giật dây chính quyền Ngô Đình Diệm. Họ đã làm hết sức mà chính phủ bù nhìn này vẫn không có cơ hội tồn tại trước sức đấu tranh của nhân dân MNVN, Mỹ đành phế bỏ Ngô Đình Diệm, mở đường cho việc trực tiếp đổ quân vào MNVN (nhiều tài liệu cho biết Ngô Đình Diệm phản đối việc Mỹ đưa quân vào MNVN. Thậm chí còn nói đến mối liên hệ bí mật giữa anh em Diệm – Nhu với đại diện của VNDCCH);
+ Thất bại thứ ba: với sức mạnh về quân sự, kinh tế, KHKT của siêu cường số 1 thế giới, Mỹ hùng hổ đổ quân vào MNVN như muốn “ăn tươi, nuốt sống” lực lượng Giải phóng quân MNVN non trẻ, đồng thời leo thang đánh phá miền Bắc hòng ngăn chặn việc chi viện cho miền Nam. Nhưng Mỹ liên tiếp vấp phải những thất bại trong việc áp dụng các học thuyết, chiến lược đình đám. Đến sau Mậu Thân 1968, Mỹ chính thức nhận thức được mình đã “sa lầy” trong Chiến tranh Việt Nam nên thay đổi chiến thuật, “vừa đánh, vừa đàm” để rút lui trong danh dự. Kết cục, Mỹ vội vã cuốn gói sau trận “Điện Biên Phủ trên không”. Một thất bại ngoài sức tưởng tượng của Chính giới, giới quân sự Mỹ và các nhà quan sát quốc tế;
+ Thất bại thứ tư: sau khi Mỹ đổ quân vào MNVN, chỉ vài năm sau, hình ảnh về tội ác mà lính Mỹ và chư hầu (gồm cả quân đồng minh và QL VNCH) lan tràn trên các phương tiện thông tin đại chúng phương Tây. Phong trào phản chiến lên rất mạnh tại nước Mỹ và nhiều quốc gia khác. Có thể nói đây là phong trào phản chiến lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Uy tín quốc tế của Mỹ giảm sút thê thảm. Thất bại đau đớn này buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán hoà bình với VNDCCH;
+ Thất bại thứ năm: trên bàn đàm phán Hiệp định hoà bình Paris, Mỹ đã vấp phải thái độ cương quyết và bền bỉ của những nhà ngoại giao Việt Nam. Từ thái độ hung hăng, ngạo mạn ban đầu, dần dần, phía Mỹ phải nhượng bộ, chấp nhận vị thế ngang hàng, bình đẳng với VNDCCH. Cuối cùng, họ bước ra khỏi vòng đàm phán cuối cùng như thoát được gánh nặng ngàn cân trên lưng. Rất nhiều nội dung tưởng chừng là không tưởng khi mới bước vào đàm phán Mỹ đã buộc phải chấp nhận;
+ Thất bại thứ sáu: khi Việt Nam đưa quân vào Campuchia, Mỹ đã “đi đêm” với Trung Quốc để mượn cớ vùi dập Việt Nam. Cùng với việc bắt tay với Trung Quốc, Mỹ lôi kéo các đồng minh ở Đông Nam Á và thuyết phục các đồng minh phương Tây để bao vây, cấm vận kinh tế Việt Nam, đồng thời gián tiếp dung dưỡng, bao bọc cho Kh’me đỏ để bọn chúng chống phá Việt Nam thêm 10 năm. Nhưng cuối cùng, Việt Nam vẫn bước ra khỏi cuộc chiến với tư cách người cứu giúp Nhân dân Campuchia khỏi nạn diệt chủng và chỉ rời đi khi chính quyền Campuchia đủ sức ngăn chặn bè lũ diệt chủng quay trở lại. Việt Nam đã “bàn giao” lại nhiệm vụ bảo vệ và tái thiết Campuchia cho Liên hợp quốc chứ không phải cho bất kỳ cường quốc đơn lẻ nào;
+ Thấy bại thứ bẩy: trong hơn 1 thập kỷ, kể từ sau 30/4/1975, Mỹ tài trợ cho các tổ chức lưu vong hòng lật đổ chính quyền cách mạng ở MNVN. Điển hình là đám Hoàng Cơ Minh và đồng bọn, tổ chức của Lê Quốc Tuý và Mai Văn Hạnh, Fulro… nhưng tất cả các kế hoạch này đều thất bại thảm hại. Thất bại cuối cùng là khi Lê Quốc Tuý và Mai Văn Hạnh và đồng bọn bị “mẻ lưới” CM12 của lực lượng An ninh Việt Nam tóm gọn. Từ đó, Mỹ chuyển hướng chiến lược, ngừng tài trợ cho các tổ chức phản cách mạng lưu vong;
+ Thất bại thứ tám: Khi Liên Xô tan rã và Đông Âu sụp đổ, Mỹ đã nhận thấy cơ hội tuyệt vời để lật đổ thể chế chính trị của Việt Nam. Dù Việt Nam suy yếu do lâm phải khủng hoảng kinh tế, hoàn toàn mất chỗ dựa từ Liên Xô và Đông Âu nhưng Mỹ biết không thể dùng biện pháp quân sự (trực tiếp và gián tiếp) để lật đổ Việt Nam. Được cổ vũ bởi thành công của “diễn biến hoà bình” tại Liên Xô và Đông Âu, Mỹ quyết định chuyển hướng, dùng “diễn biến hoà bình” để thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam. Cách này rất thông minh, vừa được tiếng tốt (tỏ ra nhân đạo khi xoá bỏ cấm vận, đồng ý để IMF, WB, ADB cho Việt Nam vay, đồng ý để các doanh nghiệp làm ăn với Việt Nam…) vừa là áp dụng thủ đoạn “con cáo gửi chân” để cài cắm lực lượng, dần thay đổi nhận thức của dân chúng và làm lung lạc các thế hệ lãnh đạo trẻ của Việt Nam, dần ngả theo Mỹ. Dự kiến, 10-15 năm sẽ có “cách mạng mầu” ở Việt Nam. Kết quả là, Việt Nam đứng vững với hơn 30 năm tăng trưởng liên tục.
+ Thắng lợi sau cùng: sau rất nhiều lần thất bại, dường như người Mỹ nhận thấy không thể khuất phục được dân tộc Việt Nam. Là siêu cường hùng mạnh nhất thế giới, người Mỹ đã tung mọi đòn đánh, với mọi sức mạnh trong tay mà chỉ đón nhận thất bại. Tuy nhiên, qua những lần giáp mặt, người Mỹ nhận thấy để khuất phục Việt Nam thì rất khó và phải trả giá quá đắt, nhưng để bắt tay hợp tác với Việt Nam để cùng nhìn về một hướng thì lại rất dễ và gần như không phải mất gì cả. Người Mỹ chợt nhận thấy người Việt phản ứng rất mạnh với những hành động ngang ngược của Trung Quốc tại Biển Đông. Cùng lúc, Mỹ và phương Tây nhận thấy Trung Hoa trỗi dậy là một mối nguy lớn đối với họ. Trong khoảng chục năm trở lại đây, quan hệ Việt Mỹ nồng ấm hơn bao giờ hết. Dần dần, Việt Nam và Mỹ xác lập mối quan hệ “đối tác thực chất”. Việt Nam trở thành đối tác quan trọng nhất của Mỹ ở Đông Nam Á, thực chất và hiệu quả hơn so với các đồng minh truyền thống như Philippines và Thái Lan. Đến đây, người Mỹ đã thu được thắng lợi lớn, với công thức “win – win” trong mối quan hệ với Việt Nam…