Nông dân Trung Quốc livestream kiếm triệu USD

Năm 2018, Jin Guowei còn ngập trong nợ nần và bán trái cây cho khách du lịch đến Lệ Giang (Vân Nam). Nhưng giờ, anh đã là một triệu phú.

Với nghệ danh Brother Pomegranate, anh Jin Guowei hiện là nhân vật nổi tiếng trên Internet với 7,3 triệu lượt theo dõi và 300 triệu nhân dân tệ (46 triệu USD) doanh thu vào năm 2020. Anh từng bán được 6 triệu nhân dân tệ tiền lựu trong 20 phút.

Đó là xu hướng khởi nghiệp đang nở rộ ở nông thôn Trung Quốc. Nông dân và những người kinh doanh nông sản ở các tỉnh xa đang bán hàng trực tiếp cho khách hàng thành thị thông qua những buổi livestream. Doanh thu do những người sáng tạo nội dung video về nông thôn trên Douyin – phiên bản nội địa của TikTok- của ByteDance đã tăng gấp 15 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Một buổi livestream của Brother Pomegranate. Ảnh: Liang Taiping.

Một buổi livestream của Brother Pomegranate.Ảnh: Liang Taiping.

Một nông dân khác, Guo Chengcheng, tương tác với 2,5 triệu người hâm mộ Douyin từ cánh đồng của gia đình. Khi nhà cô đang thu hoạch mùa màng thì người xem có thể nhấn vào một liên kết trên màn hình để mua sản phẩm.

Guo bán đủ loại nông sản, từ bí ngô mini đến đào rừng, với nhiều loại do người dân trong làng trồng. Trước đây, cô từng bán hàng trên WeChat của Tencent, chốt được khoảng một trăm đơn hàng mỗi ngày. Giờ đây, cô nhận tới 50.000 đơn hàng mỗi lần phát trực tiếp – kiếm được ít nhất 9 triệu nhân dân tệ mỗi tháng.

Guo Chengcheng và Brother Pomegranate là một phần trong dòng người quay về quê nhà sau nhiều thập kỷ mưu sinh ở thành phố. Douyin cho biết 54% influencer (nhũng người có ảnh hưởng trên mạng xã hội) ở nông thôn là những người trẻ tuổi hồi hương, được gọi là “fanxiang qingnian”.

Xu hướng đó càng rõ rệt từ khi có Covid-19, với hơn 23 triệu người lao động nhập cư Trung Quốc đã ở lại quê nhà. Khi hệ thống giao thông của quốc gia ngừng hoạt động năm ngoái, các sản phẩm nông nghiệp bị hao mòn trong kho lưu trữ. Đồng thời, người tiêu dùng mắc kẹt ở nhà lại nấu ăn nhiều hơn bao giờ hết. Nhu cầu đối với hàng tạp hóa tươi sống trực tuyến tăng vọt và thương mại điện tử qua mạng xã hội phát triển đã tạo ra cơ hội đổi đời ít tốn kém cho một số nông dân.

“Ở những ngôi làng, ngay cả những khoảnh khắc bình thường nhất cũng trở thành những nội dung trực quan thú vị”, người bán hoa quả tên Jin cho biết: “Đó là những gì người dân thành phố không có và muốn xem.”

Số lượng nông dân tham gia livestream ở Trung Quốc là rất lớn và tăng nhanh. Hơn 100.000 nông dân đã phát livestream 2,52 triệu buổi trên Taobao Live của Alibaba trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3. Lượng người livestream về nông nghiệp có hơn 10.000 người theo dõi trên Douyin đã tăng 5 lần trong giai đoạn 2019 – 2020.

Để vận chuyển nông sản, người nông dân dựa vào hệ thống hậu cần của các công ty thương mại điện tử lớn như JD Logistics hay Cainiao của Alibaba, hoặc sử dụng SF Express. Tuy nhiên, bán hàng trực tiếp cũng khiến họ gặp nhiều rủi ro hơn, đặc biệt là từ những khách hàng yêu cầu hoàn lại tiền cho hàng hóa bị hư hỏng. Cạnh tranh ngày càng tăng và chi phí giao hàng lạnh cao hơn cũng làm giảm tỷ suất lợi nhuận. Nhưng đến nay, lợi nhuận từ việc tăng đơn đặt hàng và cơ sở khách hàng trung thành nhiều hơn vẫn bù đắp được khó khăn.

Guo Chengcheng bán đào trong buổi livestream ngày 2/7. Ảnh: Guo Xufeng.

Guo Chengcheng bán đào trong buổi livestream ngày 2/7.Ảnh:Guo Xufeng.

Các chuyên gia thương mại điện tử và những người livestream cho biết bí quyết thành công của trào lưu nông dân bán hàng là sự pha trộn giữa nỗi nhớ thiên nhiên của cư dân thành phố, mất lòng tin vào các khu chợ truyền thống vì bê bối an toàn thực phẩm và thú vui xem những nét mộc mạc độc đáo.

Khi các nền tảng video ngắn như Douyin và Kuaishou Technology mở rộng sang lĩnh vực thương mại điện tử, những tên tuổi khổng lồ như Taobao, JD và Pinduoduo cũng tăng tốc hỗ trợ nông dân để cạnh tranh. Chính nhờ thế, trào lưu nông dân livestream của Trung Quốc dẫn đầu thế giới.

Chưa có nơi nào thành công lớn ngoài nước này. Tại Đông Nam Á, Lazada của Alibaba vẫn chỉ mới tập trung sử dụng livestream để bán hàng tiêu dùng. Trên phạm vi toàn cầu, nông dân cũng chỉ mới dùng Bigo Live và TikTok để quay lại những trò hài hước hay cập nhật lối sống, chứ chưa tận dùng nhiều vào bán hàng.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, những người trồng trọt còn được chính quyền hỗ trợ để phát triển. Hôm 11/5, chính phủ nước này kêu gọi mở rộng phạm vi phủ sóng thương mại điện tử của các ngôi làng để nâng cao thu nhập của nông dân.

Hao Liang, Phó giáo sư tài chính tại Đại học Quản lý Singapore, đánh giá nông nghiệp vẫn là một trong những ngành quan trọng nhất ở Trung Quốc, sử dụng một phần tư lực lượng lao động. “Thị trường như vậy phù hợp với chiến lược quốc gia về tăng trưởng bao trùm của Trung Quốc”, ông nói.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Nông nghiệp Trung Quốc dự đoán, sự thiếu hụt nhân tài thương mại điện tử ở nông thôn dự kiến sẽ tăng 61,3%, lên 3,5 triệu người vào năm 2025. Vì vậy, các nền tảng đang ra sức phát triển người.

Douyin cho biết sẽ tăng hỗ trợ cho những nội dung về nông nghiệp. “Người nông dân cũng có thể có lợi nhuận cao hơn khi họ bán trực tiếp cho khách hàng”, phát ngôn viên của công ty nói.

Thách thức đối với những người nông dân livestream là giữ chân người hâm mộ trong một thị trường hay thay đổi. Họ buộc phải liên tục sáng tạo, tìm ra sự kết hợp phù hợp giữa sản phẩm hấp dẫn, tốt cho sức khỏe, khung cảnh và giải trí hấp dẫn.

Khi cầm lên một củ tỏi đầy đặn vào tháng 3, những người theo dõi của Jin đã giục anh ấy nếm thử. Anh ta cắn vào những tép tỏi đã bóc vỏ, khuôn mặt nhăn lại và thốt lên: “Cay thế mới là cay chứ!”.

Phiên An(theo Bloomberg)

Mục nhập này đã được đăng trong News. Đánh dấu trang permalink.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *