Một ngày tháng 5/2015, hàng tấn trang thiết bị được trực thăng đưa vào hang Én, phục vụ chương trình phát sóng trực tiếp từ Sơn Đoòng của kênh ABC.
Oxalis – đơn vị duy nhất được cấp phép thực hiện tour thám hiểm tới hang Sơn Đoòng – đầu năm 2015 nhận được thư điện tử của bà Maria, Giám đốc sản xuất chương trình Good Morning America (GMA) – Chào buổi sáng nước Mỹ, đài truyền hình ABC. Trong thư, bà Maria bày tỏ mong muốn làm một chương trình phát sóng trực tiếp từ hang động lớn nhất thế giới tại Việt Nam, để gửi đến khán giả trên toàn nước Mỹ.
Nhắc lại sự kiện này, ông Nguyễn Châu Á, CEO của Oxalis, cho biết rất vui mừng, song không quá bất ngờ vì đây là một bước trong chiến lược quảng bá vẻ đẹp Sơn Đoòng. Trước đó, ông đã mời nhiếp ảnh gia du lịch người Mỹ Ryan Deboodt ghi lại những thước phim tài liệu, hình ảnh sống động trong hang, với mục đích thu hút các đài truyền hình lớn như National Geographic, CNN, ABC… đến đây. Trong loạt thư ngỏ từ các đài truyền hình ở nhiều quốc gia, ông quyết định chọn đài ABC với chương trình “Thế giới bị ẩn giấu”, mong muốn sẽ tạo nên tiếng vang lớn cho tour du lịch mạo hiểm Sơn Đoòng.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng ông Châu Á (ngoài cùng bên phải) băng rừng, lội suối tiến về Hang Én trong ngày 13/5/2015. Ảnh: Thuận Thắng.
Nhận được lời mời hợp tác với chương trình truyền hình ăn khách nhất nước Mỹ, theo lời ông Châu Á, là một sự may mắn. Chương trình cũng nhận được sự quan tâm, cho phép của chính quyền địa phương, Bộ Ngoại giao và đặc biệt là có sự xuất hiện của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, trong phần giới thiệu về du lịch Việt Nam.
Tuần gần cuối của tháng 4/2015, sau chuyến khảo sát thành công ngoài mong đợi ở Quảng Bình, nhóm sản xuất chương trình GMA trở về Mỹ cùng sự hứng khởi; đội ngũ nhân viên công ty cũng làm việc không mệt mỏi, chuẩn bị công tác hậu cần và tham gia lên ý tưởng. Tất cả đều rất mong chờ một ngày phát sóng sau cả tháng nỗ lực, hang động hoang sơ nằm ẩn mình trong các khu rừng nhiệt đới Việt Nam sẽ sớm ra mắt khán giả.
Ngày 6/5/2015, nhóm sản xuất gồm 12 người của GMA có mặt tại Việt Nam để chuẩn bị cho chương trình ghi hình. Đội ngũ kỹ thuật đến Phong Nha cùng các trang thiết bị đi kèm, còn nữ MC Ginger Zee tới vịnh Hạ Long bằng thủy phi cơ để làm phần giới thiệu.
Để chương trình diễn ra thành công, hàng chục chuyến trực thăng cùng 150 nhân viên khuân vác là những người dân địa phương, nỗ lực vận chuyển 4 tấn trang thiết bị từ Phong Nha vào Hang Én, địa điểm dựng trại và ghi hình chính. Trước đó qua quá trình khảo sát, đội ngũ sản xuất quyết định lựa chọn Hang Én để lắp đặt các thiết bị, vì đây là cửa nối đi vào Sơn Đoòng và có địa hình bớt hiểm trở hơn. Giữa cái nắng gay gắt của miền Trung, ai nấy đều ướt đẫm áo nhưng ánh mắt, khóe miệng không giấu nổi niềm vui. Cách nửa vòng trái đất, những người Việt Nam tại Mỹ cũng nhắn gửi về ông Châu Á, rằng họ đang phát tờ rơi, giới thiệu cho những người hàng xóm đón xem chương trình và chiêm ngưỡng vẻ đẹp quê hương mình.
Những người dân địa phương đang làm việc tại công ty gùi đồ vào Hang Én, hiện nay công việc làm porter du lịch cũng giúp họ có nguồn thu nhập cao hơn và có ý thức bảo vệ rừng, hang động. Ảnh: NVCC.
Ngày 9/5/2015, người dẫn chương trình Ginger Zee, nhà sản xuất Bratley Price cùng nhóm quay phim với 7 chiếc flycam tiến về Sơn Đoòng để ghi lại những thước phim phụ. Đi cùng họ là gần 60 người hỗ trợ, bao gồm cả những chuyên gia hang động Hoàng gia Anh. Đứng trong hang động lớn nhất thế giới, Ginger liên tục cảm thán rằng trước mắt cô là một vẻ đẹp siêu thực, tưởng chừng chỉ có trong phim khoa học viễn tưởng; đây cũng là nơi xa xôi và nguy hiểm nhất cô từng tới. Còn Bratley nhiều lần nói như thét lớn “Tuyệt vời! Thật sự quá tuyệt vời”. Ông cho rằng những hình ảnh qua sóng truyền hình sẽ nhanh chóng “hạ gục” khán giả Mỹ.
Ngày 13/5/2015, đúng 6h giờ địa phương, nước Mỹ đón ngày mới với hành trình khám phá hang động hàng triệu năm tuổi tại Việt Nam. Hình ảnh Hố Sụt 1 và 2 cùng vườn trong hang, dòng nước ngầm, những khối thạch nhũ nhiều hình thù và cả những sinh vật bí ẩn lần lượt xuất hiện trước màn ảnh nhỏ của hàng triệu người.
Từ Hang Én, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam giới thiệu Việt Nam bằng tiếng Anh “Việt Nam là một đất nước hòa bình, an toàn và xinh đẹp. Với người dân nồng hậu, nền kinh tế sôi động, đất nước chúng tôi sẽ là một trong những điểm đến thú vị nhất để ghé thăm”.
Sau khi chương trình về Sơn Đoòng phát sóng, đã có hơn 60 triệu lượt xem từ kênh truyền hình trực tiếp và trực tuyến từ các nền tảng của ABC. Theo đánh giá của chủ tịch hãng truyền hình, đây là một trong những chương trình lớn nhất mà hãng thực hiện bên ngoài nước Mỹ. Không chỉ người Mỹ, chương trình còn nhận được phản hồi tích cực từ khán giả trên khắp thế giới.
Từ cuối 2013, trong những năm đầu tiên được cấp phép khai thác tour du lịch mạo hiểm vào Sơn Đoòng, Công ty Oxalis đón tổng cộng chưa đến 300 khách. Sau chương trình, số lượng khách mỗi năm 2015 và 2016 là khoảng 500 người, do thời điểm này tour bắt buộc vào và quay ra cùng đường. Từ những năm sau đó, khi đã có đường ra tại “Bức tường Việt Nam”, đảm bảo khách đi xuyên hang, số lượng người tham gia tour Sơn Đoòng gần 1.000 khách mỗi năm, đây cũng số lượng khách giới hạn tối đa được vào hang động mỗi năm để bảo tồn và phát triển du lịch bền vững.
Những năm tiếp theo, Sơn Đoòng tiếp tục xuất hiện trong MV ca nhạc của ca sĩ Alan Walker hay dự án Sơn Đoòng 360 độ của National Geographic. Theo ông Châu Á, những chương trình truyền hình, dự án phim truyền hình hay ca nhạc được thực hiện tại Quảng Bình, không chỉ khẳng định sức hút của hang động lớn nhất thế giới, mà còn là du lịch Việt Nam.
Lan Hương