Bắc Giang – vùng Kinh Bắc xưa – là miền quê nổi tiếng có nhiều di tích.
Theo số liệu thống kê của Ban Quản lý di tích, tỉnh Bắc Giang có khoảng 2.237 di tích các loại, trong đó đã tiến hành lập hồ sơ khoa học và pháp lý xếp hạng 461di tích lịch sử-văn hoá, danh lam thắng cảnh (trong đó có 109 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 352 di tích được xếp hạng cấp tỉnh). Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có khá nhiều di tích còn nguyên vẹn, từ nghệ thuật kiến trúc, họa tiết hoa văn, tư liệu lịch sử-văn hóa, đồ thờ tự như: Đình Lỗ Hạnh (xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hoà); đình Phù Lão (xã Đào Mỹ, huyện Lạng Giang); đình Thổ Hà (xã Vân Hà, huyện Việt Yên), chùa Bổ Đà (xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên); đình Hả (xã Tân Trung, huyện Tân Yên), chùa Vĩnh Nghiêm (xã Trí Yên, huyện Yên Dũng)… Mỗi di tích lịch sử-văn hoá của Bắc Giang đều có đặc trưng, sắc thái riêng. Người được thờ trong các di tích ấy cũng không giống nhau: Có thể là nhân thần, nhiên thần, cũng có thể là tín ngưỡng thờ phồn thực, thờ thành hoàng làng, thờ mẫu… Đây chính là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân trong tỉnh. Không những thế, các di tích này cùng với các sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội gắn với di tích còn tạo sức hút mạnh mẽ với du lịch, trở thành những điểm đến hấp dẫn của du lịch Bắc Giang.
Sơ lược về hệ thống di tích ở Bắc Giang
Hệ thống di tích ở Bắc Giang phản ánh quá trình hình thành phát triển của địa phương trong suốt các chặng đường lịch sử. Thời Hùng Vương ở Tiên Lát (Việt Yên) có đền thờ Thạch Linh thần tướng, ở Hòa Sơn (Hiệp Hòa) có đền thờ Đức thánh Hùng Linh công. Thời Lý ở Tòng Lệnh xã Trường Giang (Lục Nam) có đền thờ các công chúa thời Lý. Ở Trại Quan xã Đông Hưng (LucjNam) phát hiện được gạch xây ở lăng Trại Quan có niên đại “Lý gia đệ tam đế Long Thuỵ Thái Bình tứ niên tạo (đời vua nhà Lý thứ ba, niên hiệu Long Thụy Thái Bình năm thứ tư làm ra-1057).Chùa Cao xã Khám Lạng (Lục Nam) dấu tích xây dựng từ thời Lý- Trần, các ngôi chùa khác như chùa Hòn Tháp, Yên Mã (xã Cẩm Lý), chùa Bình Long (xã Huyền Sơn), chùa Hồ Bấc (Nghĩa Phương – LụcNam)… được xây dựng thời Trần. Chùa Vĩnh Nghiêm xã Trí Yên, Yên Dũng cũng là một danh lam cổ tự được xây dựng từ thời Lý-Trần. Thời Lê Sơ ở Lục Nam mới phát hiện được ngôi chùa Khám Lạng (thôn Bến) xã Khám Lạng. Hiện ở chùa còn lại sập đá lớn có niên hiệu Thuận Thiên thứ 5 (1432) và ba bệ tượng hoa sen bằng đá có niên hiệu Hồng Đức thứ 8 (1482). Thời Lê Mạc ở Lục Nam tiêu biểu có khu di tích đình đền chùa Thượng Lâm (xã Thanh Lâm) thờ Trần Cảo- Trần Cung, thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa nông dân đầu thế kỷ XVI chống lại triều đình phong kiến thời Lê Sơ.Thời Mạc ghi dấu ấn với đình Lỗ Hạnh ( xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa) ngôi đình được mệnh danh là “đệnhất Kinh Bắc” có niên đại xây dựng sớm nhất ở Việt Nam (1576) còn lưu giữ được cho đến nay.
Thành nhà Mạc đắp bằng đất từ cuối thế kỷ XVI chạy từ Nam lên Bắc từ núi Bảo Đài qua núi Ải (Đông Phú) ven theo mạn bắc núi chạy vào khu Trại Mít (Tiên Nha) rồi ăn vào sông Lục Nam, qua bờ bên Đông, chạy vào đất làng Vườn, làng Hố Nước, vào khu vực đền Hàn Lâm (Nghĩa Phương), rồi dừng lại ở chân núi Mang thuộc dãy Huyền Đinh – Yên Tử. Thành nhà Mạc chạy cắt ngang thung lũng sông Lục Nam chừng 18km, là một di tích về tài năng quân sự thời cổ. Thời Lê Trung Hưng để lại ở Bắc Giang nhiều công trình kiến trúc cổ là đình, chùa, tiêu biểu như đình Thổ Hà, đình Hương Câu, đình Đông Lâm, đình Sàn, đình Thân, đình Đan Hội, đình Hà Mỹ, đình Bảo Sơn, đình Gai, đình Trung Đồng…, chùa Tè, Trung An, làng Non, Khám Lạng, chùa Trắng (Đông Phú) làng Vườn (Cương Sơn), làng Húi (Đan Hội)…, hệ thống lăng đá cổ Hiệp Hòa, Việt Yên, Tân Yên. Thời Tây Sơn ở Lục Nam còn ngôi đình Rìa (Đông Phú) có niên đại tạo dựng: Hoàng Triều Bảo Hưng nhị niên tạo (tức niên hiệu Bảo Hưng năm thứ 2 -1802).
Thời cận đại ghi dấu đậm nét tại các di tích trong hệ thống di tích liên quan tới cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế. Thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, Bắc Giang có Trung tâm huấn luyện quân Mai Sưu, địa điểm bắn rơi máy bay Mỹ xã Dương Hưu, xã Nghĩa Phương.
Các điểm di tích tiêu biểu gắn với du lịch
Cùng với hệ thống di tích trải dài theo dòng thời gian, Bắc Giang còn có những điểm di tích mang những dấu ấn riêng đậm nét, tạo nên những điểm nhấn khiến du khách đến tham quan nhớ mãi:
Chùa Vĩnh Nghiêm, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng , Bắc Giang.
Chùa Vĩnh Nghiêm có tên gọi khác là chùa Chúc Thánh, chùa Đức La nằm trên quả đồi thấp, phía sau núi Cô Tiên, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng. Chùa có từ thời Lý. Đến thời Trần, vua Trần Nhân Tông sau khi xuất gia, chọn đây làm nơi tu hành, thống nhất các dòng đạo Phật giáo Việt Nam và trở thành tổ của dòng thiền Trúc Lâm. Hai vị tổ khác là các nhà sư Pháp Loa, Huyền Quang cũng tu tại chùa. Theo nội dung văn bia, chùa Đức La được trùng tu năm 1606. Đến năm 1934, chùa được tu sửa lớn. Dân gian từ xưa có câu:
“Ai qua Yên Tử, Quỳnh Lâm
Vĩnh Nghiêm chưa tới, thiền tâm chưa đành”.
Chùa Vĩnh Nghiêmnằm ở chỗ hợp lưu của sông Lục Nam và sông Thương. Khu vực này năm xưa còn gọi là khu vực ngã ba Phượng Nhãn. Chùa nhìn ra ngã ba sông và nhìn về phía Lục Đầu Giang – Kiếp Bạc. Phía sau chùa là thôn Đức La xa hơn nữa là vùng Cẩm Lý cửa ngõ ra vào vùng núi Yên Tử. Bao quanh chùa có một số núi lớn tiêu biểu là núi Cô Tiên. Ra vào chùa có thể đi theo sông Thương, sông Lục Namvà con đường quốc lộ 31 đi Trí Yên (Yên Dũng). Khu chùa Vĩnh Nghiêm hiện còn rộng chừng 1ha, bao gồm các công trình kiến trúc lớn: tam quan, chùa Phật, nhà tổ đệ nhất, gác chuông, nhà tổ đệ nhị. Có nhiều tượng ở Phật điện, đặc biệt có bộ tượng Trúc Lâm tam tổ (Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang). Chùa có hơn ba nghìn ván in kinh chứa chật nhà kho 10 gian. Nay còn hai kệ lớn ván in Hoa Nghiêm kinh, Giới ni kinh, sa di kinh…. Hội chùa La tổ chức vào ngày 14 tháng 2 âm lịch hàng năm. Ngày này các sư gọi là ngày giỗ tổ nên cũng gọi là hội giỗ tổ chùa La. Năm 2012, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm vinh dự được công nhận là Di sản ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Với những giá trị vô giá về lịch sử, văn hóa đó, chùa Vĩnh Nghiêm được du khách khắp nơi hướng về.
Đền Nguyệt Hồ, xã Hương Vĩ, huyện Yên Thếlà một trong những di tích cổ gắn liền với hàng ngàn năm lịch sử và văn hiến của quê hương Bắc Giang. Những năm gần đây đền Nguyệt Hồ là điểm nhấn tâm linh tín ngưỡng của đông đảo nhân dân và du khách thập phương. Hàng năm, có tới hàng ngàn lượt khách từ khắp các tỉnh, thành trong nước hành hương tìm về đền Bà Chúa Nguyệt Hồ để xin lộc, cầu tài, cầu bình an trong cuộc sống.
Đền bà chúa Nguyệt Hồ có lịch sử từ lâu đời, xưa ngôi đền có một cung đặt tượng thờ Nguyệt Nga công chúa và bài trí tượng thờ theo đạo thờ Mẫu. Qua thời gian, ngôi đền đã được tu sửa tôn tạo nhiều lần thêm phần khang trang. Quần thể di tích hiện nay gồm các hạng mục công trình: Cổng đền, khu sân đền, hồ Nguyệt, khu đền chính gồm toà đại bái và hậu cung, kiến trúc theo lối cổ truyền thống. Trong hậu cung đặt tượng bà chúa bản đền, chúa Nguyệt Hồ (tức Nguyệt Nga công chúa) và bài trí tượng thờ theo đạo thờ Mẫu gồm hàng Thánh Mẫu tới hàng Quan, hàng Chầu, ông Hoàng, các cô, cậu và Đức Thánh Trần. Hai cung ngoài toà đại bái cũng bài trí tượng thờ theo đạo thờ Mẫu. Như vậy, theo bề dày lịch sử, đền Nguyệt Hồ đã được phủ lên nhiều lớp tín ngưỡng, ngoài thờ “Bà chúa Nguyệt Hồ – Chúa Bói”, còn thờ “Tam toà Thánh Mẫu”, thờ Cô, thờ Cậu, thờ Sơn Trang, thờ các ông Hoàng và đức Thánh Trần Triều…
Lễ hội đền Nguyệt Hồ vào ngày 15-2 âm lịch, nằm trong không gian chung của tín ngưỡng thờ Mẫu theo tuyến hành lễ đền Nguyệt Hồ – đền Suối Mỡ – đền Bắc Lệ – đền Mỏ Ba – đền Thượng Đồng Đăng và cuối cùng xuôi về đền Bà Chúa Kho – Bắc Ninh. Trong ngày lễ chính, nhân dân vùng Bo rước kiệu từ đình Bố Hạ về đền Hạ, đền Trung và đền Thượng. Sau khi tế lễ tại đền Trung lại rước kiệu về đền Nguyệt Hồ. Tại đây phần tế lễ chúa Nguyệt Hồ được tiến hành với những nghi lễ độc đáo. Bài văn cúng dâng chúa Nguyệt Hồ được thể hiện qua hình thức hát văn. Người được chọn diễn xướng hát văn phải có giọng hát hay, đàn giỏi, gia đình không có tang bụi. Trong nghi thức thờ Mẫu ở đền bà chúa Nguyệt Hồ còn có lệ hầu bóng được diễn ra trong các dịp đầu năm và trong ngày lễ hội. Khách về lễ Mẫu và hầu bóng chủ yếu là khách thập phương từ Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Nội… tụ hội về đây để được dâng văn hầu chúa Nguyệt Hồ.
Khu di tích thắng cảnh Suối Mỡthuộc địa phận xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam. Suối Mỡ là con suối nhỏ, bắt nguồn từ khu núi chùa Hồ Bấc với độ cao chừng hơn 600m rồi chảy qua khu đá vách và Hố Chuối của núi Tay Ngai, núi Bà Bô thuộc dãy Huyền Đinh Yên Tử. Các núi đó đều có độ cao trung bình từ 100m trở lên. Từ độ cao ấy, Suối Mỡ ngoằn ngoèo uốn lượn theo các khe núi rồi đổ xuống thung lũng Khả Lễ – Nghĩa Phương, do chính dãy Huyền Đinh – Yên Tử tạo nên. Nơi đây thượng nguồn Suối Mỡ từng nổi tiếng là một vị trí chiến lược quan trọng. Đó là khu chiến ải trong lịch sử chống Nguyên Mông thời nhà Trần. Theo con đường hiểm hóc này có khu Ba Dinh – Bảy Nền, rồi chùa Trần, bãi Quần Ngựa, đấu Đong Quân… đều là di tích kể về thời Trần Hưng Đạo đánh giặc.
Phong cảnh suối Mỡ, xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam.
Lui xuống vài đợt núi nữa, suối Mỡ tới đền Thượng tạo thành các thác lớn nhỏ chảy xuống đền Trung, đền Hạ. Theo một số tư liệu, sử sách và cả những lời truyền ngôn ở địa phương thì khu đền khởi dựng từ bao giờ không ai nhớ nữa. Chỉ biết đến thời Hậu Lê, vào khoảng thế kỷ XVI, XVII đền suối Mỡ được mở mang khang trang rực rỡ. Trải bao thời kỳ biến động, ngày nay cảnh quan khu đền đã đổi khác. Không còn những cột lim to sơn rồng vẽ phượng vàng son chói lọi, không còn những đồ thờ lộng lẫy tinh xảo nữa…nhưng nền cũ và bao cột đá tảng chân kê vẫn còn nguyên đây (được thay thế bằng ngôi đền mới tu dựng khang trang). Ba ngôi đền thờ chung một vị nữ thần “Thánh Mẫu Thượng Ngàn” được nhân cách hóa thành nàng công chúa Quế Mỵ Nương con gái vua Hùng Định Vương có công mở suối mang lại dòng nước nguồn sống cho dân.
Hội đền Suối Mỡ từ xưa được tổ chức trong ba ngày từ 30/3 đến hết ngày 2/4 âm lịch để tưởng nhớ đến vị Thánh mẫu Thượng Ngàn có công với nhân dân nơi đây. Trong ngày hội, đền Hạ là nơi tập trung khách thập phương từ các nơi đổ về đây để lễ thánh. Đặc biệt, hội Suối Mỡ bao giờ cũng có hát văn- một hình thức văn hoá dân gian đặc sắc. Từ năm 1987 đến nay, hát văn ở đền Suối Mỡ được tổ chức như một nội dung chính làm cho không khí của ngày hội càng thêm cuốn hút du khách đến với Suối Mỡ.
Hệ thống lăng đá Hiệp Hòa:Trong những năm gần đây, du khách trong và ngoài nước biết đến truyền thống văn hoá huyện Hiệp Hoà không chỉ qua trống đồng Bắc Lý, di chỉ khảo cổ học Đông Lâm, đình Lỗ Hạnh, hay một vùng quê cách mạng bất khuất kiên trung trong các cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc. Hiệp Hoà còn nổi tiếng với hệ thống lăng đá có giá trị lịch sử văn hoá và nghệ thuật kiến trúc độc đáo tiêu biểu.
Lăng đá là loại hình kiến trúc lăng mộ, nơi an nghỉ và thờ tự của các quan lại cao cấp thời phong kiến. Qua tìm hiểu, nghiên cứu cho biết trong hơn 20 lăng đá hiện có của huyện Hiệp Hoà, lăng được xây dựng sớm nhất là lăng Đĩnh quận công Ngô Công Mỹ, xã Thái Sơn xây dựng vào năm Thịnh Đức thứ 3 (1655), lăng xây dựng muộn nhất là lăng Lan trung hầu Nguyễn Hạnh Thông, xã Đông Lỗ có niên đại vào năm Cảnh Trị thứ 9 (1771). Mặc dù được xây dựng vào các thời điểm khác nhau, song hệ thống lăng đá ở đây có một số đặc điểm chung là: Cảnh quan ngoại thất đẹp, thoáng, gần nước, đạt tiêu chuẩn cao nhất của thuật phong thủy tại vùng đất ấy. Lăng xây lộ thiên, có bình đồ kiến trúc hình chữ nhật (nằm dọc, hoặc nằm ngang), chia làm hai khu: khu thờ tự và mộ táng. Cách bày đặt bên trong khu lăng theo phương pháp đối xứng, cao dần từ ngoài vào trong. Trong gần chục lăng đá còn được bảo tồn tương đối vẹn nguyên, có giá trị nghệ thuật cao trong hệ thống lăng đá Hiệp Hoà phải kể tới: lăng Bầu, lăng Dinh Hương, lăng họ Ngọ, lăng Nội Dinh, lăng họ Bùi, lăng họ Hà, lăng Ngọ Khổng…Trong đó, có hai khu lăng tẩm là lăng Dinh Hương và lăng họ Ngọ được du khách biết tới nhiều hơn cả bởi quy mô kiến trúc và tính nghệ thuật cao.
Lăng Dinh Hương, thuộc xã Đức Thắng, cách trung tâm thị trấn Thắng chừng 1,5km về hướng Tây-Nam. Quần thể kiến trúc và điêu khắc đá độc đáo này có quy mô khoảng trên 300m2, ngoảnh hướng Đông. Đây là nơi an nghỉ của vị võ quan thuỷ chiến được phong tước Quận công, tên tự là La Đoan Trực. Bố cục mặt bằng kiến trúc khu lăng gồm hai phần chính: phần mộ táng và phần thờ tự. Phần mộ táng xây đá ong hình vuông, phía trước khu mộ đặt hai quan hầu dắt ngựa đứng chầu đối diện nhau qua đường thần đạo. Phần thờ tự cũng được xây vuông như phần mộ táng, tường vây bằng đá ong, phía trước xây bậc tam cấp, trên đặt sập đá, ngai thờ, hai bên có tượng hầu bê tráp và đôi nghê nằm phủ phục. Bên dưới ngai thờ là nhang án, bàn đá, đôi nghê ngồi châu đầu vào nhau qua đường thần đạo. Xa xa là đôi voi quỳ phủ phục chầu về. Phía bên phải khu mộ là nhà bia chổ 4 cửa quấn vòm, trong đặt bia đá ghi công trạng người được thờ. Dòng lạc khoản khắc ghi cho biết bia được tạo vào năm 1729.
Nhìn tổng quan, chất liệu tạo dựng công trình kiến trúc nghệ thuật lăng Dinh Hương chủ yếu bằng đá xanh, được đục đẽo, tỉa tót tinh xảo với các hoạ tiết mây lửa, cụm xoắn ốc nổi cao, các dải hoa văn kỷ hà lồng móc vào nhau đăng đối. Độc đáo hơn cả ở công trình kiến trúc này là nghệ thuật chạm khắc tượng tròn theo lối tả thực với khuynh hướng tự nhiên hoá. Tượng có kích thước lớn, hình khối mập, chắc. Từ mũ đội đầu, nếp áo, đôi giầy cỏ của tượng võ sĩ đến yên cương, bàn đạp, cái gù trên lưng ngựa… được các nghệ nhân xưa tỉa tách công phu, khiến các thể khối to giáp, thô cứng trở lên mềm mại, có hồn.
Nếu chất liệu tạo dựng lăng Dinh Hương chủ yếu dùng đá xanh xứ Thanh, thì công trình kiến trúc nghệ thuật lăng họ Ngọ phần nhiều tạo dựng bằng đá muối, nguyên liệu được khai thác trên núi I Sơn cùng huyện. Lăng họ Ngọ toạ lạc trên khuôn viên đất cao thoáng, sáng sủa, thuộc thôn Thái Thọ, xã Thái Sơn. Di tích nằm cách trung tâm huyện lỵ Hiệp Hoà chừng 4 km theo hướng Tây-Bắc. Đây là nơi an nghỉ của Quế quận công Ngọ Công Quế. Ông là võ quan triều Lê Trung Hưng, được phong “Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân, Tư lễ giám, Tổng thái giám, Tham đốc Dật quận công Ngọ tướng công”. Hiện nay, lăng họ Ngọ vẫn giữ được gần như vẹn nguyên nét kiến trúc ban đầu: Bình đồ kiến trúc hình chữ nhật dọc, chia làm hai lớp vây bọc, vật liệu chủ yếu làm bằng đá muối và đá ong, riêng chỉ có bia và tấm biển đề làm bằng đá xanh. Về kiến trúc, công trình được chia làm 5 hạng mục chính: cổng lăng, cổng ra vào khu mộ, nhà mộ, nhà bia và khu từ chỉ. Cổng lăng tạo bởi hai tầng mái, hai bên chạm nổi hai võ sĩ nghiêm trang đứng gác. Bên trong khu lăng các linh vật, đồ thờ, tượng võ sĩ…được bày đặt đăng đối uy nghi, tạo tác bằng đá muối, chạm khắc tinh xảo. Nội dung văn khắc trên bia đá cho biết, bia được tạo vào năm Chính Hoà thứ 18 (1697), đây cũng là thời điểm dựng xong lăng.
Lăng họ Ngọ là công trình kiến trúc nghệ thuật đá tiêu biểu ở Bắc Giang nói riêng, xứ Bắc xưa nói chung. Giá trị làm nên vẻ đẹp của di tích này không chỉ ở nghệ thuật chạm khắc mà còn ở vật liệu tạo dựng. Đây là công trình lăng tẩm duy nhất ở xứ Bắc dùng đá muối để xây cất với quy mô lớn.
Hệ thống lăng đá Hiệp Hoà là nơi kế thừa, hội tụ truyền thống kiến trúc điêu khắc đá của dân tộc, thể hiện rõ ở nghệ thuật điêu khắc tượng (tròn, phù điêu) người hay linh thú cùng đồ thờ cũng như trang trí kiến trúc phong phú với nhiều môtíp, đồ án hoa văn sinh động thực sự điển hình cho nghệ thuật điêu khắc đá cổ Việt Nam. Với những giá trị về lịch sử văn hoá và nghệ thuật kiến trúc tiêu biểu, hệ thống lăng đá Hiệp Hoà đã tạo nên điểm nhấn về du lịch trên quê hương Bắc Giang.
Hệ thống Di tích lịch sử Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thếdo Hoàng Hoa Thám lãnh đạo có ý nghĩa đặc biệt trong lịch sử cận đại Việt Nam. Đó là những công trình kiến trúc cổ (đình, chùa, đền, miếu có niên đại khởi dựng vào thời Lê thế kỷ XVII-XVIII và thời Nguyễn thế kỷ XIX-đầu thế kỷ XX) cùng các địa điểm, đồn lũy tạo thành một hệ thống di tích liên hoàn của một vùng quê vốn có lịch sử lâu đời và nổi tiếng về truyền thống thượng võ; hệ thống di tích này gồm: 09 ngôi đình (đình Đông, đình Cao Thượng, đình Dĩnh Thép, đình làng Chuông, đình Nội, đình Hả, đình Vồng, đình Dương Lâm, đình Trũng), 07 chùa (chùa Phố, chùa Kem, chùa Lèo, chùa Thông, chùa Vồng, chùa Hả, chùa Trũng), 05 đền (đền Gốc Dẻ, đền Gốc Khế, đền Trũng, đền Thề, đền Cầu Khoai), 03 đồn (đồn Phồn Xương, đồn Hom, đồn Hố Chuối), 01 điếm (điếm Trũng), 01 động (động Thiên Thai) và 05 địa điểm (Ao Chấn Ký, nơi ở của Hoàng Hoa Thám thời niên thiếu, khu mộ thân tộc Hoàng Hoa Thám, nghĩa địa Pháp, đồi Phủ). Đây là những di tích nguyên gốc có giá trị đặc biệt, lưu lại những dấu ấn quan trọng của cuộc khởi nghĩa Yên Thế, được nhìn nhận như một trong những dòng chủ lưu dẫn tới bước chuyển đặc biệt quan trọng trong lịch sử dân tộc ta trong nửa đầu thế kỷ XX. Khởi nghĩa Yên Thế đã tồn tại ngót 30 năm (1884-1913),là cuộc khởi nghĩa có quy mô lớn nhất, trên bình diện rộng nhất và kéo dài nhất trong các cuộc khởi nghĩa chống lại ách thống trị của thực dân Pháp, tiêu biểu cho phong trào yêu nước của dân tộc ta trước khi có Đảng lãnh đạo. Tinh thần của cuộc khởi nghĩa đã khơi dậy truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.Trong khói lửa tàn khốc mà những kẻ xâm lược mang đến, Hoàng Hoa Thám đã trở thành một anh hùng dân tộc, một thiên tài, người mà chính giới Pháp cũng phải thừa nhận “mỗi thế kỷ chỉ xuất hiện một lần mà thôi“. Mỗi di tích trong hệ thống di tích về cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế đều trực tiếp phản ánh sinh động quá trình xây dựng lực lượng, tổ chức chiến đấu của nghĩa quân từ những ngày đầu tiên, tới những ngày cuối cùng. 23 điểm di tích không chỉ thể hiện hình ảnh sinh động mọi mặt đời sống đương thời của nghĩa quân Yên Thế nói riêng, nhân dân Yên Thế nói chung mà còn lưu giữ, chuyển tải tới các thế hệ nhiều giá trị tinh thần đặc biệt mà cuộc khởi nghĩa đã để lại. Nói cách khác, đó chính là những di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng, có giá trị đặc biệt, gắn với cuộc khởi nghĩa Yên Thế mà chúng ta cần hết sức trân trọng gìn giữ. Chính vì vai trò to lớn của cuộc khởi nghĩa và giá trị của hệ thống di tích có liên quan, trong tháng 5 vừa qua, Thủ tướng chính phủ đã ký Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 10/5/2012 công nhận Di tích lịch sử Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thếlà Di tích quốc gia đặc biệt.
Tiết mục biểu diễn trong lễ hội Yên Thế, huyện Yên Thế , Bắc Giang. Ảnh TTXTDL
Thay lời kết
Du lịch đến các di tích nổi tiếng đã trở nên quen thuộc tại tất cả các quốc gia trên thế giới, thường được gọi là loại hình du lịch tín ngưỡng-tâm linh. Thông qua loại hình du lịch tín ngưỡng-tâm linh, du khách không chỉ thỏa mãn nhu cầu nhìn ngắm, thưởng thức sự khác biệt về cảnh vật, văn hóa, ẩm thực…, mà còn thỏa mãn đức tin về sự may mắn trong cuộc sống. Những di tích nổi tiếng thế giới như Thánh địa Mecca của Ả Rập Saudi, quảng trường Nhà thờ Thánh St.Peter bên cạnh Vatican, các di tích Phật giáo tại Ấn Độ… hằng năm thu hút hàng tỉ người đến tham quan, hành hương, chiêm ngưỡng. Du lịch tín ngưỡng-tâm linh luôn gắn với đức tin và hướng thiện. Nó khai thác yếu tố tôn giáo hoặc lịch sử dân tộc, tín ngưỡng dân gian. Nếu loại bỏ yếu tố mê tín dị đoan, loại bỏ những kẻ “buôn thần, bán thánh” thì đây là hoạt động hướng con người đến những điều tốt lành.
Bắc Giang với lợi thế có rất nhiều di tích lịch sử-văn hóa, danh thắng nổi tiếng: Chùa Vĩnh Nghiêm, xã Trí Yên, Yên Dũng – chốn tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, thắng cảnh Suối Mỡ, khu di tích khởi nghĩa Yên Thế, đền Nguyệt Hồ, đình-chùa Thổ Hà, đình Lỗ Hạnh, lăng đá Hiệp Hòa… Các hoạt động văn hoá tín ngưỡng, lễ hội được gắn với du lịch diễn ra hầu hết trên nhiều địa phương trong tỉnh như: Lễ hội Xương Giang- thành phố Bắc Giang, lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm- Yên Dũng, lễ hội đền Chu Nguyên- Lạng Giang, lễ hội chùa Bổ Đà- Việt Yên, lễ hội đền Y Sơn- Hiệp Hoà, lễ hội Phồn Xương- Yên Thế… Các lễ hội trên địa bàn tỉnh đều gắn với các di tích lịch sử-văn hóa, lấy sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo trong các di tích này làm hoạt động trung tâm của lễ hội. Du khách đến với các di tích ở Bắc Giang là đến với các di sản văn hóa, với sự ngưỡng mộ các bậc tiền nhân, lòng sùng bái các anh hùng dân tộc; lòng biết ơn những người đã có công với dân, với nước, những danh nhân lịch sử-văn hóa. Qua những tín ngưỡng thờ cúng bằng tấm lòng tôn kính và cùng nhau cầu mong cho quốc thái, dân an, mỗi du khách lại tự mình cầu phúc, cầu lộc, cầu tài, cầu an khang thịnh vượng. Đồng thời du khách cũng được thưởng thức văn hoá nghệ thuật của đồng bào các dân tộc tỉnh Bắc Giang như: nghệ thuật hát then, đàn tính, hát Soong hao, Sli lượn ở Lục Ngạn, Sơn Động; hát quan họ ở Việt Yên; hát chầu văn ở Suối Mỡ, Lục Nam… Trong những năm gần đây di tích lịch sử-văn hóa của Bắc Giang đã và đang được ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng như UBND tỉnh chú trọng bảo tồn và phát huy trong đời sống nhân dân; là tiềm năng và thế mạnh của Bắc Giang trong phát triển du lịch hôm nay cũng như mai sau./.