Trình Thủ tướng “siêu dự án” xây dựng đường trên cao dài nhất Việt Nam

Chủ tịch TP Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc vừa trình Thủ tướng, xin chấp thuận chủ trương đầu tư “siêu dự án” đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô theo phương án toàn tuyến đi trên cao.
Dự án 98km, đầu tư 135.000 tỷ đồng
Tuyến đường vành đai 4 dài khoảng 98km đi qua địa phận TP Hà Nội (56,5km), Hưng Yên (20,3km), Bắc Ninh (21,2km). Hai tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Giang nằm ngoài phạm vi đầu tư xây dựng nhưng có vị trí tiếp giáp với điểm đầu và điểm cuối tuyến vành đai 4.
Việc đầu tư tuyến đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô tạo điều kiện, tiền đề để các thành phố và các tỉnh phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, kinh tế đô thị và nông thôn khu vực 2 bên tuyến đường nói riêng, Vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng.
Chủ tịch TP Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc cho rằng việc đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô lúc này là hết sức cần thiết, cần tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện.
Đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương án đầu tư, 5 tỉnh và thành phố thống nhất, thay vì tách thành các dự án độc lập, đầu tư từng phân đoạn theo địa phận của từng địa phương thì sẽ triển khai đầu tư nối thông toàn tuyến, không chia nhỏ thành các đoạn nhằm đảm bảo tính kết nối.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND của 5 tỉnh, thành phố đề xuất, ngoài quy hoạch chi tiết đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ nghiên cứu thêm phương án quy hoạch xây dựng phần đường cao tốc là cầu cạn trên cao thay cho việc đi bằng với quy mô 4 – 6 làn xe cao tốc.
Qua rà soát, tính toán sơ bộ để đầu tư tuyến đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô, kinh phí đầu tư dự án theo phương án cao tốc đi bằng cần khoảng 105.000 tỷ đồng. Dự án triển khai làm cao tốc đi trên cầu cạn toàn tuyến có kinh phí xây dựng khoảng 135.000 tỷ đồng (đã bao gồm 2 cầu lớn vượt sông Hồng). Ngoài ra, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án ước tính khoảng 25.000 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND 5 tỉnh, thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án đầu tư cao tốc đi trên cầu cạn toàn tuyến, tương tự như phương án đường cao tốc trên cao vành đai 3 – Hà Nội đã xây dựng, khai thác.
Theo thuyết minh trong tờ trình, phương án xây dựng đường cao tốc trên cao sẽ giải quyết được cơ bản khoảng 23 giao cắt cùng mức với các tuyến đường khác nhau, đảm bảo kết nối giao thông, liên kết đô thị 2 bên tuyến đường (trường hợp đường cao tốc đi bằng sẽ chia cắt 2 bên tuyến đường), tận dụng được không gian mặt đất dưới gầm cầu cạn để làm đường, phục vụ giao thông đi lại…
Với mức kinh phí xây dựng nói trên, việc đầu tư toàn bộ tuyến đường bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước là khó khả thi, thời gian thực hiện sẽ kéo dài. Vì vậy, lãnh đạo 5 tỉnh, thành phố đề xuất nghiên cứu đầu tư dự án theo hình thức hỗn hợp giữa đầu tư công và đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP). Trong đó, toàn bộ phần cao tốc đi trên cao sẽ thực hiện 100% bằng hình thức PPP, loại hợp đồng BOT.
dantri

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *