Câu chuyện thương hiệu Gạo ST25: Doanh nghiệp lo bảo vệ tài sản mình hay Nhà nước phải bảo vệ tài sản quốc gia?

Thương hiệu gạo ST25 “ngon nhất thế giới” có nguy cơ bị mất vì một số doanh nghiệp tại Mỹ đang xúc tiến đăng ký quyền bảo hộ, sở hữu trí tuệ. Cơ quan chức năng nói gì về việc này?

Gạo ST25 được bán ở cửa hàng Bách Hóa Xanh, quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Gạo ST25 được bán ở cửa hàng Bách Hóa Xanh, quận Bình Thạnh, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chính phủ không làm thay doanh nghiệp. Chính phủ sẽ rất khó đăng ký bảo hộ bản quyền thay cho doanh nghiệp vì nguồn lực có hạn nên chỉ cảnh báo tầm quan trọng của bảo vệ thương hiệu.

Ông Vũ Bá Phú

Trong khi ông Hồ Quang Cua không đủ lực để đăng ký, vậy các cấp chính quyền cần làm gì, có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ra sao để đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 cũng như một số mặt hàng nông sản khác ở nước ngoài?

Trao đổi xoay quanh vấn đề trên, ông Vũ Bá Phú – cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) – cho rằng việc thương hiệu gạo ST25 bị đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ tại thị trường nước ngoài không phải là câu chuyện mới mà rất phổ biến trong hoạt động thương mại quốc tế. Ông nói:

– Khi sản phẩm, thương hiệu của một doanh nghiệp có chất lượng và nổi tiếng trên thị trường quốc tế, sản phẩm có giá trị đều có nguy cơ bị xâm hại trên thị trường. Vì vậy, với sản phẩm tốt phải luôn có ý thức bảo hộ thương hiệu trên thị trường, đặc biệt là ở nước ngoài.

* Với vai trò là cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp trong xúc tiến thương mại, phát triển và bảo vệ thương hiệu, ông đã làm gì để giúp thương hiệu gạo ST25?

– Ngày 22-4, tôi đã trực tiếp liên hệ với anh Cua, giới thiệu một số chuyên gia có hiểu biết, năng lực về việc này để có thể giúp anh khẩn trương hoàn thành hồ sơ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, bảo vệ thương hiệu gạo ST25 với cơ quan Mỹ. Hi vọng anh Cua sẽ chủ động, sớm phối hợp cùng các luật sư, chuyên gia để làm hồ sơ, cung cấp bằng chứng chứng minh mình là chủ sở hữu hợp pháp của gạo ST25 để được cấp chứng nhận sở hữu trí tuệ cho sản phẩm này.

* Hiện nay gạo ST25 bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký quyền bảo hộ thương hiệu ở Mỹ thế nào, chúng ta đã bị mất thương hiệu chưa?

– Chúng tôi đã tìm hiểu qua các kênh và thấy rằng hiện có 5 hồ sơ đăng ký thương hiệu gạo ST25 (do 4 doanh nghiệp đăng ký) với Văn phòng sáng chế và thương hiệu Mỹ (USPTO). Các hồ sơ này đang trong trạng thái duyệt, đang kiểm tra, nên chúng ta chưa bị mất thương hiệu gạo ST25.

Tuy vậy, nếu không làm gì, làm không kịp thời thì có thể thương hiệu gạo ST25 sẽ bị mất. Do đó chúng tôi rất mong doanh nghiệp chủ động thuê luật sư, chuyên gia chuẩn bị giấy tờ, hồ sơ kỹ lưỡng, chứng minh sản phẩm này là của anh Hồ Quang Cua, có nhà phân phối thương hiệu gạo riêng theo đúng quy định hiện hành.

* Khả năng giành lại quyền sở hữu trí tuệ, bảo hộ thương hiệu gạo ST25 ở thị trường Mỹ thế nào, thưa ông?

– Những bài học trước đây đã thấy rõ, như với cà phê Trung Nguyên là doanh nghiệp nên họ đã tự bỏ tiền ra đi đòi thương hiệu. Với nước mắm Phú Quốc là chỉ dẫn địa lý, sở hữu tập thể nên để đòi lại được cũng cần có sự hỗ trợ và vào cuộc của các cơ quan chức năng như đại sứ quán, thương vụ hay Bộ Công thương…

Tương tự với gạo ST25, nếu muốn được Mỹ chứng nhận đây là gạo của anh Hồ Quang Cua và từ chối cấp cho những doanh nghiệp khác thì cần phải có đầy đủ bằng chứng, chứng minh gạo đó là do anh Cua nghiên cứu giống lúa, phát triển, sản xuất, phân phối và thực tế đã đem đi thi ở Philippines được giải nhất. Rõ ràng có tốn kém tiền bạc, nhưng sẽ đỡ hơn là khi thương hiệu bị mất quyền sở hữu thì việc đòi lại còn tốn kém hơn.

Giống lúa ST được cấy tại cánh đồng của ông Hồ Quang Cua ở Sóc Trăng - Ảnh: CHÍ QUỐC Giống lúa ST được cấy tại cánh đồng của ông Hồ Quang Cua ở Sóc Trăng – Ảnh: CHÍ QUỐC

* Lãnh đạo Chính phủ đã đề nghị các bộ ngành phải quan tâm phát triển thương hiệu gạo Việt Nam, khi mà “cha đẻ” của ST25 là nhà khoa học, không có nhiều kinh nghiệm, nguồn lực đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài. Vậy Cục Xúc tiến thương mại đã làm những gì để hỗ trợ?

– Chính sách hỗ trợ về bảo hộ sở hữu trí tuệ thuộc thẩm quyền của Bộ Khoa học và công nghệ. Bộ Công thương có chức năng hỗ trợ quảng bá và phát triển thương hiệu. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, chương trình Thương hiệu quốc gia, chương trình xúc tiến thương mại quốc gia chỉ có thể hỗ trợ quảng bá các ngành hàng nói chung, chứ không hỗ trợ quảng bá riêng cho một vài nhãn hiệu, doanh nghiệp nào. Đây là tài sản của doanh nghiệp thì họ cần phải có trách nhiệm bảo vệ tài sản của mình.

* Tại sao Bộ Công thương không sử dụng kinh phí của chương trình xúc tiến thương mại quốc gia để hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, bảo hộ thương hiệu?

– Theo quy định pháp luật hiện hành chưa có quy định Bộ Công thương hay bộ ngành nào bỏ tiền ra để đăng ký bảo hộ sở hữu cho doanh nghiệp cụ thể. Với các chương trình thương hiệu quốc gia hay xúc tiến thương mại quốc gia cũng không cho phép dùng tiền ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp đi đăng ký thương hiệu.

* Vậy chúng ta có cần thay đổi chính sách để có thể hỗ trợ những “hạt giống” như ST25 nhằm phát triển thương hiệu?

– Chúng tôi cũng tính đến việc này. Bộ Công thương sẽ kiến nghị Chính phủ thời gian tới xem xét, thí điểm giao Bộ Công thương phối hợp với Bộ Khoa học và công nghệ, hiệp hội ngành hàng, chọn ra các sản phẩm xuất khẩu thương hiệu tốt để hỗ trợ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ trên các thị trường xuất khẩu trọng điểm phù hợp các quy định của WTO.

Gạo ST25 được đóng gói, phân phối tại thị trường TP Cần Thơ - Ảnh: C.Q.

Gạo ST25 được đóng gói, phân phối tại thị trường TP Cần Thơ – Ảnh: C.Q.

* Theo ông, bài học nào cho doanh nghiệp trong bảo vệ và phát triển thương hiệu nhìn từ câu chuyện thương hiệu gạo ST25 hiện nay?

– Từ trường hợp thương hiệu gạo ST25 tiếp tục là hồi chuông cảnh báo cho tất cả các doanh nghiệp khi đã có định hướng xuất khẩu phải xây dựng chiến lược cho mình. Trong đó có việc xây dựng phát triển thị trường gắn với bảo vệ và bảo hộ, đăng ký sở hữu trí tuệ cho thương hiệu, sản phẩm xuất khẩu, nhãn hiệu thương mại là ưu tiên hàng đầu. Doanh nghiệp cần dành chiến lược và nguồn lực một cách tương xứng và việc này phải hoàn toàn do doanh nghiệp chủ động.

Với những doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhà nghiên cứu, sáng chế cá nhân thì cần chủ động liên kết doanh nghiệp có quy mô lớn, có tiềm lực tài chính để hỗ trợ sản xuất, phân phối sản phẩm, gắn với bảo vệ thương hiệu sản phẩm trên thị trường, tránh nguy cơ bị xâm phạm và đánh cắp thương hiệu.

Tôi đã nhận được thông tin chính thức là có 4 doanh nghiệp tại Mỹ đăng ký thương hiệu gạo ST25. Thời gian qua tôi bận nghiên cứu, không còn thời gian rảnh. Mặc dù không có kinh doanh xuất khẩu, nhưng tôi đang tìm hiểu, tìm cách để đăng ký bản quyền cho sản phẩm của mình.

Anh hùng lao động Hồ Quang Cua

Bộ NN&PTNT hỗ trợ ông Hồ Quang Cua tối đa

Ngày 22-4, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan đã họp khẩn với một số đơn vị liên quan sau khi có thông tin về việc “gạo ST25 có nguy cơ mất thương hiệu”. Được biết, quan điểm của Bộ NN&PTNT sẽ hỗ trợ tối đa cho ông Hồ Quang Cua, doanh nghiệp để bảo vệ thương hiệu gạo ST25. Dự kiến Bộ NN&PTNT cũng sẽ vào làm việc trực tiếp với ông Cua để giải quyết vụ việc.

Một đại diện Bộ NN&PTNT cho biết sẽ phối hợp với Bộ Khoa học và công nghệ (cơ quan quản lý nhà nước về bảo hộ sở hữu trí tuệ) để thúc đẩy việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với gạo ST25 và tư vấn cho doanh nghiệp làm bài bản hơn trong thời gian tới.

Bộ NN&PTNT cũng đang theo dõi, nắm bắt thông tin kịp thời ở thị trường Hoa Kỳ và phối hợp cùng với cơ quan tham tán Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ (Bộ Công thương) để có tác động kịp thời với các cơ quan đại diện ở Hoa Kỳ về vụ việc liên quan.

CHÍ TUỆ

Nhiều doanh nghiệp đăng ký bảo hộ thương hiệu “ST25” ở Mỹ

Nguồn: TRẦN PHƯƠNGTheo thông tin từ trang chủ của USPTO, hiện nay đang có 4 doanh nghiệp đăng ký bản quyền thương hiệu gạo ST25 tại Mỹ.

Cụ thể, hai công ty I&T Enterprise và TTM International đều đăng ký thương hiệu là “ST25”, nộp đơn lần lượt vào ngày 18-6-2020 và 10-8-2020. Công ty Ngon Fish Sauce nộp đơn đăng ký thương hiệu “The World’s Best Rice Gao thom ST25 Dac san Soc Trang – Gạo tốt nhất thế giới Gạo thơm ST25 Đặc sản Sóc Trăng” từ ngày 22-10-2020.

Trong khi đó, Hãng Transworld Food đăng ký hai thương hiệu là “Vietnam’s ST25 Rice, Dac san Soc Trang – Gạo ST25 của Việt Nam, Đặc sản Sóc Trăng” từ ngày 1-9-2020, cùng “No.1 Vietnam’s ST25 Rice The World’s Best Rice – Gạo ST25 số 1 Việt Nam Gạo hàng đầu thế giới” từ ngày 31-7-2020.

Hiện tại chưa đăng ký nào của cả 4 công ty trên được phê duyệt độc quyền thương hiệu đối với gạo ST25. Tuy nhiên, trừ trường hợp Công ty TTM International, tất cả đơn của 3 công ty còn lại đều đã được USPTO nhận và giao cho bộ phận liên quan thẩm định. Bên cạnh đó phần thông tin giấy phép của Công ty I&T Enterprise đã có ngày công bố dự kiến là 4-5-2021, tức chưa đầy một tháng nữa có thể đơn của doanh nghiệp này sẽ được xem xét, phê duyệt.

Theo quy định của USPTO, quy trình đăng ký bảo vệ thương hiệu sẽ gồm 5 mục, trong đó có điều kiện tên sản phẩm đó đang được sử dụng trong thương mại. USPTO sẽ xét duyệt đơn đăng ký do doanh nghiệp nộp lên. Nếu không phát hiện vấn đề, USPTO sẽ nhanh chóng thông qua đơn đăng ký và công bố thương hiệu được bảo vệ trong vòng 7 tháng.

Trong vòng 30 ngày kể từ khi thương hiệu được công bố, USPTO sẽ nhận khiếu nại và giải quyết tranh chấp. Nếu không có khiếu nại, việc đăng ký thương hiệu sẽ hoàn tất, doanh nghiệp tiếp tục nghĩa vụ đóng phí và thực hiện thủ tục duy trì đăng ký bảo vệ thương hiệu theo quy định.

NGUYÊN HẠNH

Nhà nước cần bảo vệ tài sản quốc gia

Cần xây dựng các thương hiệu quốc gia, coi đây là tài sản quốc gia và Nhà nước cần bảo vệ.

Đó là ý kiến của một số chuyên gia xoay quanh vụ việc có nguy cơ mất thương hiệu gạo ST25.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh (chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch – AFT): Cục Xúc tiến thương mại “phủi tay”!

Bao nhiêu năm qua Việt Nam luôn mong muốn xây dựng thương hiệu gạo quốc gia nhưng chưa được. Sự kiện gạo ST25 đoạt giải gạo ngon nhất thế giới vào năm 2019 là một cơ hội rất quý báu cho ngành lúa gạo của VN tận dụng cơ hội quảng bá với thế giới rằng VN đã có gạo ngon hơn cả gạo Thái Lan. Với lợi thế về danh tiếng, năng suất cao, giá thành thấp hơn gạo Thái, đó thực sự là một cơ hội để đưa ST25 thành biểu tượng xây dựng gạo quốc gia VN.

Ngay sau khi ông Hồ Quang Cua trở về từ cuộc thi ở Philippines, tôi đã thấy Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương tổ chức các chương trình tôn vinh nhóm tác giả ST25 và kèm theo đó là những lời hứa về đặc cách thủ tục công nhận giống, những chương trình đăng ký thương hiệu gạo quốc gia, đăng ký bản quyền ra thế giới…

Nhưng theo thời gian, đa số những lời hứa trên đều bị quên lãng để đến hôm nay thông tin gạo ST25 bị các doanh nghiệp đăng ký bảo hộ bản quyền tại Mỹ làm nhiều người không khỏi bất ngờ. Càng bất ngờ hơn với sự “phủi tay” của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) khi họ cho rằng đăng ký quyền bảo hộ thương hiệu, sở hữu trí tuệ là trách nhiệm của doanh nghiệp.

Đúng là với hàng hóa bình thường, doanh nghiệp cần chủ động đăng ký bảo hộ tại các thị trường trọng điểm để tránh bị mất thương hiệu dẫn tới tranh chấp hoặc thiệt thòi trong kinh doanh. Nhưng ngay cả như vậy thì với tư cách là một đơn vị xúc tiến thương mại của Nhà nước như Bộ Công thương cũng cần có những hỗ trợ về thông tin cho doanh nghiệp.

Còn trường hợp ST25 lại rất khác. Bởi đây là sản phẩm của một doanh nghiệp nhỏ, chuyên nghiên cứu sản xuất giống lúa chứ không phải là xuất khẩu gạo nên khó nắm bắt hết yêu cầu về sở hữu trí tuệ. Hơn nữa, ST25 là một loại gạo đặc biệt của VN và được kỳ vọng sẽ là loại gạo chủ lực để VN xây dựng thương hiệu gạo quốc gia.

Bài học về các nhãn hiệu nông sản đặc sản VN bị mất vào tay nước ngoài như nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột, kẹo dừa Bến Tre… dẫn đến thiệt hại chung cho cả ngành hàng, cả quốc gia chứ không riêng một doanh nghiệp nào.

Như vậy gạo ST25 cũng như các sản phẩm chỉ dẫn địa lý phải được coi là tài sản của quốc gia. Do đó các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm hỗ trợ và bảo vệ tài sản nhà nước. Bộ NN&PTNT phải có trách nhiệm hỗ trợ công tác nghiên cứu phát triển và bảo hộ tại thị trường trong nước, hỗ trợ xúc tiến thương mại. Bộ Công thương phải đưa vào các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp hay đơn vị sản xuất đăng ký nhãn hiệu ở các thị trường xuất khẩu chính.

Tôi cho rằng các cơ quan nhà nước cần chủ động hỗ trợ doanh nghiệp và các hợp tác xã để đăng ký các nhãn hiệu tài sản quốc gia. Cục Xúc tiến thương mại đẩy hết trách nhiệm cho doanh nghiệp là đang quên đi vai trò của mình.

Gạo ST25 được đóng gói bán tại một số siêu thị ở Mỹ - Ảnh: TRANG TRẦN (MỸ)

Gạo ST25 được đóng gói bán tại một số siêu thị ở Mỹ – Ảnh: TRANG TRẦN (MỸ)

PGS.TS Vũ Trọng Khải (chuyên gia nông nghiệp): Ngồi lại, hỗ trợ ông Cua

Việc trước mắt là các doanh nghiệp xuất khẩu gạo quan tâm đến phát triển thị trường cho ST25 cần ngồi lại với nhau và làm việc với ông Hồ Quang Cua để bàn cách lấy lại thương hiệu gạo ST25 đang bị đăng ký tại Mỹ.

Cần phải thuê luật sư đúng chuyên ngành để làm việc với cơ quan chức năng của Mỹ. Doanh nghiệp cũng phải tính đến chuyện mua lại thương hiệu này. Đừng để bài học “gạo ST25 bị đăng ký sở hữu trí tuệ, thương hiệu tại Mỹ” lặp lại với các thị trường quan trọng khác, nhất là châu Âu khi gạo ST24, ST25 đã có mặt tại đây và được người tiêu dùng ưa chuộng. Doanh nghiệp cần sớm đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa của mình, không mong chờ vào Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương nữa.

Ông Trần Văn Lâu (chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng): Lấy lại thương hiệu gạo ST25

Tôi đã yêu cầu các sở, ngành liên quan kiểm tra, khẩn trương hỗ trợ doanh nghiệp của ông Hồ Quang Cua trong việc đăng ký, lấy lại thương hiệu gạo ST25.

Nhóm nghiên cứu, đặc biệt là kỹ sư Cua, đã dành tâm huyết gần cả đời người để nghiên cứu, lai tạo ra loại gạo ngon nhất thế giới năm 2019. Tỉnh Sóc Trăng sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa để những nhà khoa học như anh Cua an tâm nghiên cứu, làm việc, sớm đăng ký bản quyền cho hạt gạo thơm đặc sản Sóc Trăng.

Chị Trang Trần (sống ở bang California, Mỹ): Gạo ST25 ngon!

Hiện nay có nhiều siêu thị ở Mỹ đang bán gạo ST25. Tôi thấy các siêu thị bán gạo ST25 từ nhiều tháng trước. Trước gia đình tôi thường mua gạo của Thái Lan về nấu ăn. Gần đây, nghe giới thiệu gạo ST25 ngon nên tôi mua ăn thử 1 bao 22,6kg, giá 55 USD/bao (tính ra khoảng 57.000 đồng/kg). So với nhiều loại khác, gạo ST25 hiện bán tại Mỹ có giá cao hơn khoảng 7 USD/bao 22,6kg. Tuy nhiên gạo ST25 ngon và thơm hơn nhiều loại gạo khác.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *