Một ngày sau lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng trong chiến tranh vệ quốc vĩ đại diễn ra ở Nga ngày 9-5, dư âm vẫn còn nguyên vẹn trong lòng ông Vũ Mạnh Cường.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân Ngô Phương Ly dự Lễ duyệt binh kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong chiến tranh vệ quốc vĩ đại – Ảnh: RIA NOVOSTI
Nhà báo Vũ Mạnh Cường kể vớiTuổi Trẻ Onlinevề cảm xúc của mình cũng như chuyện hậu trường tại trường quay của Kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam hôm phát trực tiếp sự kiện này.
Sau khi Lễ duyệt binh kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong chiến tranh vệ quốc vĩ đại được phát sóng, nhiều khán giả dành lời khen cho chất giọng chính luận, truyền cảm, dễ đi vào lòng người của ông Vũ Mạnh Cường.
Ông Cường nói “chắc khán giả ưu ái quá thôi; nhiều biên tập viên của các đài truyền hình có phong thái chuyên nghiệp và giọng hay hơn tôi nhiều”.
“Tôi chỉ có chút ít kinh nghiệm”
“Vốn là trưởng ban quốc tế của báoLao Động, tham gia viết nhiều bài bình luận quốc tế, sau đó được Đài Truyền hình Việt Nam mời bàn luận các vấn đề quốc tế trong chương trình Thế giới toàn cảnh trên VTV1 hồi đầu thập niên 2010 nên có thể so với những người khác, tôi có một chút ít kinh nghiệm khi phát biểu, bình luận trước ống kính hoặc tại trường quay”, ông khiêm tốn chia sẻ.
Ông Cường kể sau khi được Trung tâm phát thanh – truyền hình Quân đội (Bộ Quốc phòng) tin tưởng giao nhiệm vụ, ông đã dành hai tuần để xem lại các chương trình duyệt binh tại Nga trước đây, tìm hiểu thông tin về các đơn vị quân đội tham gia lễ duyệt binh cũng như thu thập thông tin về các vũ khí, khí tài mới sẽ được đưa ra trong dịp này.
10 năm trước, ông từng tham gia dẫn và bình luận trực tiếp Lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng trong chiến tranh vệ quốc vĩ đại trên Kênh truyền hình Quốc phòng.
Cùng bình luận với ông Cường năm đó là PGS.TS Elena Zubtsova, một trong những nhà Việt Nam học hàng đầu của Nga, khi đó là giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội.
Với ông, lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng trong chiến tranh vệ quốc vĩ đại năm nay là một sự kiện rất đặc biệt.

Quân đội nhân dân Việt Nam sải bước tại Quảng trường Đỏ – Ảnh: REUTERS
“Không chỉ kỷ niệm một dấu mốc rất quan trọng trong lịch sử nhân loại, đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam được mời đến dự, cũng là lần đầu tiên Quân đội nhân dân Việt Nam được mời tham gia diễu binh”.
Là người gắn bó và yêu Liên Xô cũ (Liên bang Nga ngày nay), khi nhận được lời mời sau 10 năm, ông nhận lời ngay.
“Tôi thấy mình có trách nhiệm làm một cầu nối giúp khán giả Việt Nam tiếp cận đầy đủ sự kiện trọng đại này, qua đó truyền tải tinh thần yêu nước, hợp tác quốc tế và yêu chuộng hòa bình”, ông Cường nói.

BLV Vũ Mạnh Cường tại trường quay Kênh truyền hình Quốc phòng – Ảnh: NVCC
Cả trường quay vỡ òa vì xúc động
Ông Vũ Mạnh Cường tham gia bình luận trực tiếp lễ duyệt binh tại trường quay S1 của Kênh truyền hình Quốc phòng tại Hà Nội.
Đơn vị có mời đến trường quay hơn 200 khán giả – là những người từng sống, làm việc, học tập tại các nước thuộc Liên Xô cũ cũng như học viên các trường sĩ quan trên địa bàn thủ đô Hà Nội.
Khi thấy hình ảnh Tổng Bí thư Tô Lâm, Phu nhân Ngô Phương Ly và Quân đội nhân dân Việt Nam xuất hiện trên Quảng trường Đỏ, toàn bộ khán giả trong trường quay đã đứng dậy hò reo, tạo nên một cảm xúc rất mãnh liệt.
“Lúc đó tôi thực sự bị choáng ngợp, xúc động quá nên nói chưa được liền mạch”, ông kể lại.
Thời gian qua, Quân đội nhân dân Việt Nam đã thực hiện nhiều nhiệm vụ quốc tế quan trọng như gìn giữ hòa bình, cứu hộ, cứu nạn hoặc tham gia các đợt Army Games (Hội thao quân sự quốc tế)… để lại nhiều thiện cảm với người dân thế giới.
Ông bình luận, sự xuất hiện của Quân đội nhân dân Việt Nam tại Quảng trường Đỏ là một dấu mốc đặc biệt cho thấy sự trưởng thành vượt bậc của quân đội ta, khẳng định quân đội ta sẽ làm rất tốt những nhiệm vụ khó khăn khác.
“Lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới tại Quảng trường Đỏ là một hình ảnh rất đẹp, mang tính biểu tượng cho sự lớn mạnh của Việt Nam nói chung và Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng”, anh Vũ Mạnh Cường nói.

Bình luận viên Vũ Mạnh Cường (trái) – Ảnh: NVCC
Việt Nam là đất nước yêu chuộng hòa bình
Theo ông Cường, lễ duyệt binh năm nay cho thấy nước Nga tôn trọng các giá trị lịch sử cũng như sự đóng góp của 15 nước thuộc Liên Xô trước đây, và các nước đồng minh đã tham gia vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân chống lại chủ nghĩa phát xít.
Việt Nam là một trong các nước đồng minh đã tham gia sự kiện chung đó và chiến thắng của nhân dân Liên Xô trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại đã mở ra một cơ hội để nước ta có thể tiến hành thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám và lập ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
“Sự có mặt của lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam và quân đội Việt Nam trong dịp này là sự khẳng định: Việt Nam cũng chia sẻ và tôn trọng các giá trị của lịch sử, của nhân loại đó; đồng thời khẳng định Việt Nam là đất nước chung thủy với các nước bạn bè, anh em của mình”, ông chia sẻ.
Đây cũng là dịp Việt Nam khẳng định lại quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác toàn diện với nước Nga, đồng thời khẳng định Việt Nam là dân tộc yêu chuộng hòa bình, Việt Nam đang có bước phát triển vững chắc và sẵn sàng tham gia vào những công việc của thế giới.
Hậu trường sau những hình ảnh phát trực tiếp lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng của Nga
Để thực hiện được những thước phim tuyệt vời đó không hề dễ dàng. Theo Channel One Russia, trong các buổi lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng trước đây, nhà đài thường phải bố trí rất nhiều loại máy quay chuyên dụng, với tổng cộng khoảng 60 máy quay các định dạng khác nhau được sử dụng.
Trong đó có các máy quay tiêu chuẩn HD cỡ lớn, máy quay “slow-motion”, máy quay gắn ống kính tele (ống zoom 86× để phóng đại chi tiết ở cự ly xa).
Đặc biệt nhất là các camera ẩn dưới mặt đường (gắn trong các hố kính trên hè gạch) để quay từ tầm thấp. Đây chính là góc quay khiến nhiều người trầm trồ nhất khi không biết vì sao đài truyền hình Nga có thể ghi được hìnảnh các
Đặc biệt có các robot máy quay di động. Chúng là những máy quay được gắn trên hệ thống khung xe điều khiển từ xa với 4 hệ thống ổn định hình ảnh độc lập để quay mượt mà ngay trên mặt đường gồ ghề.
“Nó được sử dụng khi người quay phim không thể đứng đó, hoặc không nên che khuất hình ảnh, cũng như trong tình huống không an toàn. Chúng tôi thường cho robot đi dưới một chiếc xe tăng. Tốc độ tối đa của nó là 90 km/h”, kỹ thuật viên video Stanislav Mayorov của đài Channel One Russia giải thích.
Ngoài ra còn có camera trên cần cẩu cao khoảng 60 m, có thể quay toàn cảnh Quảng trường Đỏ từ trên cao. Chưa kể hệ thống “máy quay cáp treo” dài hàng trăm mét: một camera treo trên cáp dọc từ cầu Kamenny (đường cáp 2 km) và một camera treo trên độ cao 75 m phía trên quảng trường.
Một kỹ thuật đặc biệt khác là sử dụng máy quay trên đường ray điện, kết hợp với ổn định vật lý, giữ cho hình ảnh luôn mượt dù máy quay di chuyển trên nền gạch. Có thể nói, một buổi lễ duyệt được ghi hình thành công sẽ có 50–60 camera cùng nhiều góc quay (mặt đất, trên cao, di động, cố định) được phối hợp nhịp nhàng để bắt mọi cảnh diễn ra.
Máy quay trên trực thăng chuyên dụng và gắn trên tiêm kích (gắn trên thân hoặc trong buồng lái) của Nga, ví dụ trên chiến đấu cơ Su-34 và Su-57, cũng tạo ra những hình ảnh chân thực từ trên không.
Máy quay trên trực thăng chuyên dụng và gắn trên tiêm kích (gắn trên thân hoặc trong buồng lái) của Nga, ví dụ trên chiến đấu cơ Su-34 và Su-57, cũng tạo ra những hình ảnh chân thực từ trên không.
Một điểm đáng chú ý là việc sử dụng kỹ xảo hình ảnh (CGI) trong phần truyền hình trực tiếp của lễ duyệt binh. Một số đoạn trong buổi phát sóng đã được chèn thêm hình ảnh máy bay chiến đấu và hiệu ứng đồ họa để tăng phần hấp dẫn cho khán giả.
Phòng điều phối hình ảnh phát sóng trực tiếp.