Chính quyền Mỹ vừa thực hiện một động thái quan trọng khi chính thức đóng cửa Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và sáp nhập cơ quan này vào Bộ Ngoại giao Mỹ.
Đây được coi là một phần trong chiến lược cải tổ bộ máy của Chính phủ Mỹ, giúp tăng cường hiệu quả trong điều phối viện trợ quốc tế của nước này. Quyết định trên đang gây nhiều tranh cãi trong giới chính trị Mỹ, nhưng cũng được nhìn nhận là một bước đi nhằm tối ưu hóa nguồn lực quốc gia.
Chỉ trong một đêm, khoảng 600 nhân viên thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã bị khóa tài khoản email và hệ thống truy cập nội bộ. Ngày 3/2, toàn bộ trụ sở USAID tại Washington D.C. chính thức bị đóng cửa, đánh dấu sự kết thúc của một cơ quan từng giữ vai trò chủ chốt trong chính sách viện trợ nhân đạo của Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio – người sẽ đảm nhận vị trí quyền Giám đốc USAID – nhấn mạnh rằng việc sáp nhập USAID vào Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ giúp giảm bớt sự chồng chéo trong hệ thống quản lý. Đây là nỗ lực nhằm tối ưu hóa việc sử dụng ngân sách viện trợ, đồng thời đảm bảo các chương trình được điều phối hiệu quả hơn với chính sách đối ngoại của Mỹ.
Nhiều nhà phân tích cho rằng việc đóng cửa USAID có thể làm suy yếu vị thế của Mỹ trên thế giới.
(Ảnh: AFP)
Ông Noam Unger – thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) – phân tích: “Mỹ đang ở trong một cuộc cạnh tranh địa chiến lược gay gắt trên thế giới, phải cạnh tranh với những đối tác khác trong hợp tác với các nước đang phát triển. Việc thực hiện những bước đi quyết liệt và hà khắc liên quan tới viện trợ nước ngoài như thế này như là nhượng lại sân chơi cho các đối thủ, và họ sẽ nhanh chóng lấp đầy khoảng trống Mỹ để lại. Ảnh hưởng và vị thế của Mỹ trên toàn thế giới có thể dễ dàng bị suy giảm”.
USAID được thành lập vào năm 1961. Tổ chức này hiện có hơn 10.000 nhân viên, quản lý ngân sách viện trợ hàng năm lên đến trên 40 tỷ USD, là cơ quan lớn nhất chịu trách nhiệm điều phối các chương trình viện trợ nhân đạo tại hơn 120 quốc gia trên thế giới.
Đến nay, USAID đã tài trợ hàng tỷ USD cho Việt Nam, với các chương trình hỗ trợ về y tế, giáo dục, kinh tế và môi trường, trong đó có dự án trị giá hàng triệu USD tẩy chất độc dioxin tại sân bay Biên Hòa. Đại diện của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết việc sáp nhập USAID không có nghĩa là cắt giảm hoàn toàn viện trợ quốc tế mà chỉ giúp đảm bảo rằng ngân sách viện trợ được quản lý hiệu quả hơn, tránh lãng phí và đúng mục tiêu của Chính phủ Mỹ.