Một thực tế thú vị là nhiều sinh viên ngành sáng tạo và các designer trẻ thường sở hữu những portfolio “siêu Tây” – đầy sáng tạo và khác biệt, được xây dựng từ các bài tập trong trường học hoặc dự án cá nhân. Tuy nhiên, khi bước chân vào thị trường làm việc thực tế, chất lượng thiết kế của họ thường không còn đồng nhất với những gì đã thể hiện trong portfolio.
Tại sao lại như vậy? Cùng là một người thiết kế, nhưng khi đối diện với đề bài thương mại, sản phẩm tạo ra lại có sự khác biệt rõ rệt. Nguyên nhân nằm ở sự khác biệt cơ bản giữa các đề bài giả lập và thực tế. Để hiểu rõ hơn, bài viết sẽ chia sẻ về sự khác biệt này và cách giúp bạn thu hẹp khoảng cách giữa portfolio thể nghiệm và chất lượng sản phẩm thực tế.
Sự tự do trong đề bài giả lập
Trong môi trường học tập hoặc khi làm các dự án cá nhân, người thiết kế thường có toàn quyền kiểm soát từ việc đặt đề bài, duyệt sản phẩm, cho đến quyết định tiêu chuẩn hoàn thiện. Không có sự ràng buộc nào về thời gian, ngân sách, hay phản hồi từ khách hàng. Điều này tạo ra một không gian sáng tạo lý tưởng, nơi Designer có thể thỏa sức thử nghiệm những ý tưởng mới mẻ và độc đáo. Portfolio tạo ra từ những dự án này thường đậm dấu ấn cá nhân, phản ánh phong cách riêng và gu thẩm mỹ của người thiết kế. Trong đó, tính thể nghiệm được ưu tiên hơn tính khả dụng, và mọi áp lực từ thực tế dường như không tồn tại. Đây là lý do tại sao các sản phẩm trong portfolio thường đẹp mắt, khác biệt nhưng lại mang tính lý tưởng hóa.
Những ràng buộc trong dự án thực tế khi đi làm
Ngược lại, trong môi trường làm việc thương mại, mọi thứ không còn lý tưởng như vậy. Các thiết kế không chỉ cần đẹp mà còn phải giải quyết các vấn đề thực tiễn của doanh nghiệp. Mỗi sản phẩm được tạo ra đều phải đáp ứng một mục tiêu cụ thể như thu hút khách hàng mục tiêu, tăng doanh số, hay truyền tải thông điệp rõ ràng và dễ hiểu. Designer không chỉ làm việc với khách hàng mà còn phải hiểu rõ thị hiếu và văn hóa của đối tượng khách hàng cuối cùng.
Đồng thời, những yếu tố như ngân sách, thời gian, và các quy định pháp luật cũng tạo nên những giới hạn mà người làm sáng tạo cần tuân thủ. Những áp lực này có thể dẫn đến sự thụ động, khi họ dễ dàng chấp nhận làm theo yêu cầu của khách hàng mà không dám đưa ra ý tưởng. Kết quả là sản phẩm cuối cùng đôi khi thiếu đi dấu ấn cá nhân và sự đột phá.
Vậy làm thế nào để thu hẹp khoảng cách giữa portfolio và chất lượng dự án khi đi làm?
Thử thách bản thân
Để portfolio và sản phẩm thực tế có một sự đồng nhất nhất định trong mắt doanh nghiệp, người thiết kế trẻ cần thay đổi cách tiếp cận đề bài. Một giải pháp hiệu quả là thử thách bản thân với những dự án ngoài vùng an toàn. Thay vì chỉ làm việc với những lĩnh vực quen thuộc, hãy thử sức với những ngành nghề hoặc yêu cầu thiết kế khác biệt, ví dụ như tạo key visual cho một sản phẩm xa lạ hoặc lĩnh vực không mấy yêu thích. Điều này sẽ giúp bạn học cách thích nghi và phát triển khả năng giải quyết các bài toán thực tiễn.
Đặt mục tiêu cụ thể
Bên cạnh đó, thay vì chỉ tập trung vào yếu tố thẩm mỹ, hãy đặt ra các mục tiêu cụ thể cho thiết kế, chẳng hạn như tăng độ nhận diện thương hiệu hay hỗ trợ chiến lược kinh doanh. Khi tiếp cận đề bài với tư duy giải quyết vấn đề, bạn sẽ hiểu rằng sáng tạo không chỉ là làm đẹp mà còn là cung cấp giá trị thực tiễn. Cụ thể nếu phải thiết kế báo cáo thường niên, bạn không chỉ cần chú ý đến hình thức mà còn phải đảm bảo thông tin được trực quan hóa rõ ràng và tuân thủ các yếu tố pháp lý.
Tham gia dự án thực tế
Một cách khác để chuẩn bị cho môi trường làm việc thương mại là tham gia các dự án thực tế ngay từ khi còn học. Các cơ hội thực tập hoặc làm việc freelance sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cách giao tiếp với khách hàng, xử lý phản hồi và cân nhắc các yếu tố thực tiễn trong thiết kế. Quá trình này không chỉ rèn luyện khả năng chịu áp lực mà còn giúp bạn phát triển sự linh hoạt trong cách làm việc, đồng thời tạo tiền đề để trưởng thành hơn trong tư duy thiết kế.
Dưới góc nhìn của một người có 14 năm kinh nghiệm về tuyển dụng, đào tạo và làm việc với các Designer trong ngành sáng tạo, tôi tin rằng sự khác biệt này là một điều hiển nhiên. Tuy nhiên, chính những khác biệt này lại mở ra cơ hội để người mới đi làm học hỏi và phát triển, biết cách cân bằng giữa tự do thể nghiệm và mục tiêu thực tiễn. Đây là một kỹ năng quan trọng, đòi hỏi thời gian và sự kiên nhẫn để mài giũa. Việc làm chủ các yêu cầu thực tế không chỉ giúp bạn phát triển sự nghiệp mà còn là bước chuyển mình để trở thành một chuyên gia thiết kế sáng tạo thực thụ.
Chuỗi bài RGB hợp tác độc quyền với Tùng Juno – CEO/Creative Director của RIO Creative, khai thác góc nhìn đa chiều về tư duy kinh doanh và cách bán dịch vụ thiết kế sáng tạo chuyên nghiệp tại thị trường Việt Nam.
Chia sẻ từ Quang Tùng