Hương đen làng Chóa nức tiếng gần xa
Nằm gần sát tả mạn đê hữu sông Cầu, làng Chóa xưa nay nổi tiếng với làng nghề làm hương đen. Những cây hương được người dân làm ra mang một màu đen nhánh, nhẵn mịn và thơm mùi trám rừng.
Từ xa xưa, hương trám làng Chóa đã nức tiếng với mùi thơm đượm, thanh khiết. Chính bởi mùi hương nồng đượm nên đã được “ưu ái” sử dụng nhiều ở các dịp quan trọng như lễ tết, hoặc những nơi đình, đền thờ tự linh thiêng. Mùi hương trám đen dần len lỏi vào đời sống tinh thần, tín ngưỡng của người dân thập phương, đặc biệt là các gia đình Bắc Bộ.
Dạo một vòng quanh làng, không khó để bắt gặp những gia đình đang giã bột, se hương. Những bàn tay nhanh thoăn thoắt, tiếng se hương lách cách vui tai.
Trong sân nhà phơi đầy những bó tăm hương chân đỏ, chân vàng và cả những bó hương đen đã thành phẩm. Chỉ đứng đầu ngõ thôi, một mùi thơm rất dễ chịu đã sực thẳng vào mũi, mang đậm hương vị ngày tết cổ truyền.
Những cây hương đen bóng, nhẵn mịn cầm rất mát tay và đặc biệt có một mùi hương rất dễ chịu. Ảnh: Lâm Thùy Dương. |
Theo anh Ngô Quang Mơ – chủ hộ sản xuất hương làng nghề cho hay: “Hương đen làng Chóa mang mùi hương khiến người khác phải mê như thế bởi lẽ nguyên liệu sản xuất nên nó hoàn toàn tự nhiên, không một chút hóa chất. Chúng tôi chỉ sử dụng nhựa trám, than hoa, nứa để có thể tạo nên một cây hương hoàn chỉnh”.
Bà Ngô Thị Bảy ở làng Chóa đã gắn bó với nghề hàng chục năm cho biết: “Để tạo nên một cây hương đạt chuẩn đầu tiên cần phải lựa chọn nguyên liệu một cách cẩn thận. Nhựa trám chúng tôi nhập tận rừng, chủ yếu ở Cao Bằng, than hoa không được lẫn tạp chất. Đặc biệt đối với nứa làm chân hương cần phải được chọn lựa và chuẩn bị kỹ càng. Nứa được ngâm khoảng 3 tháng rồi mới đem vót thành que nhỏ sau đó đem phơi khô dưới nắng. Bây giờ nhiều nhà nhập chân hương từ dưới Hà Nội lên thì bớt được công đoạn ngâm nứa, vót que”.
“Khâu trộn nguyên liệu cũng cần đặc biệt chú trọng. Trước tiên là đun sôi nhựa trám sau đó trộn cùng than hoa sạch làm từ gỗ bạch đàn rồi nghiền hoặc giã đến khi nhuyễn, mịn dẻo thì chuyển qua se vào chân hương đã phơi khô trước đó” – bà Bảy chia sẻ.
Nhựa trám và than hoa sau khi trộn với nhau sẽ được cho vào máy nghiền tạo để tạo thành một hỗn hợp đồng nhất. |
Một điểm đặc biệt ở hương làng Chóa nữa chính là rất an toàn cho người sử dụng.
“Khi đốt hương, dù có cầm cả bó, khói nghi ngút cũng không hề cay mắt bởi vì không dùng đến bất kỳ loại hóa chất nào”.
Theo ông Ngô Sỹ Bình chia sẻ: “Nhiều loại khói hương gây cay mắt, đậu tàn là do sử dụng hóa chất. Những hóa chất được thêm vào hương với mục đích làm cho que hương sau khi đốt uốn vòng, tàn hương tơi xốp, không bị rụng. Hương làng Chóa chúng tôi không sử dụng hóa chất nên sau khi đốt, hương sẽ rụng tàn luôn và không thể uốn vòng như những loại khác”.
Áp dụng máy móc, năng suất tăng cao
Là hộ gia đình duy nhất trong làng nghề có máy sản xuất hương tự động nên gia đình ông Ngô Sỹ Bình có thể sản xuất hàng tấn hương mỗi năm.
Được biết số máy móc đều do ông Bình tự mày mò nghiên cứu rồi chế tạo ra, trong làng không một ai có. Món hàng “độc nhất vô nhị” này đã giúp cho quá trình sản xuất hương của gia đình ông Bình bà Bảy trở nên nhẹ nhàng hơn mà sản lượng đạt được lại cao hơn rất nhiều lần so với những hộ khác.
Ông Bình chỉ cách vận hành máy se hương tự động do mình tự chế tạo. Ảnh: Lâm Thùy Dương. |
Ông Bình chia sẻ: “Trung bình mỗi ngày một người làm thủ công chỉ có thế se được khoảng 1.000-1.500 que hương nhưng khi sử dụng máy móc thì số lượng hương làm có thể lớn hơn hàng chục lần. Một bó hương được bó thành 100 que đủ kích thước, có giá bán buôn rơi vào khoảng 25.000-350.000 đồng/bó cao hơn nhiều so với những loại hương bình thường”.
Những cây hương được bó thành từng bó nhỏ 100 cây rồi phơi khô. Ảnh: Lâm Thùy Dương. |
Những bó hương thành phẩm được bán đi khắp nơi, nhiều nhất là ở Hà Nội, TPHCM… Nhiều đền, chùa cũng đặt hương trám đen để sử dụng. Không biết bao nhiêu người yêu cái mùi thơm ngọt ngào, dễ chịu của loại hương này, dùng một lần mà “nghiền” mà mua đi mua lại. Những tay buôn hương đen làng Chóa cũng nhờ thế mà nhiều phen “cháy” hàng.
Được ông Bình dẫn đi giới thiệu dàn máy “tự chế” mới thấy được cái tài và sự sáng tạo của ông. Một dây chuyền máy móc khép kín từ khâu nấu nhựa trám, trộn nguyên liệu, nghiền nguyên liệu đến khâu se hương.
Tất cả đều tự động hóa, nhiệm vụ duy nhất của người làm chính là ngồi trông máy và đổ nguyên liệu. Riêng đối với loại hương dài khoảng 1-1,2 m vẫn chưa có máy bắn chân tăm phù hợp nên cần người ngồi để đẩy tăm vào khe cho máy se bột.
Ông Bình vui vẻ kể về những ngày đầu tiên chế tạo được máy và đưa vào sử dụng thử: “Vì là lần đầu thấy loại máy như vậy nên bà con không tin là máy móc có thể xử lý được loại bột vừa dẻo vừa quánh như thế này. Họ cứ e ngại bột nghiền ra sẽ dính vào máy hết, không làm được. Nhưng khi tôi đưa vào vận hành, bà con thấy hiệu quả nên nhiều nhà đã đem nguyên liệu sang nhờ nhà tôi nghiền hộ”.
Cả ông Bình và bà Bảy đều rất phấn khởi khi nhớ lại những tháng ngày giúp người dân nghiền nguyên liệu. “Thay vì 4-5 người cùng ngồi giã cả buổi sáng thì dùng máy chỉ cần có khoảng hơn 10 phút là đã xong một mẻ nghiền. Vì thế mà không kể ngày nắng ngày mưa, hôm nào cũng có người đến nghiền, thậm chí có những hôm đứng xếp hàng chật kín sân để chờ đến lượt”.
Bây giờ nhiều đơn đặt hàng, máy chỉ có một bộ, chạy nhiều khi còn không đủ hàng cho khách nên gia đình ông bà không còn chạy hộ nữa. Vả lại, làng nghề bây giờ cũng không còn nhiều hộ làm. Bởi làm thủ công thì rất lâu trong khi 1 kg hương bán ra tính cả gốc cả lãi chỉ được hơn 200.000 đồng.
Ông Bình ngậm ngùi kể: “Từ khi khu công nghiệp về đây, người dân bỏ nghề làng đi công ty rất nhiều, nhất là những người trẻ. Có như vậy thì đồng lương của người họ mới ổn định, cuộc sống cũng ấm no hơn. Làm hương cũng tùy từng hộ, không phải hộ nào cũng bán được, vấn đề tìm đầu ra cũng hết sức gian nan”.
Khi đề cập đến vấn đề mai một của làng nghề và được hỏi liệu rằng ông có lo ngại nghề làm hương thất truyền không, ông Bình trả lời: “Vấn đề mai một thì hầu như làng nghề nào cũng sẽ phải đối mặt, còn thất truyền hay không thì cũng không thể nói trước được nhưng riêng gia đình tôi vẫn sẽ giữ nghề đến khi còn có thể, sẽ truyền lại cho những thế hệ sau”.
Theo vợ chồng ông Ngô Sỹ Bình, chỉ người trong làng mới có thể làm được một cây hương đúng chuẩn. Người nơi khác đến học thì dù có lấy luôn nguyên liệu về chỉ trộn và se thôi thì cũng không thể có mùi thơm đượm như hương chính gốc làng Chóa. “Con dâu từ các nơi khác lấy chồng về làng làm hương đều rất giỏi nhưng con gái trong làng đi lấy chồng qua nơi khác thì không làm được nữa. Đấy như là một câu chuyện tâm linh mà trước giờ chưa có ai lý giải được”. Cho đến nay, hương đen làng Chóa chỉ truyền lại được cho người trong làng.