Đám giỗ bên cồn có gì đặc biệt mà giới trẻ rần rần rủ nhau đi?

Dam Gio Ben Con Co Gi Dac Biet Ma Gioi Tre Ran Ran Ru Nhau Di 26660 2

Đám giỗ bên cồn có gì vui và đặc sắc mà ngày nào bà Sáu trong các clip của TikToker Lê Tuấn Khang cũng đòi đi? Và bây giờ là giới trẻ khắp nơi cũng rần rần rủ nhau đi đám giỗ bên cồn.

Người trẻ hay nói vui với nhau rằng mạng xã hội những ngày gần đây kiểu: “Bạn đi đâu đấy? – Mình đi đám giỗ bên cồn”. Không những thế, 2 câu hát “Bên cồn sao đám giỗ quài dị (hoài vậy)/ Đám giỗ bình dân sao bên cồn thuê gánh hát” trong các clip của chàng TikToker Lê Tuấn Khang giờ đây cũng nổi như… cồn. Người người, nhà nhà hát, cover theo và rủ nhau đi đám giỗ bên cồn. Có thể nói “đám giỗ bên cồn” đang khuynh đảo cộng đồng mạng hiện nay. Vậy đám giỗ bên cồn là gì? Đám giỗ bên cồn có gì đặc sắc?

Đám giỗ bên cồn là gì?

Mọi người rần rần rủ nhau đi và trở thành câu nói cửa miệng hiện nay của không ít bạn trẻ. Thế nhưng, cũng rất nhiều người thắc mắc và không biết đám giỗ bên cồn là gì, có những gì đặc sắc?

Nguyễn Gia Hân (22 tuổi) trọ tại hẻm 2150 Quốc lộ 1A, P.Tân Chánh Hiệp, Q.12, TP.HCM, cho biết cô nàng rất thích thú với trend (xu hướng) đám giỗ bên cồn đang “hot” rần rần này. Hân nói: “Giờ làm gì mình cũng lẩm bẩm mấy câu hát về đám giỗ bên cồn. Mình thấy trend này rất vui mà nhiều người chế các clip theo trend này cũng hài hước lắm. Mình xem và cười suốt ngày à”.

Nhưng Hân cũng thừa nhận: “Mình thấy vui nên bắt trend vậy thôi chứ thật ra cũng không biết đám giỗ bên cồn là gì? Mình quê Thanh Hóa nhưng nhà ở miền núi nữa nên không biết đám giỗ bên cồn có gì đặc sắc. Mình cũng tính rủ mấy đứa bạn cuối tuần về miền Tây chơi, tiện thể tìm hiểu thử đám giỗ bên cồn là gì?”.

Đám giỗ bên cồn có gì đặc biệt mà giới trẻ rần rần rủ nhau đi?- Ảnh 1.

Phong cảnh sông nước nên thơ ở các cồn miền Tây, nơi mà người trẻ đang rần rần rủ nhau đi ăn đám giỗ bên cồn

Anh Lý Thường Kiệt, ngụ tại xã Thạnh Trị, H.Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng, chia sẻ: “Mình thì qua cồn chơi rất nhiều lần nhưng chưa đi đám giỗ. Nhưng mình nghe kể là đám giỗ bên cồn thường tổ chức nhiều ngày (từ 2 đến 3 ngày) do trước đây qua cồn khó khăn nên thường người đi ăn đám sẽ chơi cho đã rồi mới về. Với người dân ở cồn rất hiếu khách. Món ăn ở cồn thường phong phú. Cá tôm tự nhiên cũng nhiều”.

Anh Kiệt cho biết mỗi cồn đều có đặc trưng riêng và cồn thường là đất nổi giữa sông nên phù sa nhiều, tốt cho cây ăn trái và tôm cá cũng nhiều. Theo anh Kiệt, trong các clip của TikToker Lê Tuấn Khang có thể nhắc đến 2 cồn là Mỹ Phước, Phong Nẫm. Vì ở H.Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) của nhà Tuấn Khang có 2 cồn này rất nổi tiếng về trái cây.

Đám giỗ bên cồn có gì đặc biệt mà giới trẻ rần rần rủ nhau đi?- Ảnh 2.

Cá tôm tự nhiên ở cồn rất nhiều, nên trong thực đơn của đám giỗ bên cồn thường sẽ có những loại cá tôm được bài trí rất bắt mắt

Anh Kiệt cũng cho biết muốn qua cồn thì sẽ đi bằng phà, thường sẽ mất khoảng 15-30 phút để di chuyển qua phà (tùy theo cồn). Ngoài phà thì người dân địa phương cũng có thể di chuyển bằng vỏ lãi (một loại thuyền máy, hoặc xuồng, ghe nhỏ), nhưng anh Kiệt cho biết đi bằng phà vẫn phổ biến nhất vì an toàn hơn.

Theo dõi TikToker Lê Tuấn Khang từ lâu, Nguyễn Đình Nguyên, quê tại H.Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, cho biết rất thích các clip của chàng TikToker này vì chân chất và đậm chất miền Tây. Nguyên cho biết cồn là một đặc trưng ở miền Tây và đám giỗ bên cồn cũng vậy.

Nguyên cho biết rất thường xuyên đi ăn đám giỗ bên cồn vì có nhà bạn ở đó. “Mình thấy đám giỗ ở miền Tây chủ yếu là dịp để con cháu và hàng xóm tụ tập với nhau, vừa ôn chuyện xưa vừa để thế hệ sau làm quen nhau”, Nguyên chia sẻ.

Đám giỗ bên cồn có gì đặc biệt mà giới trẻ rần rần rủ nhau đi?- Ảnh 3.

Trần Thị Mỹ Ngọc, nhà ở cù lao Long Thuận (Đồng Tháp) cho biết bánh tét cũng là một đặc trưng tại các đám giỗ bên cồn nói riêng và miền Tây nói chung. Sau khi nấu bánh xong, thường sẽ được treo lên như thế này cho ráo nước

Kể về những đặc sắc của đám giỗ bên cồn, Nguyên nói: “Mình thấy cái khác của đám giỗ bên cồn có lẽ là không khí. Kiểu bên cồn ở chỗ mình thì chủ yếu nhà nào cũng trồng cây ăn trái, nhà có sân vườn rộng và mát, thức ăn có sẵn nên thường sẽ tụ tập sớm để nấu chung rồi ăn chung. Dưới chỗ mình thì các mẹ, bà con với hàng xóm, sẽ tụ với nhau nấu ăn từ sớm. Đàn ông con trai thì dọn nhà, dọn bàn thờ, bày bàn ghế các thứ. Nói chung mình thấy nó vui hơn đám giỗ ở thị trấn hay thành phố là khâu mọi người chuẩn bị với nhau ở một cái sân vườn mát mẻ trong lành, đậm chất miệt vườn sông nước”.

Bên cồn sao đám giỗ hoài vậy?

Trần Võ Mai Thảo, ngụ tại Q.6, TP.HCM, có quê ở Cù lao Tân Phong (cù lao này gồm có 6 cồn tại H.Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) thì cho biết thường đám giỗ bên cồn sẽ tổ chức trong 2 ngày.

“Ngày đầu là ngày chuẩn bị. Sáng các cô sẽ gói bánh ít, bánh tét, chiều hôm đó thì cúng tiên thường. Ngày sau là ngày giỗ chính. Buổi sáng mọi người sẽ tự nấu đồ để cúng, điều đặc biệt là cúng xong mọi người quây quần ăn xong thì mấy chú thường ca hát tới chiều. Chiều tối ăn lại lần nữa xong thì mới về. Lúc khách về, chủ nhà sẽ gửi mỗi người kèm một phần bánh mang về”, Thảo kể.

Đám giỗ bên cồn có gì đặc biệt mà giới trẻ rần rần rủ nhau đi?- Ảnh 4.

Các món thường có trong đám giỗ bên cồn của nhà Thảo

Về các món trong đám giỗ, Thảo cho biết sẽ thường là những món đặc trưng của miền Tây. Trong đó thường sẽ có heo quay, bò kho, chả hấp, lẩu hải sản, gỏi…

Theo Thảo, đám giỗ ở cồn tại miền Tây thường sẽ giống nhau. Người dân ở đây thường phải ráng sắp xếp công việc để đi đám giỗ, vì một tháng có khá nhiều đám. “Nhà mình có tháng ba mẹ đi gần 5-7 cái đám giỗ luôn á”, Thảo nói và cho biết cũng vì thế mà TikToker Lê Tuấn Khang mới có câu hát “Bên cồn sao đám giỗ quài dị (hoài vậy)”.

Đám giỗ bên cồn có gì đặc biệt mà giới trẻ rần rần rủ nhau đi?- Ảnh 5.

Nhà Thảo thường làm mâm cúng chay nhưng dọn khách sẽ là đồ mặn

Thảo kể ở bên cồn bây giờ đã tân tiến hơn rồi, đa phần đi bằng xe gắn máy để di chuyển trong cồn, chứ trước đây phải đi bằng xuồng hết. “Từ thị trấn qua cồn nhà mình sẽ đi bằng phà. Còn ở bên cồn thì di chuyển bằng xe gắn máy do có đường bê tông hết rồi. Trước đây mỗi lần đi vòng vòng ở cồn là mình đều đi bằng xuồng hết”, Thảo kể và cho rằng đi bằng xuồng cũng có những cái hay riêng vì mang đặc trưng của người miền Tây hơn.

Hiện nay Thảo đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM nhưng cứ dịp đám giỗ nào ở nhà mà rơi vào ngày cuối tuần là Thảo đều sắp xếp về để dự. Vì với Thảo, đám giỗ ở quê rất nhiều điều đáng nhớ. Thảo chia sẻ: “Thường đám giỗ cũng là dịp để họp mặt gia đình, nếu được thì mấy cô, dì, anh chị nhà mình còn đăng ký nghỉ phép trước để về dự”.

Danh tính bà Sáu, sư phụ, bà Tám, bà Chín trong series ‘đám giỗ bên cồn’ của Lê Tuấn Khang

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *