Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Moscow sẽ tiếp tục thử nghiệm tên lửa đạn đạo siêu thanh Oreshnik trong điều kiện chiến đấu sau cuộc thử nghiệm đầu tiên tại xung đột với Ukraine.
Tên lửa Oreshnik có tốc độ gấp 10 lần âm thanh và nhiều khả năng vượt trội. (Nguồn: Reddit)
Tuyên bố của ông Putin được đưa ra sau khi Nga sử dụng một quả tên lửa Oreshnik tấn công vào lãnh thổ Ukraine ngày 21/11. Tổng thống Nga cho biết thêm, nước này sẽ tiếp tục thử nghiệm hệ thống tên lửa Oreshnik và sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa mới.
Ngoài ra, Tổng thống Putin cũng khẳng định, hiện nay trên thế giới không có bất kỳ vũ khí nào có thể đánh chặn được loại tên lửa này.
Về tên lửa Oreshnik, đây là tên lửa đạn đạo tầm trung có thể mang đầu đạn hạt nhân hoàn toàn mới chưa từng được đề cập trước công chúng. Tên lửa Oreshnik, được Nga sử dụng trong cuộc tấn công vào thành phố Dnipro (Ukraine), đã thử nghiệm trong điều kiện chiến đấu “một trong những hệ thống tên lửa tầm trung mới nhất của Nga”. Theo Tổng thống Nga, cuộc tấn công này là cuộc thử nghiệm thành công cho vũ khí có cấu hình siêu thanh phi hạt nhân Oreshnik và đã đạt được mục tiêu đề ra.
Các kỹ sư tên lửa đã đặt tên cho loại tên lửa này là Oreshnik, hay cây tuyết tùng trong tiếng Nga.
Tốc độ siêu thanh
Hệ thống phòng không không thể đánh chặn Oreshnik là loại tên lửa tấn công với tốc độ Mach 10 (gấp 10 lần tốc độ âm thanh), hoặc 2,5-3 km/s.
Tên lửa siêu thanh Oreshnik di chuyển với tốc độ tối thiểu là Mach 5 (gấp 5 lần tốc độ âm thanh) và có thể cơ động giữa chừng khi đang bay, khiến chúng khó bị theo dõi và đánh chặn hơn.
“Các hệ thống phòng không hiện đại… không thể đánh chặn những tên lửa như vậy. Điều đó là không thể. Cho đến nay vẫn chưa có phương tiện nào chống lại được loại vũ khí như vậy”, ông Putin cho biết.
Tổng cục tình báo quân đội (GUR) của Ukraine đã viết trên Telegram rằng tên lửa Oreshnik chỉ mất 15 phút để bay từ trường bắn Kapustin Yar ở vùng Astrakhan đến thành phố Dnipro, một khoảng cách khoảng 800 km (490 dặm), đạt tốc độ cuối cùng trên Mach 11.
Đầu đạn
Theo chuyên gia quân sự Viktor Baranets của Nga, tên lửa Oreshnik có thể có từ 3 đến 6 đầu đạn. Trong khi Tổng cục tình báo quân đội của Ukraine cho biết loại tên lửa này có 6 đầu đạn.
Biên tập viên Igor Korotchenko của tạp chí Quốc phòng có trụ sở tại Moscow, nói với hãng TASS rằng dựa trên cảnh quay video về cuộc tấn công, Oreshnik có nhiều đầu đạn dẫn đường độc lập. Theo các chuyên gia quân sự, trong cuộc tấn công này, Oreshnik mang theo các đầu đạn thông thường, nhưng nó cũng có thể mang đầu đạn hạt nhân.
Ông Korotchenko phân tích, “việc các đầu đạn đến mục tiêu gần như đồng thời” cho thấy hệ thống này “rất hiệu quả”, đồng thời gọi đây là “kiệt tác về chế tạo tên lửa quân sự nhiên liệu rắn hiện đại của Nga”.
Tầm bắn
Theo như Tổng thống Putin mô tả, tên lửa Oreshnik là tên lửa đạn đạo tầm trung (MRBM), nhưng theo các chuyên gia quân sự Nga thì thuật ngữ chính xác phải là tên lửa đạn đạo tầm trung gian (IRBM). Tên lửa đạn đạo tầm trung gian có tầm bắn từ 1000 đến 5500 km, chỉ sau phạm vi tầm ngắm của tên lửa xuyên lục địa (ICBM)
Chuyên gia quân sự Ilya Kramnik tuyên bố rằng tầm bắn của Oreshnik có thể ở mức cao nhất của tên lửa tầm trung gian, khoảng 3000 đến 5000 km. Trong khi đó, ông Dmitry Kornev, biên tập viên của trang web Military Russia, thì nhận định rằng đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Nga sử dụng tên lửa đạn đạo tầm trung gian trong chiến đấu.
Nguồn gốc
Bộ Quốc phòng Mỹ mô tả Oreshnik là một tên lửa “thử nghiệm” dựa trên tên lửa xuyên lục địa (ICBM) RS-26 Rubezh của Nga. Thông tin về Rubezh, một phiên bản cải tiến của ICBM Topol, rất ít ỏi.
Hãng thông tấn TASS trích dẫn một nguồn tin cho hay, vào năm 2018 việc phát triển Rubezh đã bị đóng băng theo chương trình vũ khí nhà nước cho đến năm 2027, để ưu tiên một hệ thống khác, Avangard.
Tên lửa Rubezh là một phiên bản sửa đổi của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Topol, tuy nhiên đã bị dừng phát triển đến năm 2027 để ưu tiên cho cho hệ thống tên lửa Avangard.
Người đứng đầu Tổng cục tình báo quân sự của Ukraine Kyrylo Budanov cho biết, cơ quan này nắm được thông tin về hai nguyên mẫu của tên lửa Oreshnik và vũ khí này “vẫn chưa được sản xuất hàng loạt”.
Một bài đăng của chuyên gia vũ khí Nga Yan Matveyev trên Telegram nhận định rằng việc sản xuất tên lửa Oreshnik có thể có hai giai đoạn, khá đắt và có khối lượng lớn, vậy nên việc sản xuất hàng loạt là tương đối khó.
Sức đe dọa
“Tầm bắn của Oreshnik có thể đe dọa đến toàn bộ châu Âu nhưng không thể đe dọa tới Mỹ”. Đây là nhận định của chuyên gia vũ khí Pavel Podvig, giám đốc Dự án Lực lượng hạt nhân Nga.
Trong lịch sử, Mỹ và Liên Xô đã ký hiệp ước từ bỏ việc sử dụng tên lửa có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km. Tuy nhiên, 2019 đánh dấu cột mốc lịch sử khi cả Washington và Moscow đều rút khỏi Hiệp ước vũ khí hạt nhân tầm trung (INF) khi cả hai đều tố cáo đối phương vi phạm hiệp ước.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng phát biểu trong ngày 21/11 rằng: “Nga sẽ giải quyết vấn đề liên quan đến việc triển khai thêm các tên lửa tầm trung gian và tầm ngắn dựa trên hành động của Mỹ và các đồng minh của nước này.”