Việt Nam đang dần bắt nhịp với xu hướng thương mại hóa tài sản sở hữu trí tuệ

Viet Nam Dang Dan Bat Nhip Voi Xu Huong Thuong Mai Hoa Tai San So Huu Tri Tue 25952

Nhiều doanh nghiệp trong nước bắt đầu nhận ra tiềm năng lớn của tài sản trí tuệ và nội dung số, dù đây vẫn còn là lĩnh vực tương đối mới mẻ…

Thúc đẩy các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ
Tài sản sở hữu trí tuệ là những sản phẩm do trí tuệ con người sáng tạo ra. Ảnh minh họa

Tài sản sở hữu trí tuệ đã và đang trở thành một yếu tố cốt lõi trong việc tạo ra giá trị kinh tế bền vững. Thương mại hóa tài sản sở hữu trí tuệ không chỉ giúp các cá nhân và tổ chức có thể khai thác tối đa giá trị của sáng tạo mà còn tạo ra nhiều cơ hội hợp tác quốc tế, có thể mở rộng thị trường cũng như phạm vi ảnh hưởng trên toàn cầu.

Tài sản sở hữu trí tuệ là những sản phẩm do trí tuệ con người sáng tạo ra thông qua quá trình tư duy sáng tạo trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây là loại tài sản vô hình, không thể nhận biết thông qua các đặc điểm vật chất, nhưng lại có giá trị lớn nhờ khả năng tạo ra lợi nhuận.

KHAI THÁC HÌNH ẢNH VÀ NHÂN VẬT VÀO SẢN PHẨM CÓ THỂ THU ĐƯỢC LỢI ÍCH “KHÔNG GIỚI HẠN”

Nhiều doanh nghiệp trong nước bắt đầu nhận ra tiềm năng lớn của tài sản trí tuệ và nội dung số, dù đây vẫn còn là lĩnh vực tương đối mới mẻ. Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để tận dụng tối đa tiềm năng này, với sự hợp tác giữa các bên công và tư nhằm thúc đẩy phát triển tài sản trí tuệ và kinh tế sáng tạo. Vì thế, ngành Character Licensing đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ tại Việt Nam.

Character Licensing là hình thức cấp quyền cho bên thứ ba sử dụng hình ảnh, thương hiệu và các yếu tố liên quan đến một nhân vật được bảo hộ bản quyền để sản xuất và kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ (gọi tắt là cấp quyền thương mại nhân vật).

Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Giám đốc bản quyền Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ WOA Universal, các doanh nghiệp ứng dụng hình ảnh và nhân vật vào sản phẩm có thể thu được những lợi ích “không giới hạn”. Thứ nhất, khi tích hợp nhân vật vào bộ sản phẩm của mình, doanh nghiệp có thể sáng tạo mà không bị ràng buộc bởi bất kỳ giới hạn nào về mặt hình thức hay thể hiện, khác biệt hoàn toàn so với việc sử dụng người thật. Điều này tạo nên một nguồn nguyên liệu mạnh mẽ để các nhãn hàng phát triển sản phẩm theo những xu hướng sáng tạo vượt bậc.

Thứ hai, các nhãn hàng còn có thể tối ưu chi phí khi sử dụng nhân vật hoạt hình. Bởi vì, nếu triển khai một chiến dịch truyền thông với quay phim thực tế cần đầu tư rất nhiều vào bối cảnh, diễn viên, phim trường và đội ngũ hậu kỳ. Ngược lại, sử dụng nhân vật hoạt hình là một giải pháp tối ưu, vẫn đảm bảo giá trị và chất lượng.

Thứ ba, tính tương tác của nhân vật hoạt hình còn giúp xóa bỏ rào cản tâm lý của người xem đối với một sản phẩm quảng cáo. Thay vì cảm thấy bị quảng cáo quá trực tiếp, nhân vật hoạt hình thường gần gũi và tạo cảm giác giải trí, đồng thời có thể dễ dàng chuyển hóa thành những nhân vật tương tác với cuộc sống hàng ngày.

Cuối cùng, một lợi thế quan trọng nữa là việc sử dụng nhân vật hoạt hình giúp các nhãn hàng tránh được rủi ro liên quan đến các scandal hay vấn đề tiêu cực mà đôi khi xảy ra khi hợp tác với các KOL hoặc KOC. Nhân vật hoạt hình không có đời sống cá nhân, không vướng phải những câu chuyện tiêu cực, nên nhãn hàng có thể an tâm hơn về mặt quản lý rủi ro.

TÀI SẢN VÔ HÌNH NGÀY CÀNG CHIẾM TỶ TRỌNG CAO TRONG GIÁ TRỊ TÀI SẢN CỦA DOANH NGHIỆP

Theo luật sư Lê Quang Vinh, Giám đốc Công ty Sở hữu trí tuệ BROSS & Cộng sự, thế giới hiện nay đang thay đổi rất nhanh. “Chúng ta chứng kiến sự thay đổi ngoạn mục trong cơ cấu và tỷ trọng giá trị tài sản của doanh nghiệp”, ông Lê Quang Vinh nói.

Theo ông, trước đây, vào những năm 1980, thống kê cho thấy 80% giá trị tài sản của doanh nghiệp là tài sản hữu hình. Tuy nhiên, sau 30 năm, tình thế đã hoàn toàn đảo ngược, khi chỉ có 20% là tài sản hữu hình, còn 80% là tài sản vô hình. Cá biệt, với một số công ty công nghệ tại Mỹ, giá trị tài sản hữu hình chỉ chiếm từ 4-6%, còn lại đều là tài sản vô hình.

“Trong tất cả các loại tài sản vô hình, tài sản quan trọng nhất chính là tài sản sở hữu trí tuệ. Đây là một thực tế khách quan mà chúng ta cần nhìn nhận để đánh giá lại vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ, nhất là trong bối cảnh tài sản vô hình ngày càng trở nên trọng yếu trong các doanh nghiệp hiện đại”, Luật sư Lê Quang Vinh nói.

Theo Luật sư, hoạt động thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ thực chất là quá trình biến các tài sản vô hình này thành tiền, nhằm tạo ra lợi ích vật chất.

Hoạt hình Wolfoo ra rạp sau tranh chấp bản quyền - Tuổi Trẻ Online

Gay cấn tranh chấp bản quyền sở hữu trí tuệ giữa Wolfoo và Peppa Pig

 

Dưới góc nhìn pháp lý, bản chất của hoạt động character licensing cũng là một hình thức thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ. Điều này cho phép các công ty không chỉ kiếm lợi từ việc sở hữu trí tuệ mà còn mở rộng giá trị thương hiệu qua việc tạo ra những sản phẩm mới mang lại giá trị cho người tiêu dùng.

NẮM VỮNG HỆ THỐNG PHÁP LUẬT QUỐC TẾ VÀ ĐỊA PHƯƠNG LIÊN QUAN ĐẾN BẢO HỘ TÀI SẢN TRÍ TUỆ

Đặc biệt, theo Luật sư Lê Quang Vinh, một khía cạnh quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ là tính lãnh thổ. Để có thể khai thác quyền sở hữu trí tuệ ở quy mô toàn cầu, các chủ thể quyền cần chú ý đến việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ tại các quốc gia khác nhau để bảo vệ quyền lợi. Việc đăng ký này không chỉ giúp duy trì quyền sở hữu mà còn tạo điều kiện cho việc phát triển và mở rộng kinh doanh ra thị trường quốc tế.

Đối với các công ty sản xuất phim hoạt hình, việc khai thác lĩnh vực Character Licensing đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, các công ty này cần lưu ý rằng thế giới hiện đang chuyển mình rất nhanh, đặc biệt là với sự phát triển của vũ trụ ảo.

“Vũ trụ ảo không chỉ mở ra nhiều cơ hội mới mà còn đặt ra nhiều thách thức đối với quyền sở hữu trí tuệ. Các chủ thể quyền cần phải nghiên cứu và cập nhật các quy định liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ trong không gian ảo để bảo vệ quyền lợi và khai thác hiệu quả các cơ hội mà vũ trụ ảo mang lại”, Luật sư Lê Quang Vinh nói.

“Theo quan điểm của tôi, tài sản vô hình, đặc biệt là quyền sở hữu trí tuệ, có những đặc điểm khác biệt. Một trong những điểm đặc biệt đó là tài sản trí tuệ không thể chiếm hữu như tài sản hữu hình. Điều này xuất phát từ việc nó không có hình hài vật lý, khiến cho việc nhận diện và bảo vệ trở nên phức tạp hơn. Sự trừu tượng này khiến tài sản trí tuệ dễ bị mất hoặc bị xâm phạm”, ông nói.

Ngoài ra, mỗi quốc gia lại có hệ thống pháp luật riêng để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, việc không hiểu rõ quy định này có thể dẫn đến việc mất quyền lợi. Do đó, doanh nghiệp cần phải nắm rõ hệ thống pháp luật quốc tế và địa phương liên quan đến việc bảo hộ tài sản trí tuệ, cũng như các quy chế thuế cho từng đối tượng cụ thể.

Đối với những người sáng tạo và kinh doanh nội dung số, điều quan trọng nhất là tạo ra sự khác biệt. Tuy nhiên, con đường tạo ra sự khác biệt không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Dưới quan điểm của luật sư, đó là khả năng đối mặt với những rủi ro pháp lý.

“Việc nắm vững các quy định pháp lý và thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền lợi là điều cần thiết để đảm bảo những ý tưởng sáng tạo không bị vi phạm hoặc dẫn đến tranh chấp”,

Mục nhập này đã được đăng trong News. Đánh dấu trang permalink.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *