Hầu hết các trường hợp ô tô bị cây đè do bão sẽ được công ty bảo hiểm đền bù, nhưng sẽ có ngoại lệ mặc dù phương tiện đã được mua bảo hiểm vật chất.
Xe ô tô bị thiệt hại do bão Yagi gây ra (ảnh Quỳnh An)
– PV: Bão Yagi rời đi để lại thiệt hại nặng nề cho phương tiện, nhất là ô tô. Vậy những ô tô bị nạn do bão có được công ty bảo hiểm bồi thường hay không thưa luật sư?
Luật sư Lê Ngô Hoài Phong: Luật Kinh doanh bảo hiểm ghi rõ tại điểm đ khoản 2 Điều 20, quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm là bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm;
Theo khoản 27 Điều 3, Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định về sự kiện bảo hiểm nêu: “Sự kiện bảo hiểm là sự kiện khách quan do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định mà khi sự kiện đó xảy ra thì doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.”
Như vậy, bên mua bảo hiểm ô tô bị thiệt hại vật chất do thiên tai cần kiểm tra trường hợp này thuộc phạm vi bảo hiểm trong hợp đồng đã ký kết với công ty cung cấp bảo hiểm hay không.
Trong hợp đồng bảo hiểm ký kết giữa 2 bên có thỏa thuận sự kiện xe bị hư hại do thiên tai là cơ sở được bồi thường và không thuộc các trường hợp loại trừ thì khách hàng có quyền yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm chịu trách nhiệm bồi thường khi sự kiện đó xảy ra.
Luật sư Lê Ngô Hoài Phong, Văn phòng Luật sư Phong & Parners, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng
– Để được bồi thường thì chủ phương tiện phải có hợp đồng bảo hiểm giữa các bên, vậy nếu được bồi thường thì mức bồi thường sẽ như thế nào? Quy định nào của luật bảo hiểm quy định nội dung này?
Theo khoản 3, Điều 16, Luật kinh doanh bảo hiểm quy định về nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm.
Cụ thể, “Nguyên tắc bồi thường: số tiền bồi thường mà người được bảo hiểm nhận được không vượt quá thiệt hại thực tế trong sự kiện bảo hiểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm”.
Như vậy mức độ bồi thường sẽ phụ thuộc vào 3 yếu tố gồm: Gói bảo hiểm: Mỗi gói bảo hiểm sẽ có mức độ bảo vệ và điều khoản bồi thường khác nhau; Mức độ hư hỏng: Tùy thuộc vào mức độ hư hỏng của xe mà bạn sẽ được bồi thường một phần hoặc toàn bộ giá trị xe; điều khoản trong hợp đồng: Bạn cần đọc kỹ điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm để hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình.
– Theo luật sư, người tiêu dùng cần làm gì để được đền bù, bảo hiểm khi phương tiện bị hư hại do bão?
Theo Điều 46 Luật kinh doanh bảo hiểm quy định thông báo khi sự kiện bảo hiểm bên mua bảo hiểm phải thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm biết sự kiện bảo hiểm xảy ra theo thời hạn thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Việc không thông báo có thể khiến người mua bảo hiểm bị giảm trừ số tiền phải bồi thường bảo hiểm. Ngoài ra, luật cũng quy định, chi phí giám định tổn thất do doanh nghiệp bảo hiểm chi trả.
Trường hợp các bên không thống nhất về nguyên nhân và mức độ tổn thất thì có thể thỏa thuận thuê giám định viên độc lập, trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm.
Trường hợp các bên không thoả thuận được việc thuê giám định viên độc lập thì một trong các bên có quyền yêu cầu Toà án có thẩm quyền hoặc Trọng tài trưng cầu giám định viên độc lập. Kết luận của giám định viên độc lập có giá trị bắt buộc đối với các bên.
Như vậy, khi xảy ra sự kiện bảo hiểm (cây đổ do bão), người dân liên hệ ngay cho đơn vị bảo hiểm. Về hồ sơ thủ tục thì cần căn cứ vào hợp đồng bảo hiểm để thực hiện.
Ô tô “bơi” trong nước lũ sao bão Yagi (ảnh Thanh Hằng)– Lời khuyên nào cho người dân sau khi cơn bão Yagi đi qua thưa luật sư?
Khi xe gặp phải tình trạng hư hại do bão, việc đầu tiên người dân phải thông báo ngay lập tức cho công ty bảo hiểm để chuyên viên/nhân viên của công ty bảo hiểm có thể giám định hiện trường. Việc này giúp xác minh chính xác nguyên nhân và mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra, từ đó bảo hiểm có cơ sở để chi trả đầy đủ 100% chi phí sửa chữa, thay thế.
Nếu không kịp thời thông báo cho bảo hiểm và tự ý đưa xe về garage hoặc xưởng dịch vụ, thực tế mức chi trả của các công ty bảo hiểm tối đa khoảng 80% giá trị thiệt hại.
Cần lưu ý thêm rằng, nếu công ty bảo hiểm không cử nhân viên/chuyên viên kịp thời xác định hiện trường và mức độ hư hỏng, thiệt hại, chủ xe có thể yêu cầu đơn vị thừa phát lại để lập vi bằng ghi nhận chứng cứ để có cơ sở yêu cầu công ty bảo hiểm bồi thường.