Những thông số khi xét nghiệm nước tiểu, Xét nghiệm nước tiểu biết bệnh gì?

Nhung Thong So Khi Xet Nghiem Nuoc Tieu Xet Nghiem Nuoc Tieu Biet Benh Gi 25099

BSCKII. Nguyễn Thị Thủy – Phó trưởng Khoa Thận lọc máu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, xét nghiệm nước tiểu là một trong những cách hỗ trợ kiểm tra không xâm lấn và theo dõi sức khỏe khá đơn giản. Chính bản thân mỗi người cũng có thể tự phát hiện những bất thường của nước tiểu thông qua mùi, màu sắc, độ đục trong.

Độ trong

Nước tiểu bình thường thường có độ trong vắt hoặc hơi đục nhẹ. Tuy nhiên, nếu nước tiểu vẩn đục, đó có thể là dấu hiệu của nhiễm khuẩn, sự hiện diện của mỡ, hồng cầu, bạch cầu hoặc do thay đổi pH niệu. Cần lưu ý rằng đôi khi nước tiểu vẩn đục có thể do lẫn chất tiết từ âm đạo, do đó cần phải thận trọng khi đánh giá tình trạng này.

Màu sắc

Màu sắc của nước tiểu có thể phản ánh tình trạng sức khỏe của bạn. Nước tiểu màu vàng trong là biểu hiện của nước tiểu bình thường. Màu vàng sậm có thể xuất hiện do bilirubin hoặc do sử dụng thuốc tetracycline. Nếu nước tiểu có màu đỏ, có thể đó là dấu hiệu của nhiễm khuẩn tiết niệu, chấn thương thận, hoặc do ảnh hưởng của thuốc và thực phẩm như củ cải và thanh long đỏ.

Màu nâu trong nước tiểu có thể là do sự hiện diện của hemoglobin hoặc myoglobin. Khi nước tiểu có màu trắng đục, đó có thể là biểu hiện của tổn thương cầu thận, mủ hoặc dưỡng chấp. Cuối cùng, màu xanh lơ hoặc xanh sậm thường liên quan đến nhiễm khuẩn hoặc do một số loại thuốc như xanh methylen, cimetidine gây ra.

Mùi nước tiểu

Mùi nước tiểu cũng có thể cung cấp thông tin về tình trạng sức khỏe. Mùi khai nhẹ là hiện tượng bình thường sau khi đi tiểu. Tuy nhiên, nếu nước tiểu có mùi hoa quả ngọt, đó có thể liên quan đến ceton niệu, một tình trạng thường gặp ở người bị tiểu đường.

Mùi hôi trong nước tiểu có thể là dấu hiệu của nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Nếu mùi khai xuất hiện ngay sau khi đi tiểu, có thể đây là dấu hiệu của nhiễm khuẩn do vi khuẩn Proteus. Ngoài ra, một số loại thực phẩm như măng tây, tỏi có thể khiến nước tiểu có mùi mốc.

Màu của nước tiểu có thể phản ánh tình trạng sức khoẻ.

Xét nghiệm nước tiểu biết bệnh gì?

Nước tiểu chứa chất thải do hệ tiết niệu sản xuất và loại bỏ qua niệu đạo. Xét nghiệm nước tiểu giúp kiểm tra, phân tích các chất có trong nước tiểu, từ đó phát hiện bệnh, chẩn đoán vấn đề sức khỏe và đánh giá hiệu quả điều trị.

Nhiễm trùng đường tiểu

Nếu trong nước tiểu phát hiện có vi khuẩn thì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh nhiễm trùng đường tiểu. Bệnh có thể xuất phát từ niệu quản, niệu đạo hay bàng quang của hệ tiết niệu. Để xác định người bệnh có đang bị nhiễm trùng đường tiểu không, bác sĩ sẽ dựa vào hai chỉ số là tế bào bạch cầu và Nitrate (là sản phẩm chuyển hóa gây ra bởi vi khuẩn) trong nước tiểu.

Các bệnh lý liên quan đến thận

Thận là cơ quan lọc máu quan trọng đối với sức khỏe của chúng ta. Xét nghiệm nước tiểu có giá trị trong việc giúp phát hiện sớm các bệnh lý liên quan đến thận.

Cụ thể, các chỉ số xét nghiệm nước tiểu bất thường như tế bào hồng cầu, chỉ số Protein, chỉ số pH,… có thể là dấu hiệu biểu hiện cho các bệnh lý như suy thận, sỏi thận…

Các bệnh lý liên quan đến bàng quang

Bàng quang là một trong các cơ quan thuộc hệ tiết niệu với nhiệm vụ chứa nước tiểu và đưa ra tín hiệu khi vượt mức chứa về lượng nước tiểu. Các bệnh lý ở bộ phận này được biểu hiện qua sự xuất hiện của vi khuẩn hay máu trong nước tiểu. Do vậy, thực hiện xét nghiệm nước tiểu cũng giúp phát hiện các bệnh lý đó.

Bệnh gan

Xét nghiệm nước tiểu có ý nghĩa trong việc giúp phát hiện các bệnh lý ở gan thông qua chỉ số UBG và BIL. Cơ quan này có thể mắc phải các bệnh lý như viêm gan, xơ gan,…

Bệnh đái tháo đường

Việc người bệnh có đang mắc bệnh đái tháo đường không có thể được tiết lộ qua chỉ số xét nghiệm nước tiểu gồm có độ pH, Xeton.

Bệnh lây truyền tình dục

Bên cạnh đó, thực hiện xét nghiệm này cũng có thể được chỉ định để chẩn đoán các bệnh lây truyền qua đường tình dục như: giang mai, lậu…Đặc biệt, có thể phát hiện ngay cả trong giai đoạn ủ bệnh và chưa xuất hiện triệu chứng.

Trước khi làm xét nghiệm nước tiểu không nên dùng các thực phẩm dễ khiến nước tiểu đổi màu.

Lưu ý trước khi xét nghiệm nước tiể

Kết quả xét nghiệm nước tiểu có thể cho biết tình trạng sức khỏe của người bệnh. Để đảm bảo kết quả chính xác, người bệnh cần lưu ý:

– Thông báo cho bác sĩ nếu đang sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng, hoặc vitamin. Bác sĩ có thể yêu cầu ngừng tạm thời trước khi xét nghiệm.

– Tránh uống cà phê hoặc đồ uống có đường và chất kích thích trước khi xét nghiệm.

– Nữ giới nên báo cho bác sĩ nếu đang trong hoặc gần kỳ kinh nguyệt, vì dịch tiết âm đạo có thể ảnh hưởng đến kết quả.

Mục nhập này đã được đăng trong News. Đánh dấu trang permalink.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *