Tổng thống Nga thăm Triều Tiên: Phương Tây hẳn phải đứng ngồi không yên

Tong Thong Nga Tham Trieu Tien Phuong Tay Han Phai Dung Ngoi Khong Yen 24252

Phương Tây hẳn phải đứng ngồi không yên khi nghe tin Nga và Triều Tiên công khai việc xây dựng mối quan hệ thương mại bền chặt. Ông Vladimir Putin đã hứa hẹn điều gì ở Bình Nhưỡng?

Tổng thống Nga thăm Triều Tiên: Phương Tây hẳn phải đứng ngồi không yên vì Moscow đã hứa hẹn điều này?

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Nguồn: Kremlin.ru)

Tổng thống Nga thăm Triều Tiên: Phương Tây hẳn phải đứng ngồi không yên vì Moscow đã hứa hẹn điều này?

Tổng thống Nga Putin tới thăm Triều Tiên lần đầu tiên sau 24 năm, cam kết thiết lập quan hệ kinh tế bền chặt. Đây là chuyến thăm cực kỳ hiếm hoi, đánh dấu mối quan hệ đối tác đang được đẩy mạnh giữa Moscow và Bình Nhưỡng.

Củng cố huyết mạch kinh tế

Cụ thể, Tổng thống Nga Putin hứa sẽ xây dựng các hệ thống thương mại và an ninh với Triều Tiên mà không bị các nước phương Tây kiểm soát. Ông cũng cam kết ủng hộ mạnh mẽ Triều Tiên, trong một bức thư được truyền thông nhà nước Triều Tiên công bố ngay trước chuyến thăm của người đứng đầu nước Nga ​​tới quốc gia Đông Bắc Á này.

Công bố gây sự chú ý khi được đăng tải chỉ một ngày sau khi Moscow và Bình Nhưỡng thông báo ông Putin sẽ thăm Triều Tiên lần đầu tiên sau 24 năm.

Trong thư, ông Putin nói rằng, “Nga và Triều Tiên đã phát triển mối quan hệ song phương và đối tác tốt đẹp trong 70 năm qua, dựa trên sự bình đẳng, tôn trọng và tin cậy lẫn nhau”.

Người đứng đầu nước Nga cảm ơn Triều Tiên vì đã hỗ trợ chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow ở Ukraine, đồng thời, hứa hẹn sẽ hỗ trợ Bình Nhưỡng bảo vệ lợi ích của mình, bất chấp những gì ông mô tả là “áp lực, tống tiền và đe dọa từ Mỹ”.

Chuyến thăm lịch sử của ông Putin ​​kéo dài hai ngày (18-19/6), Cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin cho biết, Nga và Triều Tiên có thể ký nhiều thỏa thuận hợp tác trong chuyến thăm, bao gồm cả các vấn đề an ninh.

Ông cho biết, thỏa thuận sẽ không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào khác, nhưng sẽ “vạch ra những triển vọng hợp tác chặt chẽ hơn nữa và sẽ được ký kết có tính đến những vấn đề đã xảy ra giữa hai nước chúng ta trong những năm gần đây – trong lĩnh vực chính trị quốc tế, kinh tế… tất nhiên, là có tính đến các vấn đề bảo mật”.

Theo kế hoạch được truyền thông đăng tải, chuyến thăm của Tổng thống Putin tới Triều Tiên bao gồm các cuộc thảo luận trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo, buổi dạ tiệc, chiêu đãi cấp nhà nước, duyệt đội danh dự, ký kết tài liệu và tuyên bố với giới truyền thông.

Lợi ích chiến lược và kinh tế

Giới truyền thông quốc tế đánh giá, chuyến thăm của ông Putin tới Triều Tiên đánh dấu việc tăng cường quan hệ ngoại giao và kinh tế giữa Moscow và Bình Nhưỡng. Trong suốt lịch sử, Nga đã duy trì mối quan hệ thận trọng nhưng mang tính hỗ trợ với Triều Tiên, chủ yếu được thúc đẩy bởi các lợi ích chiến lược và kinh tế.

Chuyến thăm này tái khẳng định mối quan hệ đó và thúc đẩy tiềm năng tăng cường hợp tác song phương, trong nhiều lĩnh vực khác nhau, như thương mại, năng lượng và công nghệ quân sự.

Đối với Triều Tiên, bằng cách thúc đẩy một liên minh như vậy, nước này sẽ duy trì được huyết mạch kinh tế quan trọng trước các lệnh trừng phạt quốc tế nghiêm ngặt, cho phép họ giảm bớt một số áp lực kinh tế do Liên hợp quốc và các cường quốc phương Tây áp đặt.

Bởi vậy, một trong những tác động trước mắt của chuyến thăm là khả năng làm suy yếu “sức mạnh” trừng phạt quốc tế đối với Bình Nhưỡng. Theo đó, bằng cách thiết lập các kênh thương mại và tài chính mạnh mẽ với Nga, Triều Tiên có thể giảm bớt một số áp lực đã làm tê liệt nền kinh tế của nước này.

Tuy nhiên, giới quan sát cũng cho rằng, thực tế này rất có thể sẽ gây ra phản ứng mạnh mẽ từ các quốc gia phương Tây, có khả năng dẫn đến các vòng trừng phạt hoặc biện pháp ngoại giao mới chống lại cả Nga và Triều Tiên. Liên minh châu Âu (EU) và các cường quốc khác cũng có thể tham gia những nỗ lực này, tìm cách duy trì tính toàn vẹn của khuôn khổ trừng phạt quốc tế và ngăn chặn sự xói mòn tính hiệu quả của nó, đặc biệt là trong việc gây ảnh hưởng đến chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Xét tới ý nghĩa quốc tế, trên phạm vi toàn cầu, chuyến thăm Triều Tiên của ông chủ Điện Kremlin phản ánh mục tiêu chiến lược rộng lớn hơn của Nga trong việc khẳng định tầm ảnh hưởng và thách thức sự thống trị của Mỹ trong các vấn đề quốc tế.

Theo đó, bằng cách liên kết chặt chẽ với Triều Tiên, Nga đặt mục tiêu mở rộng phạm vi địa chính trị và tạo ra đối trọng với quyền bá chủ của phương Tây. Chiến lược này có thể làm suy yếu các biện pháp trừng phạt quốc tế, được đánh giá là có thể “truyền cảm hứng” cho các quốc gia khác đang bị trừng phạt, như Iran hay Venezuela – trong việc tìm kiếm các liên minh tương tự, từ đó làm phức tạp thêm quan hệ ngoại giao và kinh tế toàn cầu.

Hơn nữa, chuyến thăm của Tổng thống Nga đã làm nổi bật động lực thay đổi của các liên minh quốc tế, nơi các khối quyền lực truyền thống đang ngày càng bị “đặt câu hỏi” và xem xét lại để đáp ứng với thực tế địa chính trị thế giới đang biến động không ngừng.

Ngoài ra, chuyến thăm còn phản ánh chiến lược lớn hơn của Nga nhằm thách thức sự thống trị của phương Tây và định hình lại các liên minh toàn cầu, trong đó chú trọng mục tiêu kinh tế.

Vì vậy, cộng đồng quốc tế được cho là đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến và phản ứng này để duy trì sự ổn định và đảm bảo hiệu quả của cơ chế trừng phạt toàn cầu.

Như giới truyền thông bình luận, chuyến công du của Tổng thống Nga tới Triều Tiên là lời nhắc nhở rõ ràng về sự phức tạp và mối liên kết giữa các quan hệ và hành động quốc tế đương đại, trong đó hành động của một quốc gia có thể gây ra tác động sâu rộng, không chỉ đối với kinh tế mà còn tới hòa bình và an ninh toàn cầu.

Mục nhập này đã được đăng trong News. Đánh dấu trang permalink.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *