Nga gần như ngay lập tức lên tiếng sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất Nga ngừng bắn ở Ukraine trong thời gian diễn ra Olympics.
“Tôi cũng có một đề xuất đáp lại đề nghị của ông Macron: Hãy ngừng cung cấp vũ khí (cho Ukraine). Tôi cũng gợi ý ông Macron nên đưa ra đề xuất tương tự cho các bên trong cuộc xung đột ở Trung Đông”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 17/3 cho biết.
Bình luận này của bà Zakharova nhằm phản ứng với đề xuất đưa ra trước đó của Tổng thống Pháp Macron.
“Chúng tôi sẽ đề nghị một lệnh ngừng bắn. Đó là một thông điệp hòa bình… Chúng tôi cũng sẽ tuân thủ quyết định của Ủy ban Olympic”, ông Macron trả lời phỏng vấn đài truyền hình Ukraine khi được hỏi liệu ông có kế hoạch đề nghị Nga ngừng bắn trong thời gian diễn ra Olympics ở Pháp từ ngày 26/7 đến 11/8 hay không.
Tổng thống Macron cũng cho biết, ông sẵn sàng thảo luận với người đồng cấp Nga Vladimir Putin cách thức hạ nhiệt căng thẳng ở Ukraine.
“Tôi sẽ nhấc máy (nếu ông Putin gọi), vì tôi cảm thấy đây là trách nhiệm của mình. Tôi sẽ lắng nghe những gì ông ấy đề xuất. Một mặt chúng tôi vẫn cần phải chuyển cho Ukraine mọi thứ cần thiết để tăng cường khả năng phòng thủ, đồng thời thúc đẩy giảm leo thang. Nếu Tổng thống Putin muốn đưa ra đề xuất nào đó, tôi sẽ lắng nghe ông ấy”, ông Macron chia sẻ.
Trước đó, Tổng thống Putin cho biết, Moscow sẵn sàng hợp tác với Paris nếu Pháp có thiện chí. Chủ nhân Điện Kremlin nói, ông từng có mối quan hệ làm việc rất tốt đẹp với ông Macron, nhưng mối quan hệ đó đã bị rạn nứt bởi chính nhà lãnh đạo Pháp.
Ông Macron tháng trước gây xôn xao với phát biểu phương Tây không loại trừ khả năng đưa quân vào Ukraine để hỗ trợ Kiev.
Bất chấp những ý kiến bất đồng từ nhiều đồng minh NATO, hôm 15/3, ông tiếp tục tuyên bố: “Dù tôi không muốn và cũng sẽ không chủ động trong việc này, nhưng có thể đến một lúc nào đó chúng ta sẽ phải tiến hành các chiến dịch trên thực địa, bất kể đó là gì, để chống lại lực lượng Nga”.
Politicodẫn nguồn thạo tin nói rằng, Pháp dường như đang bí mật tập hợp một liên minh gồm các quốc gia sẵn sàng gửi quân đến Ukraine. Giới chức Pháp giải thích, đưa quân vào Ukraine không có nghĩa là trực tiếp tham chiến chống lại Nga, mà có thể đơn giản chỉ là hỗ trợ huấn luyện cho quân đội Kiev.
TheoPolitico, phần lớn các nước châu Âu, bao gồm Đức, Ba Lan và Cộng hòa Séc, đã bác bỏ ý tưởng đưa quân vào Ukraine, trong khi các nước vùng Baltic “cởi mở hơn nhiều với ý tưởng này”.
Đáp lại, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo việc quân NATO triển khai trên thực địa ở Ukraine sẽ dẫn đến một cuộc xung đột không thể tránh khỏi giữa Nga và liên minh quân sự phương Tây.
Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh, nếu phương Tây đưa lực lượng quân sự vào Ukraine, hành động này sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến hạt nhân.